TP.HCM xin ứng ngân sách, đẩy dự án: Nhiều lo ngại

Cập nhật 01/07/2019 15:30

Phải xem xét kỹ việc TP.HCM xin tạm ứng vốn ngân sách cho 3 dự án, tránh trường hợp tiền không thu được mà dự án cũng không đẩy nhanh được.

Trước tình trạng chậm giải ngâm vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài, để đảm bảo tiến độ các dự án, UBND TP.HCM đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét, chấp thuận tạm ứng vốn ngân sách với 3 dự án để thanh toán khối lượng hoàn thành cho các nhà thầu. TP.HCM sẽ chịu trách nhiệm thực hiện thủ tục hoàn trả tạm ứng theo quy định.

Các dự án được đề nghị tạm ứng vốn ngân sách gồm: dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 (tuyến Bến Thành – Suối Tiên); dự án cải thiện môi trường nước thành phố, lưu vực kênh Tàu Hũ – Bến Nghé – Đôi – Tẻ giai đoạn 2; và dự án vệ sinh môi trường TPHCM giai đoạn 2.

Trong trường hợp ngân sách Trung ương chưa thể xem xét, tạm ứng kịp thời, TP.HCM kiến nghị chấp thuận cho thành phố này được tạm ứng từ ngân sách thành phố để thanh toán khối lượng hoàn thành cho các nhà thầu.

Trao đổi với Đất Việt, một số chuyên gia đều khẳng định, cần xem xét kỹ càng đề xuất của TP.HCM, tránh trường hợp tiền ngân sách ứng ra không thu lại được mà tiến độ các dự án vẫn không được đẩy nhanh.

TS Đinh Sơn Hùng - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, chỉ ra rằng, việc giải ngân vốn ODA chậm do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân quan trọng là vốn đối ứng của Việt Nam không đủ.

Đối với đề xuất của TP.HCM, theo ông Hùng, phải xem xét từng dự án cụ thể, tính khả thi của từng dự án, đặc biệt vốn ODA của dự án đó là do nước nào cung cấp.

"Các nhà viện trợ vốn ODA thường ra điều kiện đi kèm theo vốn, ví dụ thi công của họ, nguyên vật liệu của họ... Phải xem những vấn đề này nếu không thi công không được, vật liệu cung cấp không đủ... thì việc tạm ứng vốn không còn ý nghĩa nữa", TS Đinh Sơn Hùng lưu ý.

Trước băn khoăn nếu TP.HCM tạm ứng vốn ngân sách cho các dự án, liệu có ảnh hưởng đến số tiền TP nộp về ngân sách nhà nước hàng năm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM khẳng định: việc TP.HCM đóng góp với tỷ lệ bao nhiêu vào ngân sách nhà nước đã được ghi trong luật và TP.HCM phải lo chuyện đó.

"Chính phủ có thể cho TP tạm ứng ngân sách, còn đóng góp của TP với ngân sách nhà nước là không thay đổi, TP.HCM phải đóng góp theo quy định", TS Đinh Sơn Hùng nói.

Cũng bày tỏ quan điểm về việc TP.HCM xin tạm ứng ngân sách để đảm bảo tiến độ một số dự án, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho hay, năm 2018, việc giải ngân vốn đầu tư công rất chậm, chỉ được hơn 50%, nghĩa là vốn đầu tư công trong ngân sách nhà nước hiện vẫn còn rất lớn.

Vấn đề ở chỗ các dự án, công trình đầu tư công không đủ điều kiện về trình tự, thủ tục, cơ sở pháp lý để cấp vốn chứ không phải ngân sách Trung ương không có vốn để cấp. Cái mắc ở đây là mắc về trình tự thủ tục, chất lượng, khối lượng xây dựng cơ bản không đáp ứng được để cấp vốn.

Về nguyên tắc, việc tạm ứng vốn đầu tư cho các dự án là không đúng với các quy định của Nhà nước về đầu tư xây dựng cơ bản và đi ngược lại với kinh tế thị trường.

Nhà nước có thể cho phép tạm ứng vốn ngân sách đối với một số dự án lớn, bị chậm tiến độ quá lâu, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và cả nước, tuy nhiên bên được tạm ứng phải đáp ứng các điều kiện tương thích.

Cụ thể, dự án phải có khối lượng đầu tư xây dựng cơ bản hoàn thành theo giai đoạn, trong đó có quy định phải đúng thời gian, tiến trình thực hiện; có nghiệm thu bàn giao của chủ đầu tư và đơn vị giám sát theo đúng thủ tục Nhà nước quy định. Khi dự án đáp ứng các điều kiện trên và được cơ quan quản lý chấp thuận thì mới được cấp vốn đầu tư.

"Các dự án TP.HCM muốn xin tạm ứng vốn ngân sách là những dự án quan trọng nhưng rất cần sự đảm bảo về khối lượng, chất lượng, đúng quy trình đầu tư xây dựng, đảm bảo về giá cả và các vấn đề khác liên quan đến dự án. Điều đó đồng nghĩa với việc phải có xem xét, nghiên cứu rõ ràng, cụ thể, kiểm tra, giám sát chặt chẽ", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh lưu ý.

TP.HCM xin tạm ứng vốn ngân sách cho 3 dự án, trong đó có tuyến metro số 1

Vị chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại khi TP.HCM kiến nghị được tạm ứng từ ngân sách thành phố để thanh toán khối lượng hoàn thành cho các nhà thầu trong trường hợp ngân sách Trung ương chưa thể xem xét, tạm ứng kịp thời.

"Việc tạm ứng từ ngân sách Trung ương đã khó quản lý và không phù hợp với kinh tế thị trường, nếu giao cho địa phương tự xử lý thì nguy cơ bị buông lỏng rất dễ xảy ra. Khi ấy, các vấn đề về chất lượng, khối lượng công trình, quy trình đầu tư xây dựng dự án có thể bị vi phạm nghiêm trọng hơn nhiều.

Khi nguồn thu ngân sách nhà nước eo hẹp, khoản đầu tư không có hoặc bị hạn chế, trong khi TP.HCM có thể điều chuyển được các khoản vốn từ những dự án khác để ưu tiên cấp vốn cho các dự án trọng điểm nói trên thì có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, như đã nói, việc kiểm tra, kiểm soát, các yêu cầu đối với dự án phải làm chặt chẽ", ông Thịnh nói.

DiaOcOnline.vn – Theo Báo đất việt