Chính quyền sai phạm, rủi ro ai gánh?

Cập nhật 17/05/2018 09:37

Theo các chuyên gia, đất công sai phạm phải thu hồi. Nhưng với những trường hợp chính quyền sai, nếu không đền bù thỏa đáng; nếu cứ áp đặt hồi tố sẽ khiến người dân, doanh nghiệp thiệt hại và đặc biệt làm ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư, kinh doanh.

Khu đô thị mới Thủ Thiêm điểm nóng về khiếu nại, tố cáo liên quan đến quy hoạch. ẢNH: ĐỘC LẬP

Không thể đổ hết lên doanh nghiệp

Thanh tra Chính phủ vừa kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo thu hồi khu đất rộng gần 5.000 m2 tại số 8 - 12 Lê Duẩn (Q.1, TP.HCM) để thực hiện việc đấu giá, tăng thu cho ngân sách. Khu “đất vàng” này được UBND TP giao và cho thuê không qua đấu giá. Gần nhất chiều 15.5, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành liên quan, UBND TP.HCM bàn việc xử lý khiếu nại, tố cáo của người dân về dự án Thủ Thiêm...

TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), cho rằng thời gian qua một loạt đất công tại Đà Nẵng, TP.HCM bị sử dụng sai mục đích, cấp sai, giao sai... được thu hồi khiến bản thân ông, cũng như người dân rất phấn khởi. Đặc biệt, quyết định mới nhất của Thủ tướng về dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm thể hiện quan điểm nhất quán về quyết tâm phòng chống tham nhũng, nhóm lợi ích chi phối nếu có và cũng thể hiện rõ sự công tâm, khách quan trong việc đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước - người dân - doanh nghiệp (DN). “Đất đai, tài sản của nhà nước là tài sản công, của sở hữu toàn dân nên cần phải được bảo vệ một cách chặt chẽ, không để thất thoát rơi vào tay các nhóm lợi ích, để họ xà xẻo, đút túi”, TS Hồ nhấn mạnh.

Tuy nhiên, nhìn rộng hơn về kinh tế, theo TS Hồ, việc thu hồi như thế nào, và xử lý trách nhiệm của các bên liên quan sắp tới ra sao cần phải được giải quyết thỏa đáng. Nếu sau này thanh tra xác định chính quyền ra quyết định sai, phá vỡ quy hoạch thì phải xử lý nghiêm trách nhiệm của từng cá nhân, đặc biệt trách nhiệm của người đứng đầu ban hành chủ trương, phê duyệt quyết định đầu tư. Việc hồi tố, tức thu hồi lại các quyết định, thu hồi dự án, bất động sản... phải thực thi theo đúng tinh thần của pháp luật ai sai người đó chịu. Nếu không xử lý dứt điểm, công bằng chắc chắn các địa phương có sai phạm sẽ đánh mất niềm tin của DN. Đặc biệt các DN nước ngoài sẽ cảm thấy ái ngại với một môi trường đầu tư đầy rủi ro, thiếu công khai và minh bạch.

Cân nhắc việc thu hồi

Chuyên gia kinh tế độc lập Nguyễn Quang Đồng, người từng có nhiều năm làm việc với Ngân hàng Thế giới (WB), cũng cho rằng việc ra các quyết định hành chính sai sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, rủi ro kinh doanh tăng lên. “Nếu DN làm đúng quy trình, thủ tục đầu tư, còn sai phạm là của chính quyền, của người ra quyết định thì không thể thu hồi một cách tùy tiện bằng quyết định hành chính được. Hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề về mặt pháp lý mà chúng ta vẫn lúng túng. Do đó, cần có khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh để giải quyết câu chuyện này”.

Trao đổi thêm với Thanh Niên, TS Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), thẳng thắn bày tỏ quan điểm, không chỉ DN nước ngoài mà kể cả DN trong nước làm ăn chân chính cũng sẽ cảm thấy rất rủi ro. “Đơn thuần khi DN trúng đấu giá, thuê đất từ chính quyền, chính quyền làm sai thì xử lý như thế nào? Về mặt nguyên tắc, dự án phá vỡ quy hoạch, sai phạm thì cũng phải chấp nhận để nhà nước thu hồi, nhưng trong trường hợp chính quyền quy hoạch, ra quyết định sai... mà bắt DN chịu cả rủi ro đó thì không công bằng”, TS Hiếu lo ngại.

Theo TS Phan Đức Hiếu, với trường hợp không phải do lỗi của DN, DN phải được đền bù đúng theo tinh thần của luật pháp hiện hành. Cách đền bù như thế nào là vấn đề nhà nước phải đứng ra xử lý, không để làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, ông Lê Hoàng Châu nhận xét: Việc xử lý theo hướng xem xét, thu hồi lại các khu đất đã tác động đến môi trường kinh doanh. Lường trước được điều này, liên quan đến khu đất số 8 - 12 Lê Duẩn, kết luận của Thanh tra Chính phủ đã đánh giá được tác động của môi trường kinh doanh, nhất là tác động đến DN nước ngoài nên đã chỉ đạo UBND TP.HCM phải giải quyết quyền lợi chính đáng của DN. Theo ông Châu, để có các hợp đồng chuyển nhượng đất thì phải có chữ ký của cán bộ, công chức và thậm chí lãnh đạo chứ bản thân DN không thể quyết được.

Ông Lê Hoàng Châu cũng nhấn mạnh: “Cán bộ nhà nước sai phải chịu trách nhiệm, bồi thường những thiệt hại cho DN thậm chí bồi thường cho nhà nước vì những thất thoát do mình gây ra. Tuy nhiên DN cũng phải thấy trách nhiệm của mình trong kinh doanh khi đi lấy đất giá rẻ bằng mọi giá”.

DiaOcOnline.vn - Theo Thanh niên