Bảng giá đất TPHCM tăng hết khung cho phép!

Cập nhật 05/12/2009 11:20

Theo dự thảo bảng giá đất năm 2010, giá đất trong Khu đô thị Nam Sài Gòn vẫn được giữ nguyên giá của năm 2009.

Tại kỳ họp ngày Hội đồng Nhân dân TPHCM cuối năm 2009 (kỳ họp lần thứ 17) diễn ra vào từ ngày 8 - 11.12.2009, Hội đồng Nhân dân thành phố sẽ xem xét tờ trình về bảng giá đất năm 2010.

So với bảng giá đất năm 2009, dự thảo bảng giá đất năm 2010 không có biến động lớn. Theo đó, giá đất ở trên địa bàn thành phố được giữ ở mức hết khung cho phép của Chính phủ. Điều này đồng nghĩa nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai sẽ rất nặng.

Quá cao để áp vào nộp thuế

Theo dự thảo bảng giá đất năm 2010, giá đất ở trên địa bàn thành phố cao nhất vẫn là tuyến đường Nguyễn Huệ, Đồng Khởi và Lê Lợi, quận 1 với giá 81 triệu đồng/m2. So với bảng giá đất năm 2009, giá đất ở cao nhất trên địa bàn thành phố năm 2010 không có thay đổi.

Chiếu theo các Nghị định 123 và 188 của Chính phủ về khung giá các loại đất, bảng giá đất năm 2010 tiếp tục được để ở mức hết khung cho phép. Riêng đối với giá đất ở thấp nhất, áp dụng cho khu dân cư Thiềng Liềng, huyện Cần Giờ, bảng giá hiện hành là 110.000 đồng/m2, trong dự thảo bảng giá đất năm 2010 đã được nâng lên thành 1,2 triệu đồng/m2. Riêng đối với bảng giá đất nông nghiệp năm 2010 hầu như không có sự thay đổi đáng kể nào so với năm 2009.

Theo tờ trình của UBND thành phố về bản giá đất năm 2010, thành phố giữ nguyên giá đất năm 2009 đối với 2.719 tuyến đường, thể hiện xu hướng ổn định trong một thời gian dài của bảng giá đất.

Trước đó 1 năm, trong quá trình xây dựng bảng giá đất năm 2009, thành phố đã điều chỉnh giá của 1.899/2.740 đoạn đường, tuyến đường so với bản giá năm 2008. Bảng giá đất năm 2019 chỉ sử dụng cho 3 mục đích, gồm: Thuế sử dụng đất; thuế thu nhập từ quyền sử dụng đất, lệ phí, trước bạ và tính giá trị quyền sử dụng đất khi nhà nước giao đất nhưng không thu tiền sử dụng đất (giao đất cho các tổ chức hành chính...) Riêng vấn đề áp giá bồi thường - Vấn đề được người dân quan tâm nhất – vẫn tiếp tục thực hiện như cách làm hiện nay là áp giá thị trường chứ không sử dụng bảng giá đất.

Trong quá trình xây dựng bảng giá đất năm 2010, ưu tiên hàng đầu là giữ tính ổn định nhưng việc chọn một bảng giá đất cao sẽ tiếp tục là cho các khoản nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai sẽ trở nên nặng nề đối với người thực hiện. Đặc biệt, khi áp dụng thuế thu nhập cá nhân từ lợi nhuận chuyển nhượng bất động sản, với một bảng giá đất cao có thể tác động sâu sắc lên thị trường bất động sản thời gian tới.

Quá thấp so với giá thị trường

Theo Nghị định 123 của Chính phủ về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 188 về phương pháp xác định giá đất và khung giá các loại đất quy định khung giá đất ở đô thị cao nhất là 67,5 triệu đồng /m2. Đồng thời cho phép các tỉnh thành được điều chỉnh bảng giá đất trong phạm vi cao nhất +20% của khung Chính phủ đưa ra và tối thiểu là thấp hơn -20%...

Nếu căn cứ vào khung giá Chính phủ đưa ra, bảng giá đất năm 2010 của TPHCM đối với đất ở đô thị đã chạm đến ngưỡng cao nhất có thể. Do vướng khung giá của của Chính phủ ban hành, việc xây dựng bảng giá đất tiệm cận với giá thị trường vẫn chưa thể thực hiện được trong năm 2010. Các vấn đề tài chính liên quan đến đất trên địa bàn thành phố vẫn phải áp dụng cơ chế 2 giá. Nếu so với giá đất chuyển nhượng trên thị trường, bảng giá đất năm 2010 của TPHCM chỉ bằng từ 20 đến 40%. Tuy nhiên, lấy mốc giá 20 -40% giá chuyển nhượng trên thị trường thực tế để làm cơ sở tính thuế, tính tiền sử dụng đất... là một gánh nặng tài chính khủng khiếp.

Có thể thấy điều này qua trường hợp tính tiền sử dụng đất ở Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng vốn đã từng gây ra những tranh cãi gay gắt trong thời gian qua. Nhiều biệt thự trong khu đô thị mới này phải đóng tiền sử dụng đất lên đến vài tỷ đồng. Như vậy, bảng giá đất năm 2010 của TPHCM về bản chất vẫn không khác bảng giá đất các năm trước, đối với những người sử dụng đất sẽ phải thực hiện nghĩa vụ tài chính nặng nề nhưng so với giá đất thị trường, giá để bồi thường trong các dự án thì vẫn còn thấp ở mức rất xa.

DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động