Top

15 năm vẫn chưa thể dời chợ Tôn Thất Đạm

Cập nhật 25/05/2018 14:20

Nhằm chỉnh trang đô thị, cải tạo cảnh quan khu vực trung tâm TPHCM, từ 15 năm trước UBND TPHCM đã có quyết định dời chợ Tôn Thất Đạm (trên đường Tôn Thất Đạm, phường Bến Nghé, quận 1). Thế nhưng, đến nay chợ vẫn ở đó và biến thành điểm đen về ô nhiễm môi trường.

Khu chợ ngày càng xuống cấp, ô nhiễm, nằm giữa trung tâm TPHCM

Chợ xuống cấp, ô nhiễm

Chợ Tôn Thất Đạm nằm cạnh đường Hàm Nghi, có quy mô trên 200 sạp hàng hóa các chủng loại, từ áo quần, rau thịt, đến hàng ăn uống. Nằm giữa khu cao ốc, trung tâm thương mại sang trọng, sầm uất, nhưng chợ khá cũ kỹ, lộn xộn. Tiểu thương buôn bán chiếm dụng lòng lề đường gây cản trở giao thông, không bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy. Trước đây, chợ tấp nập người mua bán, nhưng ngày càng thưa dần, vì quá ô nhiễm. Mùi xú ế, nước thải xông lên nồng nặc nên nhiều người vào chợ phải che kín mũi. Không ít người vừa bước vào chợ đã phải vội quay lại tìm lối đi ra. Trong không khí ô nhiễm ngày càng nặng, các sạp cá thịt tươi sống vẫn bày bán, không che đậy.
Ông Vũ Hồng Mạnh, chủ một sạp rau củ quả, cho biết: “Từ ngày có chủ trương giải tỏa, chợ như rơi vào cảnh vô chủ. Hàng tháng, bà con tiểu thương phải đóng tiền đầy đủ, không thiếu một đồng, nhưng ban quản lý chợ không để mắt đến việc sửa sang chợ. Điện chiếu sáng và nước để rửa ráy không có. Để có nước rửa, phải mua từng xô với giá 20.000 đồng. Còn điện phải câu nhờ, chỉ một bóng đèn mỗi tháng phải trả 200.000 đồng. Tiểu thương phải bán hàng trong điều kiện không điện, không nước, còn sạp đã quá xập xệ, hư hỏng nặng. Nước rửa rau, thịt cá… cứ chảy tràn lan. Phía dưới những sạp hàng là rãnh nước thải lộ thiên. Vào những ngày mưa, nước thải đen kịt dâng lên lai láng. Nếu chợ được tiếp tục hoạt động, bà con tiểu thương sẵn sàng đầu tư nâng cấp sạp bán hàng đạt chuẩn theo tiêu chí đặt ra về mỹ quan cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm”.

Chị Linh, bán hàng ăn, cho biết: “Từ lâu tiểu thương có nghe thông báo di dời chợ, nhưng chưa thấy thực hiện. Thời gian gần đây, chợ càng xuống cấp, ô nhiễm ngày một nặng, bốc mùi nên khách đến chợ cũng ít dần. Sạp hàng là nguồn thu nhập chính nuôi sống cả gia đình tôi, nên phải bám chợ”.

Chưa tìm được tiếng nói chung

Theo UBND quận 1, năm 2003 chợ Tôn Thất Đạm là một trong 3 chợ trên địa bàn quận 1 phải di dời nhằm chỉnh trang đô thị, tạo bộ mặt đẹp cho khu trung tâm TP. Chủ trương di dời đã thông báo đến từng chủ sạp. Tuy nhiên, từ đó đến nay việc giải tỏa chợ Tôn Thất Đạm gặp nhiều vướng mắc, nên chưa thực hiện được theo kế hoạch TP giao. Chính quyền địa phương và hơn 200 tiểu thương vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về giá đền bù và giải quyết công ăn việc làm cho tiểu thương sau khi giải tỏa chợ.

Đến đầu năm 2017, việc di dời chợ Tôn Thất Đạm được tái khởi động, với kế hoạch di dời vào cuối 2017. Nhưng rồi một lần nữa, việc di dời lại lỡ hẹn. Trả lời báo chí, ông Lưu Trung Hòa, Phó Chủ tịch UBND quận 1, cho rằng nguyên nhân chính vẫn là do chưa thống nhất phương án hỗ trợ, đền bù và việc làm, bố trí chỗ bán cho tiểu thương. Đây là bài toán khó, chưa tìm được lời giải. Quận thực hiện công tác di dời nhưng chính sách do cấp trên quy định. Về chỗ làm, hiện trên địa bàn quận không có  sạp trống để bố trí cho bà con.

Sau 15 năm cấp ra quyết định di dời chợ Tôn Thất Đạm nhưng chưa thể thực thi, việc này cần được chính quyền TPHCM trực tiếp xem xét tháo gỡ vướng mắc ở từng khâu, quyết định giải pháp thực sự thích hợp. Thực tế cho thấy chợ ngày càng bị xuống cấp nặng, ô nhiễm trầm trọng, không thể để kéo dài tình trạng khu chợ nhếch nhác mất vệ sinh ở ngay trung tâm TP.

DiaOcOnline.vn - Theo SGGP