Top

Công an bất ngờ gọi điện điều tra tài khoản ngân hàng...

Cập nhật 31/12/2018 08:59

Gần cuối năm, thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua điện thoại giả danh điều tra viên, cán bộ cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án… tiếp tục diễn biến phức tạp.

Theo thông tin khuyến cáo được đưa ra từ phía các ngân hàng, các đối tượng có sự thay đổi phương thức, thủ đoạn với kịch bản đã dựng sẵn, đường dây lừa đảo chuyên mạo danh đã liên lạc với các nạn nhân, thông báo họ liên quan đến các vụ án, hoặc tài khoản thẻ ngân hàng liên quan đến rửa tiền.

Lợi dụng sự cả tin, tâm lý lo lắng của nạn nhân, các đối tượng gửi lệnh tạm giam/ đường dẫn giả mạo rồi yêu cầu chuyển tiền vào số tài khoản để làm cơ sở điều tra, hứa hẹn sẽ hoàn trả nếu nguồn gốc khoản tiền không có vấn đề, từ đó chiếm đoạt những khoản tiền lớn chỉ bằng vài cuộc điện thoại.

Bùng phát nạn lừa đảo khách hàng sử dụng tài khoản ngân hàng dịp cuối năm (ảnh minh họa).

Đối tượng giả danh, liên hệ nạn nhân bằng số cố định, khai thác thông tin theo các dạng sau: "Theo thông tin điều tra, anh/chị hiện đang nằm trong danh sách rửa tiền, chúng tôi đề nghị anh/chị mở tài khoản và đăng ký tài khoản ngân hàng điện tử tại ngân hàng X để kiểm tra nguồn tiền...”; hoặc: “Hiện tại, Bưu điện thành phố đang ghi nhận bưu phẩm liên quan đến dư nợ thẻ tín dụng của anh/chị. Anh/chị vui lòng truy cập vào đường dẫn của cơ quan công an điều tra để được hỗ trợ chuyển tiền ngay. Nếu không đồng ý truy cập và thanh toán, anh/chị sẽ chịu truy tố trước pháp luật...".

Nếu khách hàng thực hiện theo yêu cầu của đối tượng giả danh thì sẽ bị thiệt hại tài chính.

Dư luận vẫn chưa thể quên được cú lừa ngoạn mục của Phan Hồng Lộc (SN 1992, HKTT tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) khi cô ta dùng thủ đoạn giả danh ngân hàng lừa bà Trần - chủ tiệm vàng ở Thái Nguyên hồi tháng 7/2018.

Thủ đoạn của Lộc là mượn điện thoại của nạn nhân, lưu số điện thoại của mình vào điện thoại của nạn nhân dưới tên ngân hàng mà người này đang sử dụng, sau đó thực hiện giao dịch chuyển tiền giả để mua vàng rồi dùng số điện thoại của mình giả là ngân hàng nhắn tin báo có tiền chuyển về tài khoản.

Bằng cách này, Lộc đã lừa của bà Trần số vàng trị giá hơn 200 triệu đồng.

Ngoài ra, khách hàng của nhiều ngân hàng cũng phản ánh về tình trạng bị người lạ gọi điện yêu cầu cũng cấp thông tin tài khoản hoặc yêu cầu chuyển tiền với lý do đáng ngờ

Trước thực trạng trên, nhiều ngân hàng đã phải tên tiếng cảnh báo người dùng. Khách hàng phải luôn cảnh giác với các cuộc gọi, tin nhắn yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản/ thẻ ngân hàng. Giữ bình tĩnh, chủ động áp dụng một số phương pháp xác thực người đang trao đổi qua điện thoại/ mạng xã hội để nhận diện nguy cơ lừa đảo.

Nếu lỡ cung cấp các thông tin nhạy cảm hoặc cảm thấy có nguy cơ bị tấn công tài khoản, khách hàng cần ngay lập tức thay đổi mật khẩu hoặc các thông tin bảo mật, đồng thời thông báo tới đường dây nóng của các ngân hàng.

Khách hàng tuyệt đối KHÔNG cung cấp các thông tin bảo mật: tên đăng nhập, mật khẩu truy cập, mã OTP (mật khẩu một lần – One Time Password),… cho bất kỳ ai và dưới bất kỳ hình thức nào, đặc biệt không cung cấp mã OTP vì thông tin này chỉ được xác thực trong các trường hợp khách hàng là người trực tiếp và chủ động thực hiện các giao dịch: chuyển khoản, thanh toán trực tuyến, thay đổi thông tin.

Ngoài ra, KHÔNG chụp hình thẻ hoặc các thông tin thẻ (số thẻ đầy đủ, ngày hết hạn, mã số bảo mật CVV2 mặt sau thẻ) gửi qua email, đưa lên các trang mạng xã hội; KHÔNG truy cập các trang web không đáng tin cậy, hoặc nhấp vào bất kỳ đường dẫn nào yêu cầu cung cấp/cập nhật thông tin cá nhân và thông tin dịch vụ ngân hàng điện tử.

DiaOcOnline.vn - Theo Người đưa tin