Top

Cần cơ chế khuyến khích nhà đầu tư

Cập nhật 29/11/2016 09:48

 Trong chương trình chỉnh trang đô thị - một trong 7 chương trình đột phá của TPHCM giai đoạn 2016 - 2020, TP sẽ di dời khoảng 26.000 hộ dân, giải tỏa khu nhà ổ chuột trên và ven kênh. Tuy nhiên, nguồn vốn huy động để chỉnh trang kênh rạch quá lớn và là bài toán khó cho các nhà quản lý, quy hoạch. Ngày 28.11, Hội Kiến trúc sư TPHCM đã tổ chức hội thảo “Nhà ở trên kênh rạch TPHCM: Thực trạng và giải pháp” để tìm ra những tiếng nói chung.


Phải cải tạo kênh rạch bị ô nhiễm nặng

Nghiên cứu mới đây của GS-TSKH Lê Huy Bá và KTS Lê Minh Thành, gần như 100% sông, kênh rạch bị ô nhiễm. Trong đó, 97% kênh rạch bị lấn chiếm, 22,5% diện tích mặt nước bị lấn chiếm, bồi phá hoàn toàn để xây dựng nhà cửa và công trình kiên cố. Khoảng 90% kênh rạch bị bồi lắng trầm tích (hữu cơ, cát, rác, sỏi, lục bình) đến nỗi, lúc nước ròng, thuyền nhỏ không di chuyển được. Tính đến thời điểm 15.7.2016, trên địa bàn TPHCM đã phát hiện hàng trăm trường hợp lấn chiếm hệ thống thoát nước (tuyến cống, kênh rạch, cửa xả, hầm ga) gây hiện tượng ngập úng nghiêm trọng. Ô nhiễm mùi cũng là đặc trưng của cách kênh rạch TPHCM như kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, Tham Lương, kể cả Nhiêu Lộc (mới được chỉnh trang, cải tạo với tổn phí 350 triệu USD), nhất là khi nước ròng.
Cần cơ chế khuyến khích nhà đầu tư ảnh 1

Trên địa bàn TPHCM có 5.000km sông, kênh rạch giúp tiêu thoát nước chống ngập và điều hòa không khí. Mấy chục năm qua, TP chỉ mới chỉnh trang, cải tạo, nạo vét được hơn 80km sông rạch. Nhiệm vụ còn rất nặng nề nếu muốn biến một TP ô nhiễm thành một TP đáng sống, văn minh.

Theo GS Lê Huy Bá, không nên đưa ra giải pháp cống hộp vì hậu quả lâu dài của ngập nước bẩn. Kênh hở tạo thoát nước nhanh. Có thể nghiên cứu cách giải phóng mặt bằng thay vì 20m, ta lấy ra 40m, để dành 20m xây nhà cao tầng, tái định cư tại chỗ, giá đền bù cũng chấp nhận được. Còn theo Ths-KTS Thái Ngọc Hùng, các căn nhà hai bên bờ kênh tạo nên bộ mặt kiến trúc nhếch nhác và gây phản cảm về thẩm mỹ đô thị, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của cộng đồng dân cư quanh khu vực, phá vỡ cảnh quan chung của TP.

Cần chính sách tài chính hợp lý

KTS Nguyễn Trường Lưu - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TPHCM - nhận định: “Trước đây, các chương trình giải tỏa, chỉnh trang trên kênh Nhiêu Lộc -Thị Nghè hay Bến Nghé - Tàu Hủ đều do nguồn vốn vay quốc tế và nguồn ngân sách nhà nước. Nhưng, các chương trình chỉnh trang đô thị hiện nay đều được xã hội hóa, vốn do các nhà đầu tư thực hiện theo kế hoạch, quy hoạch và dự án mà các chuyên gia, các nhà làm quy hoạch thực hiện được TP phê chuẩn? Chắc chắn với hình thức này, bài toán sẽ phức tạp hơn, sự đối kháng về quyền lợi của nhà đầu tư và của người dân phải di dời, của cảnh quan đô thị dòng kênh… sẽ lớn hơn rất nhiều”. Ông phân tích thêm: Để thực hiện được chương trình đột phá chỉnh trang đô thị của TP nói chung và dự án bờ nam Kênh Đôi với hơn 5.000 hộ dân cùng 26.000 hộ dân mới triển khai gần đây thì bài toán cốt lõi ở đây là chủ trương, đường lối và các chính sách của TP phải có cùng tiếng nói chung với các nhà làm quy hoạch, các chuyên gia kinh tế, xã hội, cùng với nhà đầu tư và người dân.

Theo TSKH-KTS Ngô Viết Nam Sơn, trở ngại khó khăn nhất trong việc tái định cư và chỉnh trang khu vực ven sông rạch chính là vốn đầu tư và định hướng chỉnh trang. Ông đề ra 6 giải pháp. Trong đó, việc đầu tiên và rất quan trọng là phối hợp nguồn vốn và hợp tác đầu tư theo phân kỳ để đưa ra kế hoạch và cung cấp tài chính cho các dự án. Để thu hút được nguồn vốn xã hội hóa, TP cần một số đổi mới cơ chế. TP có thể đưa ra mục tiêu và yêu cầu chỉnh trang dự án, có thể đưa ra cơ chế mở để khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài tham gia cùng thực hiện với tư cách là chủ đầu tư dự án. Tiếp theo, phải đảm bảo không gian cách ly không cho ô nhiễm thoát ra kênh rạch. Đồng thời, quy hoạch kết nối không gian sông rạch, hồ nước và không gian xanh để chống ngập và cải tạo khí hậu.

DiaOcOnline.vn - Theo Lao động