Top

Câu chuyện đằng sau 60 tỷ USD tiền nhàn rỗi trong dân là gì?

Cập nhật 24/08/2018 13:44

Trong nhiều năm, tổng tiết kiệm trong nước và tiết kiệm bên ngoài lớn hơn tổng đầu tư tại Việt Nam.


Việt Nam có tỷ lệ tích luỹ trong dân cao, tới khoảng 60 tỷ USD, chưa được huy động hết, theo nhận xét của ông Alwaleed Fareed Alatabani, chuyên gia trưởng thị trường tài chính Việt Nam của World Bank.

Ông Alatabani cho biết nguồn vốn nhàn rỗi này là một tiềm năng lớn, trong dài hạn, Việt Nam cần tìm cách để huy động được số tiền này.

Ở một khía cạnh khác, một lượng tiền lớn nhàn rỗi trong dân cũng đặt ra nhiều vấn đề đối với chính sách, khi mà tổng tiết kiệm trong nước và tiết kiệm bên ngoài trong nhiều năm đã lớn hơn tổng đầu tư, theo ý kiến của TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).

Đầu tiên vấn đề liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh tác động đến niềm tin của người dân. Ông Thành cho biết những năm trở lại đây, Chính phủ đang rất nỗ lực trong việc cải cách môi trường kinh doanh. Dù vậy, thị trường vẫn có một số méo mó nhất định như tính cạnh tranh chưa cao, vấn đề về quyền tài sản, chi phí giao dịch... Báo cáo Việt Nam 2035 cũng chỉ ra rằng những nguyên nhân trên đã khiến doanh nghiệp Việt chưa lớn được.

Vị chuyên gia này nhấn mạnh cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô... gia tăng niềm tin của người dân. Như vậy, thay vì tiền được giữ dưới dạng tài sản tài chính sẽ đi theo tín hiệu thị trường đi vào sản xuất kinh doanh

Bên cạnh việc cải thiện môi trường kinh doanh, ông Thành cho rằng vấn đề về mở cửa tài chính cũng như xử lý các vấn đề liên quan là rất quan trọng.

"Việt Nam cơ bản đã tự do hoá cán cân vãng lai nhưng cán cân vốn vẫn còn hạn chế", ông nói và nhận xét "chỉ có cách khéo léo mở dần, như thế vừa thu hút được nguồn lực bên ngoài, vừa kết hợp được nguồn lực tài sản tài chính hàng chục tỷ USD chưa tận dụng được".

Cuối cùng vị chuyên gia này đề cập đến việc phát triển, đa dạng hoá các loại tài chính cũng như cần một chính sách tiền tệ khôn khéo.

Điều này là một trong những khó khăn của Việt Nam. Tương tự nhiều quốc gia khác, việc tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế, các kênh tài chính chưa phát triển đa dạng...

"Việt Nam đang trong giai đoạn hoàn thiện cơ sở pháp lý", ông nhận xét.

Với những vấn đề ẩn sau con số 60 tỷ USD tiền nhàn rỗi trong dân, ông Trí Thành bày tỏ mong muốn các chính sách cần tiếp tục hướng đến việc tạo dựng môi trường tốt nhất, sau đấy, nâng cao niềm tin của người dân, tạo điều kiện để tiền đi vào sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng.

DiaOcOnline.vn - Theo Trí Thức Trẻ