Top

Cổ phiếu doanh nghiệp VLXD - kỳ vọng những tháng cuối năm

Cập nhật 20/08/2014 13:52

Sự ấm dần của thị trường vật liệu xây dựng (VLXD) trong các quý đầu năm 2014 đã giúp nhiều DN trong ngành vật liệu xây dựng cải thiện đáng kể hiệu quả kinh doanh.

Chỉ số VN-index đã tăng khoảng 20% tính đến tháng 8/2014. Thị trường chứng khoán Việt Nam đạt mức tăng trưởng tốt nhất so với các thị trường cùng khu vực trong 3 năm qua. Công ty Chứng khoán Hàn Quốc - KIS cho rằng, VN-index đang trên đà tăng và có thể đạt 650 điểm vào cuối năm 2014.

Không nằm ngoài dự đoán đó, kết quả kinh doanh không tồi, cổ phiếu ngành vật liệu xây dựng đã dần hấp dẫn NĐT trong những quý đầu 2014.


Sự ấm dần của thị trường vật liệu xây dựng (VLXD) trong 2 quý đầu năm 2014 đã giúp nhiều DN trong ngành vật liệu xây dựng cải thiện đáng kể hiệu quả kinh doanh.

Cổ phiếu xi măng khởi sắc tích cực

Thống kê mới nhất của Bộ Xây dựng cho biết, sản xuất và tiêu thụ của ngành xi măng trong những tháng gần đây hồi phục mạnh. 6 tháng đầu năm, ngành xi măng đã tiêu thụ được 33 triệu tấn sản phẩm, tăng 10% so với nửa đầu năm 2013.

Hiệp hội Xi-măng Việt Nam cũng dự báo, khả năng tiêu thụ nội địa cả năm 2014 sẽ đạt tới 50 triệu tấn xi-măng, bằng năm 2010, năm cao nhất về tiêu thụ; khả năng xuất khẩu xi-măng cả năm 2014 sẽ đạt khoảng 20 triệu tấn.

Xét cụ thể trên thị trường chứng khoán, quý II/2014, CTCP Xi măng Hà Tiên 1 (HT1) đạt 1.727,4 tỷ đồng doanh thu và 11,3 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, trong đó riêng con số lợi nhuận gấp 11 lần cùng kỳ. Nếu tính từ đầu năm đến nay, HT1 có lợi nhuận sau thuế là 13,28 tỷ đồng, hoàn thành 74% kế hoạch.

Những con số lợi nhuận nêu trên, về mặt nào đó thể hiện hoạt động kinh doanh của các DN có phần khởi sắc.

Phân tích sâu trường hợp của HT1, biên lãi gộp trong quý I/2014 giảm mạnh từ mức 22,4% xuống chỉ còn 19%. Đối với tình hình tài chính, nhờ chuyển đổi nợ và gia hạn nợ nên áp lực trả nợ và lãi vay của Công ty đã giảm bớt trong năm 2014. Chi phí lãi vay trong hai quý đầu năm là 408,6 tỷ đồng, giảm 20,8% so với cùng kỳ. Thêm vào đó, Công ty dự kiến sẽ hạch toán toàn bộ lỗ chênh lệch tỷ giá còn lại (khoảng 200 tỷ đồng) trong năm 2014. Tính chung, HT1 đã phân bổ 100 tỷ đồng lỗ chênh lệch tỷ giá trong thời gian qua, khiến thị giá cổ phiếu của DN này cũng bị sụt giảm theo.

Câu chuyện của NKG cũng không khá hơn. Tỷ suất sinh lợi của NKG có được trong quý II nhờ đầu cơ nguyên liệu. Theo chia sẻ của Công ty, trong năm 2014, NKG sẽ chấm dứt hoàn toàn hoạt động thương mại và tập trung vào sản xuất thành phẩm. Nếu xét riêng 6 tháng đầu năm 2014, biên lợi nhuận gộp của Công ty đã có sự cải thiện nhẹ từ mức 4,9% trong quý I lên 5,7% trong quý II/2014.

Thêm một điểm sáng đối với NĐT là đầu tháng 7/2014, NKG đã phát hành thành công 100 tỷ đồng cổ phiếu cho đối tác là Công ty TNHH Dịch vụ Đầu tư P&Q, nhằm bổ sung cho vốn lưu động, nâng vốn điều lệ lên 399 tỷ đồng. Theo đó, nửa cuối năm 2014, NKG sẽ đầu tư thêm 1 dây chuyền cán nguội và 1 dây chuyền mạ kẽm, dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2015. Tích cực là vậy, nhưng sản lượng tiêu thụ các mặt hàng ống thép và tôn mạ của NKG được dự báo sẽ khó có thể cải thiện trong những tháng cuối năm.

