Top

Chậm làm “sổ đỏ” chung cư: Không tác dụng nếu chỉ phạt chủ đầu tư

Cập nhật 29/05/2016 08:32

Xử phạt chủ đầu tư chậm làm sổ đỏ thì Nhà nước được hưởng, chủ đầu tư chịu thiệt, nhưng sau đó vẫn không làm thì phạt cũng vô nghĩa.

Tình trạng các chung cư đưa vào sử dụng nhiều năm, người mua nhà đã hoàn tất nghĩa vụ tài chính nhưng chủ đầu tư vẫn chậm trễ trong việc làm các thủ tục để cơ quan quản lý Nhà nước cấp sổ đỏ diễn ra khá phổ biến ở Hà Nội.

Bỏ ra nhiều tiền để mua nhà, hàng nghìn người dân lại đang phải mệt mỏi vì chờ đợi được công nhận quyền sở hữu chính căn nhà của mình. Thực tế này cho thấy, đã đến lúc cần xem xét lại cơ chế quản lý hiện nay để tìm giải pháp phù hợp với thực tiễn, đẩy nhanh tiến độ làm sổ đỏ, đảm bảo quyền lợi cho người dân ở các chung cư.


Ông Tô Đại Diễm đã quyết định lấy lại hồ sơ đã nộp cho chủ đầu tư để tự tìm cách đi làm sổ đỏ.

Năm ngoái, ngay sau khi chuyển về ở chung cư Meco Complex, ngõ 102 Trường Chinh, Hà Nội, ông Tô Đại Diễm đã được chủ đầu tư thông báo nộp hồ sơ để làm sổ đỏ. Hơn 1 năm đã trôi qua, nhưng kết quả là đến nay, sổ đỏ vẫn không thấy đâu, chủ đầu tư cũng chẳng có bất cứ phản hồi nào về vấn đề này.

Quá sốt ruột, ông Diễm đã quyết định làm đơn xin lấy lại hồ sơ để tìm cách tự đi làm sổ đỏ: “Tôi nộp ngay từ khi mua nhà, khoảng 1 năm rồi, nộp đầy đủ hồ sơ rồi mà không hiểu lý do làm sao chưa làm được. Chủ đầu tư nói là ai có nhu cầu thì nộp hồ sơ, hôm nay lên thấy hồ sơ vẫn ở trong ngăn kéo, để nguyên. Sốt ruột vì tuổi cao sức yếu rồi, cũng muốn cho nhanh gọn đi, sau này con cái đỡ lo”.

Hàng trăm hộ dân sống ở khu chung cư này đều rất bức xúc khi bỏ tiền tỷ mua nhà, nhưng chủ đầu tư lại thờ ơ, “ngâm” hồ sơ làm sổ đỏ từ năm này qua năm khác. Điều đáng nói là trong cùng một tòa nhà vẫn có 1 số ít hộ đã có được loại giấy tờ quan trọng này.

Đây là câu chuyện không chỉ xảy ra ở một vài chung cư đơn lẻ, mà khá phổ biến ở Hà Nội. Hàng nghìn người dân ở những khu chung cư cao cấp, mỗi căn giá hàng tỷ đồng, đến nhà thu nhập thấp, nhà giá rẻ, hay nhà tái định cư đang phải sống chung với tình cảnh bỏ tiền thật mua nhà mà chỉ như đi “ở trọ” vì chưa được công nhận quyền sở hữu. Kéo theo đó là hàng loạt những khó khăn, phức tạp trong cuộc sống cũng như khi muốn chuyển nhượng, mua bán lại.

Chị Vũ Thái Ninh ở khu đô thị mới Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội cho biết, chờ đợi hơn 2 năm mà chưa có sổ đỏ, chủ đầu tư thì cứ hứa hẹn rồi lại thất hứa, khiến người dân rất mệt mỏi: “Bây giờ các cấp phải xem chủ đầu tư chậm trễ làm sổ đỏ như thế nào. Hãy bảo vệ cho cư dân bởi vì họ rất vất vả trong việc kiếm được tiền để mua nhà, rồi lại rất vất vả để nuôi sống bản thân và gia đình nữa”.

Nghị định 43 năm 2014 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đất đai nêu rõ, sau khi hoàn thành công trình, chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở có trách nhiệm gửi Sở Tài nguyên và Môi trường các giấy tờ để làm thủ tục đăng ký, cấp sổ đỏ. Đa số người dân cho biết, trước khi đặt tiền mua nhà, phía chủ đầu tư đều khẳng định sẽ làm sổ đỏ chỉ sau khi bàn giao nhà vài tháng. Thế nhưng, nhiều khu chung cư đã đưa vào sử dụng 2-3 năm, thậm chí 5-7 năm mà vẫn “nợ” sổ đỏ của dân, nhiều nơi còn có hiện tượng “vòi vĩnh” thu thêm tiền mới làm sổ đỏ.

Có thể kể ra một số cái tên tiêu biểu như tại dự án Khu đô thị mới Splendora, dự án Khu nhà ở Tân Lập, dự án Khu đô thị Tân Tây Đô, dự án Khu nhà ở thương mại Sài Đồng, dự án 302 Cầu Giấy hay dự án Sông Hồng Parkview...

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định, thực tế này có nguyên nhân do cách thức quản lý của cơ quan Nhà nước hiện nay là trao quyền cho chủ đầu tư được làm đầy đủ các giấy tờ, thủ tục… sau đó cơ quan Nhà nước mới bắt đầu thụ lý làm sổ đỏ. Trên thực tế, nhiều chủ đầu tư còn xây dựng sai phép, không đúng quy hoạch, chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính… thì cơ quan quản lý Nhà nước cũng sẽ không xem xét cấp sổ đỏ. Vì những sai phạm của chủ đầu tư mà không cấp sổ đỏ cho người dân là không phù hợp, ở đây lỗi không phải do người mua nhà. Cơ chế này cần thay đổi thì việc cấp sổ đỏ cho người dân ở các chung cư mới hiệu quả.

GS Đặng Hùng Võ cho rằng, chỉ cần người dân làm xong mọi thủ tục mua nhà với chủ đầu tư là cơ quan Nhà nước có thể cấp luôn sổ đỏ. Còn việc chủ đầu tư vi phạm thì cứ sai chỗ nào xử phạt chỗ đó và cần xử phạt ngay từ lúc đang xây dựng. Mức xử phạt đối với hành vi chậm làm sổ đỏ cho người dân của các chủ đầu tư dự án nhà ở hiện có thể lên tới 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, bên cạnh việc xử phạt, thì điều quan trọng hơn là cần nâng cao hiệu quả quản lý của cơ quan có thẩm quyền.

Theo ông Võ, việc xử phạt dù có cao thì chỉ có hiệu quả về răn đe chứ không có hiệu quả về hành vi quản lý. Hiệu quả về hành vi quản lý là cơ quan cấp trên phải yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cấp sổ đỏ phải cấp ngay, như thế người dân mới được hưởng. Còn việc xử phạt thì Nhà nước được hưởng, chủ đầu tư chịu thiệt, nhưng mà sau khi nộp phạt xong rồi họ lại tiếp tục không làm sổ đỏ thì việc phạt cũng vô nghĩa.


DiaOcOnline.vn - Theo VOV