Top

Điều kiện tách thửa và Thủ tục nhận chuyển nhượng bất động sản

Cập nhật 23/03/2011 09:30

Câu hỏi:

Hiện tại tôi đang có ý định mua căn nhà nát ở Phường 16, Quận 8, diện tích 4m x 13.5m. Căn nhà này đã có số nhà quận, điện nước chính, có giấy phạt xây dựng trái phép nhưng chưa có sổ đỏ, sổ hồng vì vậy chỉ có thể bán trên giấy viết tay.

Chủ cả miếng đất 1,000m2 là ông A, ông A đã bán cho ông B miếng đất này (4m x 13.5 m). Bây giờ tôi muốn mua lại của ông B. Xin tư vấn giúp tôi:

1) Theo luật thì tôi có thể xin tách thửa được không? Xin tách để làm sổ đỏ đứng tên tôi? Tôi cần chuẩn bị những giấy tờ gì? Và cần lưu ý những điểm nào?

2) Tôi có nên mua căn nhà này không? Và như vậy có quá mạo hiểm không?

Xin chân thành cám ơn! (Lee Jenny)


Công ty Luật Thiên Bình (Libra) trả lời:

Căn cứ vào những quy định của pháp luật hiện hành:

1. Điều kiện và thủ tục tách thửa:

1.1. Để thực hiện được việc tách thửa, mảnh đất nói trên phải đáp ứng các điều kiện sau:

- Phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

- Đáp ứng được diện tích tối thiểu sau khi tách thửa đối với đất ở tại Quận 8 là 50m2 và chiều rộng mặt tiền không nhỏ hơn 4m theo quy định tại Quyết định 19/2009/QĐ-UBND ban hành 25/02/2009 của UBND TP.HCM về diện tích đất tối thiểu sau khi tách thửa.

1.2. Thủ tục tách thửa: Người thực hiện thủ tục hành chính nộp hồ sơ xin tách thửa tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất hoặc Phòng Tài nguyên và Môi trường thuộc UBND Quận 8.

Hồ sơ gồm: Đơn xin tách thửa (theo mẫu); Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc các giấy tờ về quyền sử dụng đất (“GCN”); Biên bản đo đạc; Bản đồ trích đo.

2. Do bất động sản nói trên chưa chưa đủ điều kiện để chuyển nhượng theo quy định (*) , vì vậy mọi giao dịch chuyển nhượng bằng giấy tay hoặc trái với bản chất của giao dịch đều có thể bị xem là vô hiệu.

Tuy nhiên, nếu vì lý do gì đó mà bạn mong muốn nhận chuyển nhượng bất động sản này; Thì bạn nên tiến hành theo trình tự sau đây:

a. Đề nghị ông A nhanh chóng tiến hành thủ tục tách thửa và xin cấp GCN theo hướng dẫn số 5144/HD-LS ngày 30/06/2010 của liên Sở Xây dựng - Tài nguyên và Môi trường về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (GCN) theo Nghị định 88/2009/NĐ-CP.(**)

b. Ngay khi được cấp GCN, ông A sẽ tiến hành thủ tục chuyển nhượng lại cho bạn.

Để có cơ sở cho các bên thực hiện cam kết, bạn có thể ký hợp đồng đặt cọc với ông A theo quy định tại Điều 358 Bộ Luật Dân sự 2005.

Bạn cần cân nhắc thật kỹ để tránh các rủi ro có thể xảy ra trong tương lai.

(*): Khoản 1, Điều 91 Luật nhà ở, Khoản 3, Điều 93 Luật nhà ở và Khoản 2, Điều 689 Bộ Luật Dân sự.

(**): Trường hợp xây dựng không phép, sai phép từ ngày 1-7-2004 đến trước ngày 1-7-2006 sẽ được cấp GCN nếu thỏa các điều kiện sau: không có tranh chấp, được xây dựng trước khi có quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng hoặc phải phù hợp quy hoạch nếu xây dựng sau khi có quy hoạch.

Trường hợp nhà ở xây dựng từ ngày 1-7-2006 trở về sau nếu không có giấy phép xây dựng thì phải có giấy tờ xác nhận của UBND cấp xã về nhà ở không thuộc trường hợp xin phép xây dựng, không có tranh chấp và đáp ứng điều kiện về quy hoạch như nhà ở xây dựng trước ngày 1-7-2006 mới được xem xét cấp GCN.

DiaOcOnline.vn mong muốn trở thành cầu nối cho bạn đọc với các chuyên gia trong từng lĩnh vực địa ốc. Hiện nay, qua DiaOcOnline.vn, bạn có thể kết nối với các chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc, pháp lý nhà đất, phong thủy nhà đất.

Nếu có nhu cầu được tư vấn về kiến trúc, pháp lý, phong thủy trong lĩnh vực nhà đất, bạn hãy click ngay vào đây để tìm hiểu về nhà tư vấn và gửi câu hỏi. Chúng tôi sẽ liên hệ với chuyên gia và đưa ra câu trả lời cho bạn trong thời gian sớm nhất.

 

DiaOcOnline.vn

.