Top

Bồi thường đất thu hồi theo vị trí

Cập nhật 10/01/2014 08:30

Đưa giá đất bồi thường sát với mục đích sử dụng, sát thị trường; công bằng, sát sao trong chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề với hộ bị thu hồi đất... là kỳ vọng của các địa phương trong quá trình thực hiện Luật Đất đai mới

Ngày 9-1, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN - MT) đã tổ chức lấy ý kiến các tỉnh, thành phía Nam về dự thảo các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai. Bốn dự thảo nghị định được giới thiệu lần này là nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai; nghị định quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; nghị định quy định phương pháp xác định giá đất, khung giá đất, bảng giá đất cụ thể, tư vấn xác định giá đất và nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Nên có 2 giá đất nông nghiệp

Bộ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Minh Quang cho biết yếu tố đột phá trong Luật Đất đai mới xoay quanh chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng. Hiện nay, có một điều bất hợp lý là mức hỗ trợ thêm lại cao hơn mức bồi thường chính, một phần do khung giá đất chỉ bằng 20%-30% giá thị trường.

Dự án khu đô thị Sing Việt (huyện Bình Chánh, TP HCM) đã kéo dài hơn 10 năm vẫn chưa xong khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng do các bên không thống nhất được mức bồi thường

Vì thế, theo ông Nguyễn Minh Quang, các nghị định hướng dẫn sắp tới cần tập trung giải quyết những  bất cập này, sao cho khung giá đất ít nhất bằng 50% giá thị trường nhằm bảo đảm quyền lợi của người sử dụng đất.

Đại diện Sở TN-MT Cần Thơ cho rằng nguyên nhân phát sinh các mức hỗ trợ hiện nay chính là do giá đất quá thấp. Nếu bồi thường theo mục đích sản xuất thì giá rất thấp nhưng người dân sang nhượng với nhau thì rất cao.

Thực tế, các khu đô thị không còn đất sản xuất mà chỉ có đất ở. Do vậy, nên hỗ trợ theo vị trí đất chứ không theo mục đích sử dụng. Cũng theo Sở TN - MT Cần Thơ, khi đã bồi thường theo giá thị trường thì không cần các mức hỗ trợ, trừ hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Giám đốc Sở TN-MT TP HCM, nêu dẫn chứng mức bồi thường tại quận 2 do nhà nước đưa ra chỉ 380.000 đồng/m2 cộng thêm hỗ trợ thì cũng được 2 triệu đồng/m2. Nhà đầu tư muốn giải phóng mặt bằng phải tự thỏa thuận ngầm  với mức 5-10 triệu đồng/m2. Vì vậy, ông Hồng đề nghị đất nông nghiệp đã có kế hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng nên có mức giá khác với đất nông nghiệp thuần.

“Thực tế, chúng ta đã chấp nhận 2 mức giá này thông qua hình thức hỗ trợ đất nông nghiệp xen cài trong khu dân cư từ 30%-70% giá đất nông nghiệp” - ông Hồng dẫn chứng.

Không tính hỗ trợ chuyển nghề bằng giá đất

Một vấn đề khác nhận được nhiều góp ý là việc hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề cho người dân bị thu hồi đất nông nghiệp. Theo đó, mức hỗ trợ bằng tiền từ 1,5 - 5 lần giá đất nông nghiệp đối với toàn bộ diện tích bị thu hồi và mức hỗ trợ cao nhất không quá 5 lần giá đất nông nghiệp đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi. Đối với cả 2 phương pháp, diện tích được hỗ trợ không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp tại địa phương.

Đại diện Chi cục Quản lý đất đai tỉnh Đồng Nai nhận xét việc hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp lẽ ra phải dựa vào nhân khẩu, thu nhập, độ tuổi… thì lại dựa trên giá đất. Thực tế, nhiều gia đình chỉ 1-2 nhân khẩu nhưng có diện tích bị thu hồi lớn lại được hỗ trợ tiền chuyển đổi nghề quá nhiều, trong khi nhiều hộ cả 10 người nhưng diện tích thu hồi ít nên được hỗ trợ rất thấp.

Vì thế, vị này đề xuất mức hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp nên căn cứ trên diện tích đất nông nghiệp còn lại và nhân khẩu.

Giữ lại hệ số k

Dự thảo nghị định đưa ra 2 phương pháp định giá đất: So sánh trực tiếp giữa các thửa đất và phương pháp thu nhập (thông qua việc phân tích mức thu nhập ròng hằng năm trên một đơn vị diện tích so với tỉ suất vốn hóa hoặc hệ số chiết khấu). Đại diện Sở Tài chính Tiền Giang đề xuất đất cập quốc lộ, các trục giao thông nên tính bằng phương pháp so sánh, còn lại nên tính bằng phương pháp thu nhập. Ngoài ra, các tỉnh, thành cũng ủng hộ việc giữ lại hệ số k để điều chỉnh khung giá đất theo thị trường.


DiaOcOnline.vn - Theo Người lao động