Top

Gỡ nút thắt cho người nước ngoài và Việt kiều mua nhà

Cập nhật 14/09/2015 16:36

Đó là nội dung cuộc hội thảo vừa được tổ chức sáng nay (14/9), tại TP Hồ Chí Minh với sự góp mặt của đại diện Bộ Xây dựng, các doanh nghiệp đầu tư kinhh doanh BĐS cùng nhiều chuyên gia uy tín hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh BĐS tại Việt Nam. Hội thảo do báo Thanh Niên tổ chức.

Phát biểu tham luận tại hội thảo, phần lớn các đại biểu đều có chung nhận định, thị trường bất động sản Việt Nam sau khi Luật Kinh doanh BĐS và Luật Nhà ở có hiệu lực đã không có sự đột phá như kỳ vọng. Nguyên nhân chính của tình trạng này theo các chuyên gia là sự chậm chạp trong việc ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn để luật sớm đi vào cuộc sống. Ngoài ra, còn có rất nhiều các "điểm nút" khác về thủ tục pháp lý, về quyền sở hữu, thời gian và số lượng căn hộ được sở hữu... cũng khiến cho khách hàng e dè.
Tiến sĩ - chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, do thiếu các văn bản hướng dẫn thi hành dưới luật, người nước ngoài nói chung và Việt kiều nói riêng vẫn còn khá e dè khi muốn mua nhà mà vẫn còn nhờ người thân tại Việt Nam đứng tên như hàng chục năm qua. Mặc dù, trên thị trường hiện nay đang có sự chuyển dịch dòng vốn rất mạnh từ các kênh như chứng khoán, vàng sang đầu tư BĐS vì nhiều người vẫn cho rằng đây là một kênh đầu tư an toàn và sinh lợi nhất hiện nay tại Việt Nam. Theo ông Hiếu, doanh nghiệp trong nước cần thay đổi mô hình kinh doanh, chiến lược bán hàng, cách tiếp cận vì hiện nay cách giải thích về chính sách cho người nước ngoài không thống nhất, khó mà “lôi kéo” được họ mua nhà.

Người nước ngoài vẫn e dè trước quyết định mua nhà tại Việt Nam

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đực - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh cho rằng, khách hàng nói chung (bao gồm Việt kiều và người nước ngoài) không phải là "những ông thần tài vui tính". Trước khi quyết định đầu tư, mua nhà, họ cũng nghiên cứu, xem xét rất kỹ lưỡng, nhằm hạn chế rủi ro. Bên cạnh đó, cũng cần phải nhìn nhận rằng, không phải cứ Việt kiều và người nước ngoài là có nhiều tiền. Họ cũng làm công ăn lương, cũng làm lụng vất vả mới kiếm được đồng tiền. Vì vậy, các doanh nghiệp cũng cần phải tính đến sản phẩm phù hợp với nguồn cầu cho đối tượng này, không nên quá chú trọng, đổ xô vào phân khúc cao cấp để "đón lõng" khách hàng nước ngoài như hiện nay.

Theo đại diện của CBRE, trước thực trạng khó khăn kéo dài của thị trường BĐS trong những năm vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện nhiều chính sách và phương án khác nhau nhằm cải thiện tình hình. Tuy nhiên, hầu hết các động thái đều tập trung vào cải thiện sức mua của các nhà đầu tư trong nước và cơ cấu sản phẩm nhà ở bán. Chỉ đến gần đây, Chính phủ mới bắt đầu chú ý đến nguồn cầu từ người nước ngoài và sự quan tâm của họ đối với thị trường BĐS Việt Nam cũng như xem xét những ảnh hưởng lên thị trường nội địa.
Theo CBRE, kể từ năm 2009 đến nay, mới chỉ vỏn vẹn hơn 100 người trong số 80.000 người nước ngoài (không bao gồm Việt kiều) hiện đang sống và làm việc ở Việt Nam đã mua được nhà. Thế nhưng, phần lớn trong số này là người nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam, số còn lại có đầu tư trực tiếp vào Việt Nam hoặc giữ vị trí quản lý trong doanh nghiệp được thành lập tại Việt Nam. Số lượng doanh nghiệp nước ngoài mua căn hộ thậm chí còn ít hơn, khi chỉ có vỏn vẹn 25 doanh nghiệp. Nguyên nhân chính là do giá nhà đắt đỏ và có quá nhiều tiêu chí ràng buộc bởi quy định hiện hành. Giá mua nhà còn quá cao so với chi phí thuê nhà nên hầu hết các tổ chức nước ngoài vẫn ưa chuộng hình thức thuê hơn là mua căn hộ.

Các hạn chế có thể kể đến như cấm chuyển nhượng/bán nhà ở trong vòng 12 tháng kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hợp nhất, không được cho bên thứ ba thuê và không được sử dụng nhà ở làm văn phòng hoặc sử dụng vào mục đích khác... Các doanh nghiệp nước ngoài cũng không được cho thuê căn hộ, thậm chí trong thời gian căn hộ bị bỏ trống do nhân viên nước ngoài của họ không ở Việt Nam.

Theo CBRE, người nước ngoài nên được xem là nhóm đối tượng mở rộng hợp lý của một thị trường đã phát triển, chứ không hẳn là một biện pháp “chữa cháy” khi thị trường đang thừa BĐS cao cấp.

DiaOcOnline.vn - Theo KTĐT