Tăng 60.000 tỉ ODA, giảm vốn vay trong nước để giữ trần nợ công

Cập nhật 12/11/2018 13:37

Sáng 12.11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn với 434/451 đại biểu tán thành.

Tỷ lệ đại biểu thống nhất điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn
ẢNH VŨ HÂN CHỤP MÀN HÌNH

Không nới trần bội chi và trần nợ công

Tại nghị quyết này, Quốc hội đã nhất trí điều chỉnh tăng tổng mức vốn ODA từ 300.000 tỉ đồng lên tối đa 360.000 tỉ đồng, đồng thời điều chỉnh giảm tương ứng vốn vay trong nước để không vượt trần nợ công.

Điều chỉnh giảm nguồn vốn cho các dự án quan trọng quốc gia 10.000 tỉ đồng (từ 80.000 tỉ đồng xuống 70.000 tỉ đồng).

Quốc hội cũng quyết nghị cho phép sử dụng nguồn dự phòng chung trung hạn (200.000 tỉ đồng) của kế hoạch đầu tư công trung hạn, trên cơ sở bảo đảm khả năng cân đối vốn đầu tư của ngân sách nhà nước hằng năm và giữ mức trần đầu tư công 2 triệu tỉ đồng, giữ tỷ lệ bội chi, trần nợ công.

Cho phép các địa phương được giao kế hoạch đầu tư công hằng năm nguồn vốn trong cân đối ngân sách địa phương trên cơ sở khả năng thu thực tế, bảo đảm không tăng mức bội chi của ngân sách địa phương.

Nghị quyết cũng nêu rõ giao hội đồng nhân dân các cấp quyết định phân bổ dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách địa phương với điều kiện bảo đảm các nguyên tắc, thứ tự ưu tiên phân bổ vốn theo quy định tại luật Đầu tư công và kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Vốn dự phòng được phân bổ cho các dự án đang thực hiện dở dang, thiếu vốn; thanh toán các khoản nợ của các dự án đã hoàn thành, các dự án đang nợ tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Tiếp đó là các dự án gia cố hệ thống đê xung yếu, xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển, phòng, tránh, khắc phục hậu quả thiên tai; các dự án cấp bách về quốc phòng, an ninh, giao thông, thủy lợi mang tính kết nối vùng miền, đặc biệt tại những địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn;...

Trình vốn phân bổ cho metro Bến Thành - Suối Tiên và đường sắt đô thị Hà Nội

Trong nội dung nghị quyết, Quốc hội cho phép sử dụng 10.000 tỉ đồng từ việc điều chỉnh giảm nguồn vốn cho các dự án quan trọng quốc gia để ưu tiên bố trí cho các dự án phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, gia cố hệ thống đê xung yếu, xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển, di dời dân cư khẩn cấp khỏi khu vực nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.

Số còn lại sử dụng để thanh toán nợ giải phóng mặt bằng cho một số dự án cấp bách cần triển khai ngay; đồng thời, giao Chính phủ bảo đảm cân đối nguồn vốn, xây dựng danh mục, dự kiến mức vốn cho các dự án cụ thể, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Quốc hội cũng bố trí 1.766 tỉ đồng vốn còn lại của Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững để phân bổ theo quy định và bổ sung gần 649 tỉ đồng từ nguồn dự phòng trung hạn cho Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững để hỗ trợ cho các địa phương có huyện thoát nghèo tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ thuộc chương trình.

Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; dự án Cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an; và dự án Đầu tư xây dựng nút giao khác mức ngã ba Huế (Đà Nẵng) của Bộ Giao thông vận tải được bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Quốc hội cũng cho phép điều chỉnh hình thức đầu tư đối với một số dự án thuộc quy hoạch tuyến đường ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An từ hình thức PPP sang đầu tư công sử dụng ngân sách nhà nước. Giao Chính phủ xây dựng danh mục, làm rõ nguồn lực, dự kiến mức vốn cho các dự án cụ thể, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Đáng chú ý, nghị quyết nêu rõ giao Chính phủ rà soát, hoàn chỉnh các thủ tục, điều kiện phân bổ vốn cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam; các dự án đường sắt đô thị của Hà Nội và TP.HCM trình Quốc hội xem xét, quyết định; chưa phân bổ nguồn vốn nước ngoài cho Tổng công ty Đường cao tốc Việt Nam, Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam.

DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên