Top

Phát triển nhà ở xã hội:

Cần sớm hoàn thiện cơ chế

Cập nhật 01/04/2010 13:40

Trong khi các căn nhà có giá trị dưới 1 tỷ đồng tại Hà Nội vẫn là của hiếm thì người dân đang mong chờ vào các dự án nhà ở xã hội, với hy vọng có thể mua được căn nhà phù hợp với thu nhập của mình. Họ ngóng chờ vào sự chuyển động của các dự án nhà ở xã hội này, làm sao cho sớm khởi công xây dựng, nhanh hoàn thiện để mua được nhà.


Những căn nhà giá rẻ ứng dụng công nghệ mới do Vinaconex Xuân Mai xây dựng ở Vĩnh Yên chỉ khoảng 6 triệu đ/m2.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đến nay đã có 88/95 dự án nhà ở dành cho học sinh, sinh viên (HSSV) được khởi công xây dựng. Nhà ở cho công nhân (CN) cũng đã có 24 dự án được khởi công xây dựng với số vốn đầu tư khoảng 2.600 tỷ đồng. Nhà cho người thu nhập thấp (TNT), có 33 dự án được khởi công với tổng đầu tư 2.500 tỷ đồng… Tuy nhiên, so với nhu cầu cũng như số lượng các dự án đăng ký thì số các dự án được khởi công xây dựng còn rất ít.

Để đạt được mục tiêu đến năm 2015 đáp ứng chỗ ở cho 60% số HSSV theo tính toán của Bộ Xây dựng, trong giai đoạn 2011 - 2015 cần khoảng 30.000 tỷ đồng, mỗi năm cần 6.000 tỷ đồng. Nhà ở cho CN, người TNT tại các địa phương luôn trong tình trạng bức xúc.

Đến nay, đã có 264 dự án nhà công nhân đăng ký triển khai với tổng mức đầu tư gần 59.300 tỷ đồng và 263 dự án nhà TNT được đăng ký với tổng vốn đầu tư gần 73.000 tỷ...

Cũng theo đánh giá của Bộ Xây dựng, vấn đề khó khăn nhất hiện nay đối với các dự án nhà ở xã hội, nhất là nhà CN và người TNT đó chính là vốn và quỹ đất.

Các dự án nhà ở CN và TNT không sử dụng vốn ngân sách Nhà nước mà chủ yếu trông chờ vào vốn huy động từ các thành phần kinh tế, từ các DN. Trong số 59.300 tỷ đồng cần cho các dự án nhà CN, vốn huy động từ các thành phần kinh tế gần 54.000 tỷ đồng. 73.000 tỷ đồng vốn dành cho các dự án nhà TNT cũng vậy, cần phải huy động từ các thành phần kinh tế gần 70.000 tỷ đồng.

Không phải DN nào cũng mặn mà với các dự án này, nhất là khi khó có thể huy động vốn ứng trước của người mua, khả năng thu hồi vốn lại kéo dài… chính vì vậy các dự án này đang rất khó khăn về vốn đầu tư.

Theo quy định, các địa phương phải bố trí quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà TNT gắn với các dự án nhà ở thương mại, KĐTM (tỷ lệ tối thiểu là 20%) hoặc bố trí quy hoạch riêng, nhưng cho đến nay các địa phương vẫn đều chậm triển khai việc điều chỉnh quy hoạch để tạo quỹ đất.

Để giải quyết vấn đề vốn và quỹ đất, các chuyên gia, nhà quản lý đều cho rằng, Nhà nước cần tiếp tục tập trung các nguồn lực, đặc biệt là nguồn ngân sách dành hỗ trợ vốn, hỗ trợ lãi suất vay đối với các dự án nhà ở SV, CN và người TNT…

Hiện nay Bộ Xây dựng đang phối hợp cùng Ngân hàng Phát triển Việt Nam nghiên cứu triển khai thực hiện cơ chế hỗ trợ các DN đầu tư xây dựng nhà TNT vay tối đa 70% tổng mức đầu tư dự án, với lãi suất ưu đãi khoảng 6 - 7% năm, thời hạn vay từ 10 - 15 năm. Dự kiến sẽ triển khai khoảng 20 - 30 dự án thí điểm trong năm 2010.

Quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội cần rất lớn, Bộ Xây dựng cũng đã chỉ đạo các địa phương đặc biệt chú trọng, phải có quy hoạch cụ thể để tạo quỹ đất. Trong năm nay sẽ tiến hành rà soát các dự án lớn tại các địa phương về việc thực hiện quy định dành quỹ đất cho nhà ở xã hội, các dự án có quy mô 10 ha trở lên bắt buộc phải dành đất để xây dựng nhà ở xã hội.

Nhiều DN cho rằng rất muốn tham gia các dự án nhà ở xã hội, thậm chí họ đã có sẵn quỹ đất và còn chưa tính đến những ưu đãi, tuy nhiên DN vẫn ngại ngùng, cho rằng điều họ cần hơn hết chính là có cơ chế rõ ràng trong đầu tư xây dựng cho đến bán nhà như thế nào. “Giải quyết các thủ tục, qua các cấp xét duyệt để được ưu đãi, có quỹ đất sạch đã là một quá trình, ngại hơn nữa là xây nhà xong lại phải chờ khách hàng”, một DN than thở.

Điều lo ngại của các DN cũng có lý khi mà một số dự án nhà TNT tại Hà Nội sắp được đưa vào sử dụng vậy mà các DN vẫn chưa biết được rõ ràng chủ đầu tư có được bán nhà hay phải quy về Sở Xây dựng bán, rồi quá trình xét duyệt các đối tượng được hưởng là bao lâu, công tác quản lý các khu nhà sau khi đưa vào sử dụng như thế nào...

Vấn đề này được ông Nguyễn Mạnh Hà - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS chia sẻ: “Cản trở đến việc triển khai các dự án chính là việc giải quyết các thủ tục hành chính ở một số địa phương chưa có sự chuyển biến, thậm chí gây khó khăn đối với các nhà đầu tư tham gia dự án. Nhiều DN vẫn còn đang cân nhắc hàng loạt vấn đề khi tham gia các dự án nhà ở xã hội, nhưng mong mỏi nhất đó là các địa phương cần sớm hoàn thiện các cơ chế liên quan”.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng