Top

Bộ Tài nguyên chỉ ra 6 thách thức liên quan đến đất đai, môi trường

Cập nhật 08/01/2018 16:11

Những tảng bọt trên kênh A48. (Ảnh: Thanh Tuấn/TTXVN)

Sau một năm nỗ lực khắc phục các sự cố, tình hình ô nhiễm môi trường vẫn đang diễn biến phức tạp; nhiều vụ việc khiếu nại liên quan đến đất đai đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm; tình trạng lãng phí tài nguyên còn xảy ra ở nhiều địa phương…

Đó là những thách thức của ngành tài nguyên và môi trường được Bộ trưởng Trần Hồng Hà chia sẻ tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai kế hoạch nhiệm vụ năm 2018 của ngành, diễn ra sáng nay, 8/1, tại Hà Nội.

Thách thức trong năm 2017

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, mặc dù năm 2017 đã có những chuyển biến rõ rệt trong công tác quản lý, song ngành tài nguyên và môi trường cũng đang phải đối mặt với những tồn tại, thách thức cần giải quyết.

Cụ thể, trong năm qua, một số chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường chưa theo kịp yêu cầu phát triển của thực tế, chưa có đột phá lớn để thúc đẩy giải phóng các nguồn lực khác như lao động, khoa học và các nguồn vốn cho phát triển.

Nhiều vụ việc khiếu nại chưa được giải quyết dứt điểm, phát sinh điểm nóng, phức tạp; hiệu quả sử dụng đất còn thấp so với các nước trong khu vực, quản lý đất công ích, đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường còn hạn chế, để lấn chiếm, tranh chấp.

[Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm người đứng đầu buông lỏng quản lý đất]

An ninh nguồn nước là vấn đề hết sức quan trọng, nhưng việc điều tra cơ bản tài nguyên nước toàn quốc, quy hoạch tài nguyên nước các lưu vực sông còn chậm; vấn đề bảo vệ tài nguyên nước chưa được chú trọng đúng mức. Tình trạng khai thác khoáng sản, cát sỏi trái phép còn xảy ra ở một số nơi.

Trong lĩnh vực môi trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận, ô nhiễm môi trường vẫn diễn biến phức tạp do tác động tích lũy trong thời gian dài, trong khi công tác huy động nguồn lực xã hội trong giải quyết vấn đề môi trường chưa được triển khai thực hiện hiệu quả.

Sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung vẫn đang để lại một số hậu quả. Môi trường sống đang phải chịu những áp lực không nhỏ do tác động tích lũy của quá trình tăng trưởng. Tình trạng lãng phí tài nguyên còn xảy ra ở nhiều địa phương.

Trong khi đó, tài nguyên biển chưa được điều tra, khai thác, sử dụng hiệu quả và đóng góp tương xứng cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Điều đáng quan tâm nhất là, tần suất xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng nhiều, diễn biến khó lường nhưng mạng lưới cơ sở quan trắc, dự báo vẫn chưa hợp lý, trang thiết bị còn lạc hậu dẫn đến chất lượng dự báo xa, dự báo chính xác trong phạm vi hẹp còn hạn chế.

Vị tư lệnh ngành tài nguyên và môi trường cũng nhấn mạnh, việc ứng phó với biến đổi khí hậu đòi hỏi cần phải đầu tư rất lớn nhưng nguồn kinh phí cho công tác này vẫn còn hạn chế, hoạt động điều phối các nguồn lực chưa hiệu quả.

Hiệu quả sử dụng đất còn thấp. (Ảnh minh họa, nguồn: Hưng Thịnh/Vietnam+)

Nhiệm vụ cho năm 2018

Trước những thách thức nêu trên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, trong năm 2018, toàn ngành sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế huy động, điều tiết nguồn lực từ đất đai; chấn chỉnh và xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo đúng quy định.

Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, chất lượng môi trường sống đang phải chịu những áp lực không nhỏ do tác động tích lũy từ nhiều năm qua, không thể giải quyết một cách triệt để trong một sớm một chiều và đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn.

Chính vì thế, ngành tài nguyên và môi trường đề xuất cơ chế đột phá trong sửa đổi Luật Bảo vệ Môi trường nhằm huy động nguồn lực xã hội trong giải quyết vấn đề môi trường; chuyển từ bảo vệ môi trường cuối đường ống sang bảo vệ môi trường ở đầu đường ống; kiên quyết loại trừ quan điểm sản xuất trước làm sạch sau.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng kiến nghị việc cần thu hút đầu tư, phát triển ngành công nghiệp môi trường để chất thải thành tài nguyên được tái chế, tái sử dụng một cách hợp lý, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.

“Cùng với hoàn thiện thể chế, cần tập trung quản lý cải thiện chất lượng môi trường, xử lý ô nhiễm, nhất là tại các làng nghề, nông thôn, khu, cụm công nghiệp, đô thị, lưu vực sông, hồ, ven biển,” Bộ trưởng Trần Hồng Hà lưu ý.

[Nước sông Nhuệ biến cả một đoạn kênh sủi bọt, bốc mùi hôi thối]

Đối với lĩnh vực tài nguyên nước, Bộ trưởng cho rằng một yêu cầu rất lớn đặt ra cho ngành đó là bảo vệ, sử dụng hiệu quả, đảm bảo an ninh nguồn nước; giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, vận hành duy trì dòng chảy tối thiểu của các hồ chứa thủy điện bằng công nghệ tự động, trực tuyến.

Trong lĩnh vực khoáng sản, Bộ trưởng yêu cầu toàn ngành tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản, quản lý cát, sỏi lòng sông. Tiếp tục thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Triển khai hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển Việt Nam; lập quy hoạch khu vực nhận chìm vật, chất ở biển.

Về ứng phó với biến đổi khí hậu và khí tượng thủy văn, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, cần nguồn lực rất lớn để chủ động ứng phó và nâng cao chất lượng công tác dự báo. Vì thế, cần thực hiện tốt các hoạt động điều phối; nâng cao năng lực, chất lượng dự báo, cảnh báo nhất là dự báo xa../.

DiaOcOnline.vn theo Vietnamplus.vn