Vậy, NĐT nên ứng biến thế nào với cổ phiếu ngành VLXD? Các chuyên gia phân tích ngành lưu ý, các dự án của HT1, NKG đều đã đầu tư xong và chuẩn bị đưa vào vận hành. Cụ thể, đối với HT1, dựa trên triển vọng tăng trưởng khả quan của ngành xi măng và hai yếu tố là nợ vay và khấu hao lỗ chênh lệch tỷ giá, KQKD của HT1 trong năm 2014 sẽ tích cực hơn so với cùng kỳ và gấp từ 5 - 6 lần mục tiêu lợi nhuận đã đặt ra từ đầu năm. Trường hợp NKG, triển vọng lợi nhuận được ước tính có thể vượt 5-10% mục tiêu 50 tỷ đồng.

Còn về ngắn hạn, hầu hết các mã chứng khoán của các công ty xi măng hiện đang được giao dịch xung quanh mức giá 10.000 - 15.000 đồng/cổ phiếu thì giá HT1 hiện khoảng 14.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, khi xem xét đầu tư nhóm cổ phiếu này, NĐT cần chú ý đến tính thanh khoản. Trong thời gian qua, khối lượng giao dịch bình quân của nhóm cổ phiếu này chưa cao như mong đợi.

Cổ phiếu ngành thép khuyến cáo đầu tư

CTCP Thép Nam Kim (NKG) vừa công bố kết quả kinh doanh (KQKD) của quý II với doanh thu 1.531 tỷ đồng, tăng 30,5% so với cùng kỳ và tăng 2,4% so với quý I/2014; lợi nhuận sau thuế đạt 26 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ…

Theo nhận xét của các chuyên gia phân tích, ngành VLXD vẫn đang đối mặt với tình trạng dư cung, trong đó phần lớn DN thép không hoạt động hết công suất, đồng thời quý III cũng là quý thấp điểm tiêu thụ của mặt hàng này.

Hiện có 16 công ty trong ngành thép niêm yết cổ phiếu trên hai Sở GDCK (HOSE và HNX), với giá trị vốn hóa chiếm 3,1% toàn thị trường. Tính đến ngày 1/8/2014, cổ phiếu của các công ty thép này có mức tăng trung bình 4,6% so với đầu năm, trong khi hai chỉ số VN-Index và HNX-Index tăng lần lượt 17,7% và 16,5%. Cổ phiếu của các công ty thép này được giao dịch tại mức P/E và P/B trung bình lần lượt là 13,5 lần và 0,9 lần.

Nhìn chung, các công ty thép có tăng trưởng về doanh thu, nhưng lợi nhuận chưa tăng tương ứng. Quý I năm tài chính 2014, 3 doanh nghiệp trong ngành là POM, HLA, BVG tiếp tục lỗ ròng; trong khi 7 công ty khác là HSG, VIS, TLH, SMC, NKG, TNA, DNY chưa thấy được sự tăng trưởng lợi nhuận. Tuy vậy, biên lợi nhuận gộp của ngành có cải thiện từ mức trung bình 7,4% trong năm tài chính 2013 lên mức 8,7% trong quý I năm tài chính 2014, do giá nguyên liệu có xu hướng giảm.

Ngoài ra, các tác động tiêu cực từ gánh nặng chi phí lãi vay và việc tăng giá cước vận tải, xăng dầu vẫn tiếp tục góp phần làm giảm lợi nhuận ròng của các công ty thép. Do đó, các doanh nghiệp thép có lợi thế cạnh tranh, khả năng duy trì doanh thu và lợi nhuận tốt, cùng với cơ cấu nợ vay hợp lý, mới có thể thu hút được dòng tiền của nhà đầu tư. Chẳng hạn, cổ phiếu của Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đã tăng giá mạnh mẽ lên tới 58% so với đầu năm.

6 tháng đầu năm, doanh thu của HPG ước đạt 13.339 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 58% kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế đạt 1.874 tỷ đồng, tăng 85% và hoàn thành 85% kế hoạch năm.

Biên lợi nhuận gộp và ròng của HPG cao hơn hẳn so với các công ty niêm yết khác trong ngành, tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu ở mức thấp. KKC và SSM cũng đáng chú ý khi có biên lợi nhuận ròng cao hơn mức trung bình ngành, nhờ có doanh thu bán hàng tăng trưởng tốt cùng với việc không duy trì nợ vay dài hạn.

Mở rộng sản xuất, thành lập nhà máy, đẩy mạnh khả năng tiêu thụ ở các phân khúc truyền thống và giá đang ở mức hợp lý là những điểm nhấn ở một số đơn vị ngành thép. Theo đó, các công ty chứng khoán khuyến nghị nhà đầu tư nên quan tâm và có thể giải ngân ở một số cổ phiếu trong ngành như NKG, HSG, TLH và VIS.

Tuy nhiên, để cân nhắc đầu tư và xác định giá trị cổ phiếu của các DN ngành này, theo các nhà phân tích, NĐT vẫn cần thận trọng. Vì xét trên bình diện chung, dù thị trường đã khởi sắc nhưng phần lớn DN ngành VLXD chưa thoát hẳn khỏi khó khăn.


DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây dựng