Top

Cấp một giấy mới: Vẫn cực trần thân

Cập nhật 18/01/2010 07:55

Chuyển nhượng, thế chấp… chuyện gì cũng phải đổi sang giấy mới làm mệt mỏi người dân lẫn cơ quan cấp giấy. Vẫn có nơi bắt bổ sung bản vẽ.

Khi chuyển từ cấp giấy hồng theo Nghị định 90/2006 sang cấp một giấy mới quy định tại Nghị định 88/2009 vào ngày 10-12-2009, cơ quan đầu mối hướng dẫn là Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP khẳng định: Sẽ không có vướng mắc gì làm ảnh hưởng đến người dân. Nhưng thực tế người dân vẫn phản ánh việc cấp giấy mới còn khó, tốn kém tiền bạc và công sức hơn trước. Nguyên nhân từ cơ quan cấp giấy cũng có, mà từ thủ tục cũng có.

Giấy mới vừa cấp lại phải đổi

Người dân một số quận như Bình Thạnh, Gò Vấp, quận 4… cho biết họ đã có giấy hồng theo Nghị định 60 (chiếm số lượng rất lớn trong các loại giấy chứng nhận), khi đăng bộ do chuyển chủ sở hữu, quận cho biết phải làm giấy mới cho bên nhận và yêu cầu phải vẽ bản vẽ. Chị NT, đang nộp hồ sơ cho căn nhà số 12/10A Hoàng Hoa Thám, phường 7, quận Bình Thạnh, than thở: “Căn nhà này đã được cấp giấy hồng từ năm 2002, nay chuyển nhượng phải vẽ lại bản vẽ mất 2,5 triệu đồng, chờ hơn một tháng. Quá lâu!”.

Tương tự, quận Gò Vấp lúc đầu cũng nhận hồ sơ đổi từ giấy hồng Nghị định 60 qua giấy mới mà không cần bản vẽ. Tuy nhiên, nay quận phải mời người dân lên bổ sung bản vẽ do thấy rằng không thể tự làm được điều này. Cũng gặp khó khăn tương tự, quận 4 cho biết phải thuyết phục người dân bổ sung bản vẽ mới khi đăng bộ giấy hồng cũ. Nếu người dân không đồng ý thì cán bộ hướng dẫn họ làm cam kết nhà, đất không thay đổi hiện trạng, diện tích.
 

Người dân vẫn gặp nhiều khó khăn khi làm giấy mới trong nhiều trường hợp. Trong ảnh: Làm thủ tục nhà đất tại UBND quận Tân Bình, TP.HCM. Ảnh: HTD


Theo quy định hiện nay, hễ có thay đổi chủ sở hữu là phải bỏ giấy chứng nhận, dù đó là giấy trắng hay giấy hồng, giấy đỏ… để cấp luôn giấy mới cho bên nhận. “Giấy mới theo Nghị định 88 vừa cấp được chừng tháng nay thì họ đã mua bán và thế là phải cấp lại giấy mới khác cho bên mua”, Phòng TN&MT quận Gò Vấp cho biết.

Thế chấp cũng phải đổi giấy

Tuy nhiên, cam go nhất có lẽ là trường hợp của chị VTKN, nhà ở đường Lê Quang Định, Gò Vấp đang đi vay ngân hàng bằng giấy hồng được cấp theo Nghị định 60. Khi xong thủ tục ở phòng công chứng, ngân hàng mang hồ sơ qua Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất của quận để cập nhật biến động lên giấy hồng. Cứ tưởng chỉ trong một ngày là xong như những lần trước nhưng nay chị được thông báo: Phải làm giấy mới. Lý do là trên giấy hồng của chị N. đã hết chỗ để cập nhật biến động trong khi quy định mới không cho phép sử dụng trang bổ sung. Quận Gò Vấp đề nghị hai bên đi vay và cho vay làm văn bản thỏa thuận đồng ý đổi giấy và ai được đi lấy giấy chứng nhận. “Tôi phải làm lại bản vẽ, rồi phải chờ cả tháng mới có giấy mới” - chị N. bày tỏ.

Trưởng phòng TN&MT quận Gò Vấp Trần Anh Tuấn cho biết hồ sơ thế chấp đang là nỗi lo lớn nhất của ông và bộ phận cấp giấy. “Lượng hồ sơ đăng ký thế chấp, xóa thế chấp có thể sẽ kéo theo rất nhiều trường hợp phải cấp giấy mới” - ông nói. Ông Tuấn cũng cho hay nếu biến động mà không dẫn đến thay đổi chủ sở hữu như thế chấp, chuyển mục đích sử dụng đất… thì cơ quan đăng ký biến động được xác nhận thay đổi trên giấy nhưng nếu giấy hết chỗ để xác nhận thì phải đổi luôn giấy mới.

Theo ước lượng, một năm trung bình quận Gò Vấp tiếp nhận khoảng 14.000 hồ sơ thế chấp. Quận này dự báo nếu không sử dụng trang bổ sung thì trong thời gian tới lượng hồ sơ thế chấp nhưng phải đổi giấy mới sẽ tăng mạnh. Và trong trường hợp nếu không thể sử dụng các số liệu của giấy chứng nhận cũ để cập nhật qua giấy chứng nhận mới, quận phải đề nghị người dân bổ sung bản vẽ. “Nếu cho phép sử dụng trang bổ sung thì sẽ rất đỡ cực cho bên thế chấp lẫn cơ quan cấp giấy. Về lâu dài, chắc chúng tôi phải kiến nghị việc này” - ông Tuấn nói.
 

Vẫn có nơi bắt bổ sung bản vẽ

Thông tư 17/2009 quy định: Với hồ sơ đăng bộ có thay đổi chủ sở hữu, cơ quan tiếp nhận hồ sơ căn cứ vào giấy tờ, tài liệu đã có để thể hiện trên giấy mới. Thông tin nào thiếu thì để trống, không được yêu cầu người dân phải bổ sung giấy tờ, kể cả bản vẽ.

Tuy nhiên vừa qua ở quận 10, một số người dân nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận theo Nghị định 90 nhưng không cấp kịp, nay chuyển sang giấy mới thì quận bắt phải điều chỉnh bản vẽ. Quận 10 giải thích: Bản vẽ theo giấy hồng Nghị định 90 không thể hiện tọa độ ranh đất như yêu cầu của Nghị định 88. Do đó, quận phải dựa vào bản đồ địa chính để điền vị trí tọa độ. Khi kiểm tra có chênh lệch về ranh thửa đất, không phù hợp với bản đồ địa chính thì quận mới yêu cầu người dân cung cấp lại file bản vẽ hoặc tự bổ sung tọa độ.

Theo ghi nhận của chúng tôi, không ít người dân quận 10 đã phải điều chỉnh bản vẽ trong khi các quận, huyện khác đều không bắt người dân phải làm việc này.


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP