Top

Bất động sản hút vốn ngoại

Cập nhật 06/03/2010 11:45

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhận định năm 2010 và những năm tiếp theo, VN vẫn là một địa chỉ đầu tư hấp dẫn. Trong đó, bất động sản tiếp tục là kênh hấp thụ vốn ngoại rất lớn

Bằng chứng của nhận định trên là ngay từ đầu năm 2010, hàng loạt quỹ đầu tư nước ngoài đã bắt đầu lên phương án huy động vốn.


Năm 2010, bất động sản là kênh thu hút nguồn vốn đầu tư lớn bởi có tiềm năng sinh lời cao. Ảnh: H.Thúy

Tăng tốc, chọn hướng đi mới


Tháng 3 vừa qua, VinaCapital Group, tập đoàn quản lý tài sản và phát triển bất động sản, đã liên doanh với Tập đoàn inProjects (Hồng Kông) để lập Công ty VinaProjects chuyên quản lý các dự án bất động sản tại thị trường VN. VinaProjects sẽ cung cấp các dịch vụ về quản lý dự án, xây dựng, thiết kế quy hoạch đô thị và quản lý tài sản cho các nhà đầu tư bất động sản và các công ty phát triển bất động sản ở VN, trong đó có VinaCapital Group.

Sắp tới, một số dự án trọng điểm tại các TP như TPHCM, Hà Nội và Đà Nẵng sẽ được VinaProjects triển khai với giá trị đến trên 500 triệu USD, như dự án khu biệt thự The Garland tại quận 9 (TPHCM) rộng 3 ha, vốn xây dựng 13,7 triệu USD; dự án Đại Phước Lotus cũng thuộc quận 9 rộng 22 ha, vốn xây dựng 39 triệu USD; khu căn hộ cao cấp WTC tại TP Đà Nẵng có vốn xây dựng 35 triệu USD; khu biệt thự The Ocean Danang Beach Resort có diện tích 21 ha, vốn xây dựng 26 triệu USD; khu phức hợp Times Square tại Hà Nội có tổng vốn xây dựng 115 triệu USD...

Giám đốc phụ trách bất động sản của một quỹ đầu tư nước ngoài tại VN cho biết bước vào đầu năm 2010, một số quỹ chuyên đầu tư vào bất động sản cũng đang tăng tốc trong việc huy động vốn, nhắm vào những “góc khuất” của thị trường. Trào lưu mua lại những tòa cao ốc văn phòng cỡ vừa đã xây dựng xong nhưng chưa cho thuê được dường như đã hình thành.

Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực này, trong bối cảnh thủ tục đền bù giải tỏa cũng như xin giấy phép xây dựng còn nhiêu khê, giá vật liệu xây dựng lại đang tăng, giá mua lại một tòa nhà đã hoàn tất hiện đang thấp hơn chi phí xây dựng. Do đó, việc mua lại các tòa nhà và cải tạo thành những căn hộ cao cấp hoặc trung bình để cho thuê có vẻ phù hợp hơn với nhu cầu thị trường.

Chờ giải ngân nhiều dự án “tỉ đô”

Giới chuyên gia kinh tế phân tích rằng để đẩy mạnh thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) trong thời gian tới, ngoài việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư để “kéo” các dự án nhỏ, phải tìm cách giải ngân nguồn vốn hàng chục tỉ USD từ những dự án đã được cấp phép cách nay 2-3 năm.

Nhìn lại số vốn FDI giải ngân trong năm 2009 tại TPHCM, có thể thấy chủ yếu là các dự án nhỏ; trong năm 2010, TP mong đợi những dự án bất động sản đã được cấp phép 2-3 năm trước sẽ được giải ngân mạnh.

Những dự án “tỉ đô” này, do triển khai trên hàng ngàn hecta đất nên mất rất nhiều thời gian cho đền bù, giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản im ắng và giá cho thuê văn phòng tuột dốc là những nguyên nhân chính khiến nhà đầu tư trì hoãn triển khai.

Tín hiệu lạc quan

Những tháng đầu năm 2010 có nhiều tín hiệu lạc quan hơn khi chủ đầu tư một số dự án lớn cam kết đẩy nhanh tiến độ hoặc bắt đầu khởi công trong quý I.

Ở TPHCM, chủ đầu tư dự án Trung tâm Tài chính VN với tổng vốn 930 triệu USD là Tập đoàn Berjaya (Malaysia) rục rịch khởi công ngay sau Tết Canh Dần. Ngoài ra, trong năm nay, TP sẽ cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án là khu đất công trường Lam Sơn - Hai Bà Trưng - Đông Du (300 triệu USD), dự án của Tập đoàn Lotte (2 tỉ USD) và của Capital Group (2 tỉ USD).

Đại diện Tập đoàn Winvest Investment (Mỹ) tại VN cũng cho biết vừa ký xong các hợp đồng san lấp mặt bằng 40 ha đất đầu tiên được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giao để chuẩn bị khởi công dự án trong tháng 3-2010. Dự án khu du lịch giải trí đa năng lớn bậc nhất TP Vũng Tàu này đã phải dời kế hoạch khởi công nhiều lần vì mặt bằng không được giao đúng tiến độ.


DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động