Tín dụng bất động sản: Vay tối đa 50% giá trị, trả không vượt 50% thu nhập... là an toàn

Cập nhật 09/06/2019 09:00

"Khi vay tiền mua nhà, khách hàng chỉ nên vay tối đa 50% giá trị ngôi nhà và số tiền phải trả hằng tháng không được vượt quá 50% tổng thu nhập của vợ và chồng. Đây là mức vay an toàn để người vay không rơi vào "bẫy" lãi suất, vẫn còn dư cho sinh hoạt trong gia đình".

Tại hội thảo "Đầu tư vào đâu - Lợi nhuận cao và bền vững" diễn ra tại TPHCM, nhiều chuyên gia lo ngại giao dịch nhà đất sẽ giảm đi rõ rệt trong thời gian tới khi các ngân hàng siết chặt dòng vốn vay của bất động sản.

Thậm chí, các đơn vị chuyên xây dựng nhà ở xã hội cũng "thấp thỏm" khi nguồn vốn dành cho phân khúc này cũng... teo tóp.

Nhiều chuyên gia lo ngại giao dịch nhà đất sẽ giảm đi rõ rệt trong thời gian tới khi các ngân hàng siết chặt dòng vốn vay của bất động sản

Ông Trần Đình Cường, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM đã trấn an các nhà đầu tư bằng việc khẳng định việc hạn chế vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn không làm mất đi nguồn vốn của doanh nghiệp.

"NHNN đã đặt vấn đề thận trọng trong cho vay ở các lĩnh vực rủi ro như dự án BOT, lĩnh vực xây dựng BĐS từ 2 - 3 năm nay và đây không phải vấn đề mới. Trong đó, NHNN chủ trương giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 45% xuống 40% năm nay và giảm ở các năm tiếp theo", ông Cường cho hay.

Ông Cường khẳng định chỉ tiêu vốn ngắn hạn này áp dụng cho tất cả ngành nghề, không chỉ riêng bất động sản. Hơn nữa, thống kê của NHNN cho thấy các nhà băng chỉ sử dụng chỉ tiêu này ở khoảng 35 - 36% và không hề đụng trần đến 40%.

"Các doanh nghiệp hãy yên tâm, ngân hàng hạn chế cho vay vì quy định này. Những chính sách điều tiết vốn từ NHNN có tác động từ từ, đủ thời gian để các bên liên quan điều chỉnh nên tác động của nó không phải là ngay tức thì. Đây cũng là cách quản trị phù hợp theo chuẩn quốc tế. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng phải tự điều chỉnh mình, có mô hình sử dụng vốn phù hợp hơn", ông Cường trấn an.

Các chuyên gia cũng xác định, dù gì đi nữa thì nhà đất vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn, sinh lời. Vấn đề đặt ra là làm sao ngân hàng kiểm soát chặt chẽ tín dụng bất động sản; khách hàng vay tiền mua nhà làm sao để cân đối bài toán tài chính?

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho rằng, tùy theo khả năng của từng ngân hàng có thể lựa chọn các dự án, khách hàng cho vay phù hợp. Ngân hàng nào hệ số cho vay rủi ro còn thấp thì sẽ thoải mái hơn trong khi đơn vị nào hệ số đó gần chạm đỉnh thì cần thận trọng.

"Các doanh nghiệp địa ốc phải chủ động giảm bớt gánh nặng vốn vay từ các ngân hàng thương mại, tìm kiếm sự hợp tác với nhiều đối tác khác, xây dựng doanh nghiệp minh bạch, vững mạnh để kêu gọi vốn đầu tư từ bên ngoài", ông Châu nói.
Ông Phan Công Chánh cho rằng, tín dụng bất động sản: Vay tối đa 50% giá trị, trả không vượt 50% thu nhập... là an toàn

Chuyên gia bất động sản cá nhân Phan Công Chánh chỉ ra rằng, cách để kiểm soát rủi ro tín dụng tốt nhất cho cả ngân hàng lẫn khách hàng chính là việc biết điều tiết khả năng vay-trả theo năng lực.

"Khi vay tiền mua nhà, chỉ nên vay tối đa 50% giá trị ngôi nhà và số tiền phải trả hằng tháng không được vượt quá 50% tổng thu nhập của vợ và chồng. Đây là mức vay an toàn để người vay không rơi vào "bẫy" lãi suất, vẫn còn dư cho sinh hoạt trong gia đình", ông Chánh mách nước.

Ngoài ra, chuyên gia này cũng khuyên khách hàng cần cân nhắc kỹ thời hạn của gói vay; tốt nhất, nên chọn thời gian vay dài nhất được phép để giảm số vốn gốc hằng tháng xuống thấp nhất.

"Khách hàng nên yêu cầu nhân viên ngân hàng tư vấn rõ chi phí qua các năm, bằng cách kê sẵn bản tính tiền trả gốc và lãi vay hằng tháng. Đặc trưng lãi suất ngân hàng tại Việt Nam là cứ sau sáu tháng sẽ thay đổi một lần; do đó, để tránh việc thả nổi lãi suất, người vay phải tiên lượng được tình huống lãi suất tăng, để sau khi trừ các khoản chi tiêu hằng tháng trong gia đình, số tiền còn lại vẫn đảm bảo đủ để trả ngân hàng", ông Chánh khẳng định.

DiaOcOnline.vn – Theo Dân trí