Top

Bán nhà kiểu quấy rối

Cập nhật 14/05/2014 08:26

Tuần rồi, mấy anh bạn đồng nghiệp kêu trời vì điện thoại liên tục nhận được tin nhắn rác, rao bán chung cư tại Hà Nội, từ các dự án cao cấp như Thăng Long Number One, Starcity Lê Văn Lương, Diamond Flower, HP Land Mark Tower, đến các dự án thấp cấp như XP-Homes, C37 Bộ Công an…


Chưa kể, hộp mail cơ quan, mail cá nhân cũng liên tục xuất hiện những thư quảng cáo như  “CAPITAL TOWER rất tự hào được thông tin tới quý vị rằng 80% diện tích tòa nhà đã được cho thuê. Tuy vậy, chúng tôi vẫn còn nhiều vị trí đẹp để cho quý vị lựa chọn".

Kiểu quảng cáo quấy rối như vậy từng xuất hiện với nhiều sản phẩm dịch vụ khác, nhưng giờ lại phổ biến với nhà đất, chung cư. Chưa hết, trên các hàng cây, nhiều con đường, trên bờ tường, cột điện các con phố tại Hà Nội, những quảng cáo “Bán nhà giá sốc” vẫn xuất hiện nhan nhản. Dừng xe chờ đèn xanh tại con phố nào đó, bạn cũng dễ dàng nhận được tờ rơi chào bán chung cư.

Trong khi đó, nhiều bài báo đưa tin, giờ nhiều chung cư Hà Nội đã có giá trở lại, không ít căn hộ trong những dự án được quảng cáo ở trên giao dịch có tiền chênh cả trăm triệu đồng. Anh bạn thắc mắc, sao người ta vẫn rao bán bất động sản bát nháo làm vậy?

Môi giới kỳ cựu của một sàn giao dịch kể rằng, chưa cần biết người mua có thực sự xuống tiền hay không, chỉ cần câu được cuộc gọi lại của chủ nhân vài số thuê bao đã là tốt. Những kiểu tiếp thị thô sơ đó chủ yếu do dân môi giới đưa ra, ít có chủ đầu tư nào trực tiếp đảm nhận. Để câu được sự chú ý, môi giới dùng đủ ngôn từ sốc nhất như bán phá giá căn hộ, bán nhà dưới giá gốc… giá cả cũng được dân môi giới gài ở mức thấp nhất, chưa tính VAT, phí bảo trì…

Khi bắt được khách, tùy độ tỉnh táo và khôn khéo của thượng đế, các “cò” sẽ tung chiêu ra giá cao hoặc thấp, thị trường loạn thông tin, loạn giá cũng từ đây mà ra.  Hỏi chuyện marketing dự án sắp chào bán, lãnh đạo một doanh nghiệp cho hay, Công ty ông khoán trắng cho đơn vị phân phối. Rồi ông khoe, có làm mới có ăn, bởi vậy, tư nhân họ năng động lắm, nhân viên của họ xộc vào mọi ngóc ngách Hà Nội để tìm khách hàng, tiếp thị dự án. Ban đầu nhìn ảnh dự án treo ngược trên cây, ông cũng thấy chướng mắt, nhưng rồi lại tự nhủ “dám làm thế họ mới bán được hàng”.

Chủ đầu tư một doanh nghiệp khác lại phản đối kịch liệt cách tiếp thị kiểu nông dân như vậy. Ông bảo: "Căn nhà, miếng đất chứ có phải bó rau ngoài chợ đâu mà bạ đâu chào đấy, tiếp thị lung tung như vậy. Sàn nào mà dùng cách đó với dự án của ông, ông cấm cửa không cho lớ xớ căn (căn hộ  - PV) nào".

Vậy là bất động sản Việt đã qua nhiều cơn dâu, bể, nhưng những căn bệnh kinh doanh chộp giật, làm giá ăn chênh, đầu cơ, lũng đoạn thị trường vẫn không có thuốc chữa. Khi bất động sản ảm đạm, nhiều chủ đầu tư kêu trời xin được hỗ trợ, xin giải cứu để giữ niềm tin của khách hàng. Nay nhà đất vừa có giá trở lại, họ sẵn sàng dung túng cho môi giới làm giá, ăn chênh.

Dừng xe chờ đón con nhỏ trước cổng trường, thật chạnh lòng khi nhìn tờ rơi rao bán chung cư nào đó ở Định Công vừa được phát cho những “khách hàng tiềm năng” đã bị vứt không thương tiếc trắng xóa trước cổng trường. Bỏ tiền tỷ ra mua nhà, chẳng mấy ai tìm thông tin qua tờ rơi, tin nhắn rác hay mail rác. Chưa kể, kiểu quảng cáo quấy rối như vậy cũng khiến những ai đã mua nhà tại các dự án này cảm thấy ê mặt vì căn hộ mình chọn mặt gửi tiền lại được rao bán như rau.

Có một lúc nào đó, thay vì để dự án được tiếp thị, làm giá một cách nhếch nhác, các chủ đầu tư có nên nhìn lại để có cách bán hàng thật chuyên nghiệp. Khi khách hàng được lợi, chủ đầu tư cũng sẽ hưởng lợi theo.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Chứng khoán