Top

Ngân hàng "thoáng" khi cho vay mua nhà

Cập nhật 15/10/2010 14:05

Khơi thông dòng vốn cho vay cuối năm, nhiều ngân hàng đang “nới lỏng” chính sách bán lẻ. Tuy vậy, để đạt mục đích chi tiêu, khách hàng cần tính kỹ lãi suất, điều kiện và thủ tục.

Thời điểm này, liên hệ một số ngân hàng vay mua nhà, đất ở, mua xe hơi, xe máy, sẽ được “mời chào” rất nhiệt tình, với những hướng dẫn cụ thể, tỉ mỉ.

Thông lệ, từ tháng 10 trở đi, cá nhân muốn vay chi tiêu, mua đất, nhà là cực khó. Vì cuối năm, doanh nghiệp nào cũng cần vốn, nhà nào cũng cần tiền, còn ngân hàng thì e ngại căng thẳng tín dụng. Nhưng năm nay, thông lệ trên có vẻ “quay ngược”, khi nhiều ngân hàng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng.

Điều kiện vay tiêu dùng được nhiều ngân hàng nới lỏng. Ảnh: Lê Hưng.

Dẫn đầu cuộc đua phải kể đến “đại gia” Vietcombank, với hàng loạt chương trình khuyến khích vay tiêu dùng. Như cho vay mua nhà từ 70% - 100% tổng chi phí ngôi nhà (tùy tài sản đảm bảo); cho vay mua xe từ 80% -100% giá trị xe. Thời hạn cho vay cũng được đẩy lên đến 20 năm với mua nhà, 5 năm để mua xe.

Chuyện chuyển hướng đẩy mạnh bán lẻ, ông Nguyễn Văn Tuân, Phó Tổng Giám đốc VCB, nói: “Cho vay tiêu dùng hiện chiếm hơn 10% tổng tín dụng của VCB. Chúng tôi đang có chiến lược đẩy mạnh khối bán lẻ, không chỉ đến khách hàng cá nhân, mà hướng đến cả doanh nghiệp”. Theo ông Tuân, thực tế thị trường hiện nay, nếu các ngân hàng vẫn “giữ tư duy bán buôn, chỉ bán cho những khách hàng lớn (như doanh nghiệp), thì không phát triển được”.

Các ngân hàng thương mại khác, như ACB, Techcombank, Sacombank cũng không kém cạnh về dịch vụ và sản phẩm cạnh tranh. Tại ACB, cho vay tiêu dùng có hơn 10 gói sản phẩm, ngoài mua nhà, mua xe, ACB còn đẩy mạnh cho vay sinh hoạt, xây, sửa nhà, kinh doanh… với thời hạn hấp dẫn. Như vay sinh hoạt tại ACB được cho thời hạn dài nhất (7 năm), mức vay tối đa 500 triệu đồng. Tại Techcombank, gói vay “mới” là vay tiêu dùng không tài sản thế chấp, mức tối đa 200 triệu đồng/3 năm.

Theo các ngân hàng, hồ sơ vay mua nhà, đất đang chiếm đa số trong các khoản vay tiêu dùng hiện tại. Vì thế, chiến lược cho vay tiêu dùng ở các ngân hàng chủ yếu vẫn tập trung ở phân khúc thị trường này. Nhưng lãi suất và các thủ tục, điều kiện, thời hạn cho vay ở các ngân hàng không giống nhau. Chẳng hạn, vay mua nhà tại ACB, lãi suất với các kỳ hạn ngắn ở mức 14,5%/năm, nhưng các kỳ hạn dài đều trên 15%/năm, và ngân hàng này chỉ cho vay tối đa đến 15 năm.

Sacombank cho biết lãi suất khi vay mua nhà loại dài hạn như sau: 3 tháng đầu lãi suất 14,4%/năm; những tháng sau lãi suất cho được tính trên cơ sở lãi suất huy động, cộng với 0,4%/tháng. Như vậy, nếu vay ở thời điểm hiện tại, người vay phải trả lãi đến 15,96%/năm.

Thực tế, lãi suất mà các ngân hàng đưa ra tại thời điểm hiện tại chỉ “ứng” với khách hàng trong 2, 3 tháng đầu, sau đó là “thả nổi” tùy vào lãi suất huy động. Điều cần lưu ý là mức lãi suất có thể tăng, giảm theo sự điều chỉnh lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước. Vì thế, để tính khả năng trả nợ, người vay cần dự trù, tính toán được chuyện tăng, giảm lãi suất ở tầm nhìn “xa” khoảng 6 tháng – 1 năm.

Với một số ngân hàng có lãi suất rẻ hơn mặt bằng chung hiện nay ( như Vietcombank), thì thủ tục lại khá rối. Vì thế, sau quan tâm về lãi suất, người vay phải biết rõ giấy tờ của mình đáp ứng điều kiện của ngân hàng nào, để chắc chắn tiếp cận được nguồn vốn. Ngoài ra, ở một số ngân hàng, việc trả nợ trước hạn sẽ “khó được chấp nhận”, hoặc chịu phạt, nên cũng cần biết về điều kiện này. Chẳng hạn, ở Techcombank, Sacombank, ACB đều có mức phạt từ 2%– 4% khi trả nợ trước hạn.

DiaOcOnline.vn - Theo Đất Việt