Top

Lẹt đẹt cổ phiếu bất động sản

Cập nhật 16/04/2016 14:48

 Không ít doanh nghiệp bất động sản báo cáo lãi, dự án lớn bung ra ào ào nhưng cổ phiếu vẫn ì ạch, không có cách nào bứt phá

Thị trường bất động sản dần hồi phục, nhiều doanh nghiệp (DN) trong ngành đã vượt qua khó khăn, làm ăn có lãi, cổ phiếu (CP) lấy lại mệnh giá (10.000 đồng/CP), thậm chí tăng mạnh so với giai đoạn trước đây như: KDH của Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền đang ở mức 23.500 đồng/CP, BCI của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Bình Chánh 24.300 đồng/CP, DRH của Công ty Cổ phần Đầu tư Căn Nhà Mơ Ước tới 34.000 đồng/CP... Trong khi đó, nhiều CP bất động sản vẫn lẹt đẹt dưới mệnh giá khiến nhà đầu tư thua lỗ nặng.

Tốt, xấu đều giảm

Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư hồi đầu tuần, nhiều người đã chất vấn lãnh đạo Công ty Cổ phần Địa ốc Hoàng Quân (HQC) tại sao CP của HQC liên tục thụt lùi, chỉ còn chưa đến 6.000 đồng dù báo cáo kết quả kinh doanh trong năm qua cũng như 3 tháng đầu năm 2016 khả quan hơn rất nhiều so với năm 2014.

Ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc HQC, cho rằng bản thân ông không giỏi về mua bán CP nhưng ông sẽ mua vào 60 triệu CP HQC trong thời gian tới để khẳng định công ty hoạt động hiệu quả. Ông Tuấn cho biết kết quả kinh doanh công ty rất khả quan với quý I/2016 này doanh thu ước tính 350 tỉ đồng, lợi nhuận đạt 50 tỉ đồng, lần lượt tăng 40% và 66% với so cùng kỳ năm 2015.

Đã qua rồi thời kỳ doanh nghiệp chăm chăm phát hành cổ phiếu để hút tiền của nhà đầu tưẢnh: Hoàng Triều

“Năm nay, công ty chắc chắn sẽ đạt kế hoạch doanh thu đặt ra là 7.416 tỉ đồng và lợi nhuận 500 tỉ đồng” - ông Tuấn cam đoan với nhà đầu tư.

Tương tự HQC, CP FLC của Tập đoàn FLC cũng đang ở ngưỡng 6 chấm (6.000 đồng/CP). CP này có thanh khoản thuộc hàng cao nhất trên sàn HoSE nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn “thở dài” về độ bấp bênh của FLC. Trong lần gặp gỡ nhà đầu tư gần đây, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT FLC, từng tuyên bố công ty rất ít nợ vay, hoạt động kinh doanh tốt với hàng loạt dự án được triển khai; đồng thời, ông cam đoan: “Nếu như năm 2016, CP FLC vẫn còn dưới mệnh giá, tôi sẽ vận động gia đình bán tài sản để mua vào”. Nhưng tính từ thời điểm đó đến nay, giá CP FLC vẫn không tăng mà còn giảm.

Trong khi một số DN công bố ít nợ như FLC hay HQC mà CP vẫn giảm giá thì một số DN bất động sản khác èo uột vì vướng nợ lớn. Điển hình là CP HAG của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. CP này vừa có một tuần giao dịch khó khăn khi nhà đầu tư ồ ạt xả. Cuối ngày 15-4, giá HAG còn 6.900 đồng/CP, giảm tới 70% so hồi đầu năm 2015, mức thấp chưa từng có trong lịch sử CP này. Nhiều nhà đầu tư đã “u sầu” cho HAG từ vài tháng trước khi thấy DN này vướng nợ nần tứ phía với con số tính đến hết năm 2015 lên đến trên 27.000 tỉ đồng, tăng gần 50% so cùng kỳ năm 2014.

Cũng thuộc diện “khổ vì nợ”, giá CP QCG của Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai cũng đang giảm dần, đến cuối phiên ngày 15-4, chỉ còn 4.800 đồng/CP, rẻ hơn cả bó rau muống. Với con số tồn kho lớn hiện ở mức trên 5.400 tỉ đồng, chiếm đến hơn 90% tài sản ngắn hạn, đồng thời khoản nợ hơn 1.800 tỉ đồng, tập trung chủ yếu tại ở dự án Phước Kiển (Nhà Bè, TP HCM) cho thấy QCG sẽ khó sáng sủa nếu không bán dự án.

Giảm vì tăng vốn quá nhiều

Bà Trần Thị Thu Nguyệt, đại diện Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Quân Đội (MBS), cho rằng CP trên thị trường tăng hay giảm dựa vào 3 yếu tố: kinh tế vĩ mô, nội tại DN và tâm lý thị trường. Với CP HQC, nhìn số liệu báo cáo, dự án công ty thì nội tại DN này đã tốt hơn nhiều so với 2 năm trước. Kinh tế vĩ mô cũng cải thiện nên nguyên nhân chính dẫn đến CP HQC giảm mạnh là do tâm lý thị trường.

Tuy vậy, có nhiều ý kiến cho rằng HQC kém hấp dẫn vì trả cổ tức bằng CP thay vì tiền mặt, đồng thời liên tục “pha loãng” CP bằng việc phát hành tăng vốn.

Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán SJC Huỳnh Anh Tuấn nhận xét hiện nay, “khẩu vị” của nhà đầu tư đã thay đổi. Họ rất ngán việc DN phát hành CP ra thị trường quá nhiều thông qua việc như trả cổ tức bằng CP, phát hành CP tăng vốn, chuyển đổi trái phiếu... mà lợi nhuận kinh doanh không theo kịp. Hay nói khác hơn, nhà đầu tư sợ việc DN “in giấy” cấn trừ nợ hoặc sử dụng tiền của cổ đông không đúng mục đích.

Công ty Cổ phần Đầu tư công nghiệp Tân Tạo (mã chứng khoán: ITA) là một điển hình của việc phát hành CP vô tội vạ để cấn trừ nợ, khiến giá CP nhiều năm trời không vươn nổi khỏi mốc 8.000 đồng/CP và hiện đang lẹt đẹt ở mức 4.700 đồng/CP.

Qua thời “móc túi” nhà đầu tư

Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, nhà đầu tư càng sợ kiểu lập ra công ty con theo mô hình tập đoàn rồi cho mua bán lòng vòng để đẻ ra lợi nhuận ảo hay công ty mẹ cho công ty con mượn tiền đầu tư tràn lan, không kiểm soát chi phí…

“Lịch sử đã chứng minh đa số DN tăng vốn nhiều đều giảm giá trị. Chứng khoán đã qua rồi thời kỳ DN nghĩ cách “móc túi” nhà đầu tư. Cũng chính vì sự mất niềm tin nên đa số DN cũng lèo tèo dưới mệnh giá dù hoạt động kinh doanh có tích cực thật sự” - ông Tuấn nhận xét.


DiaOcOnline.vn - Theo NLĐ