Top

BĐS và chữ tín quý hơn vàng

Cập nhật 24/04/2014 14:21

Tín dụng cho BĐS đã trở thành chủ đề nóng nhất liên quan đến lĩnh vực này được bàn luận suốt từ nửa năm qua. Sau “quả bom” 30.000 tỷ đồng, nhiều chương trình tín dụng khác cũng lũ lượt xếp hàng chờ đón người mua và người bán. Và cũng từ đây, người ta nhắc nhở nhiều đến cụm từ hàn gắn niềm tin.

Có một thực tế không mấy vui vẻ nhiều chuyên gia BĐS đã chỉ ra rằng thị trường BĐS đang ở vào một trạng thái không ai tin ai, tất cả đều đang giữ thái độ dè chừng với đối tác. Khách hàng không còn niềm tin vào chủ đầu tư. Chủ đầu tư và ngân hàng không còn niềm tin lẫn nhau.

Nhà thầu không tin chủ đầu tư. Nhà sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) không tin cả chủ đầu tư lẫn nhà thầu. Trong những mối ràng buộc thiếu niềm tin này, chủ đầu tư gần như đang đóng vai của “chú bé chăn cừu”. Điều này cũng dễ hiểu nếu nhìn lại diễn biến của thị trường BĐS những năm qua.

Khi đỉnh cao, chủ đầu tư bung giá cao đến mức người dân không mua nổi, tham đầu tư quá nhiều dự án dẫn đến tình trạng tiền của người dân đóng vào dự án này lại chảy sang dự án kia và rồi tất cả cùng chìm, nợ ngân hàng không trả được, nợ tiền VLXD, nợ tiền nhà thầu thi công không trả được. Và trải qua nhiều lần thất hứa, điều phải đến đã đến: niềm tin dành cho chủ đầu tư đã cạn kiệt đến mức âm.

Các dự án nhà ở xã hội đang có tốc độ giải ngân quá chậm. Ảnh: CAO THĂNG

Vậy tín dụng BĐS liệu sẽ cứu được niềm tin? Tạm bỏ qua gói 30.000 tỷ đồng dành nhiều ưu ái cho các dự án nhà ở xã hội và nhà ở giá thấp hiện đang bị than phiền vì tốc độ giải ngân quá chậm, những chương trình tín dụng liên kết đã và sắp được triển khai hướng thẳng đến một đối tượng: doanh nghiệp. Những chủ đầu tư có đủ điều kiện sẽ được ngân hàng cho vay và số tiền này thay vì chảy thẳng vào túi chủ đầu tư sẽ được ngân hàng “phân miếng”: phần của nhà thầu sẽ được đưa cho nhà thầu, phần của nhà sản xuất VLXD sẽ được đưa cho nhà sản xuất VLXD, còn lại bao nhiêu chủ đầu tư mới được cầm về.

Cách làm này, kỳ vọng sẽ hạn chế tối đa việc chủ đầu tư dùng tiền này để đầu tư sai quy cách hoặc để trả những khoản nợ chất chồng trước đây, góp phần làm dự án đang dang dở có cơ hội hình thành và như vậy, niềm tin của người dân cũng sẽ được tăng lên.

Dĩ nhiên, ở thời điểm BĐS đỉnh cao, chắc chắn doanh nghiệp sẽ chẳng mặn mà gói tín dụng này, bởi đối với những ai thích tư lợi, việc giám sát chặt chẽ sẽ khiến họ không mấy dễ chịu. Tuy nhiên, trong thời điểm “thóc cao gạo kém” như hiện nay, đa phần doanh nghiệp đều hiểu rằng kể cả chấp nhận bị giám sát và dù ngân hàng có hứa hẹn sẽ “nhẹ tay” đến đâu, cũng không phải dễ dàng tiếp cận được những gói tín dụng này. Niềm tin đã đổ vỡ một lần, không dễ chỉ bằng những lời hứa mà có lại. Và cũng liên quan đến niềm tin, chỉ cần một khâu trong chuỗi này bội tín, sự liên kết cũng sẽ bị phá vỡ, từ đó lỗ hổng về sự thiếu tin tưởng lại thêm một lần nữa bị khoét sâu.

Trong truyện ngụ ngôn “Chú bé chăn cừu”, sau nhiều lần gào lên sói đến bắt cừu nhưng khi dân làng chạy đến cứu không có con sói nào cả, họ đã không còn tin chú bé chăn cừu. Để rồi khi chó sói thật đến ăn thịt đàn cừu đã không có ai tới cứu. Rất nhiều chủ đầu tư trên thị trường hiện nay cũng đang rơi vào trạng thái tương tự. Họ có được ứng cứu hay không, đó lại là một câu chuyện khác, mà có lẽ chỉ bản thân doanh nghiệp và thị trường mới trả lời được. Tuy nhiên, bài học trên thị trường nhiều năm qua có thể sẽ khiến nhiều doanh nghiệp phải thay đổi cung cách kinh doanh của mình trên thị trường BĐS, quay về với những điều cốt lõi: chữ tín thực sự quý hơn vàng.


DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Đầu tư