TP.HCM giảm 40% số vụ xây dựng trái phép trong 2 tháng

Cập nhật 02/10/2019 15:30

Đó là con số được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến giao ban chuyên đề về kết quả tổ chức triển khai thực hiện chỉ thị 23 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng ngày 1-10.

Dự án khu dân cư nhà ở Vĩnh Lộc A (xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP.HCM) do Công ty TNHH kinh doanh nhà Đồng Danh làm chủ đầu tư có nhiều công trình xây dựng sai thiết kế, bị cơ quan chức năng buộc tháo dỡ - Ảnh: TL

Trong 2 tháng thực hiện chỉ thị 23 (tháng 8 và tháng 9-2019), số vụ vi phạm xây dựng trên địa bàn TP.HCM giảm đáng kể. Sáu tháng đầu năm, trung bình mỗi ngày trên địa bàn TP.HCM có gần 8,5 vụ vi phạm nhưng trong hai tháng qua, con số vi phạm xây dựng trên địa bàn TP chỉ còn 5,1 vụ/ngày.

Tuy nhiên, đại diện văn phòng Thành ủy cũng chỉ ra tình hình vi phạm xây dựng trên địa bàn TP còn diễn biến phức tạp, vẫn còn trường hợp xây dựng trái phép không được phát hiện, xử lý ngay từ đầu.

Quy định hiện nay thiếu chế tài đủ mạnh để răn đe, ngăn ngừa người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, tránh tái diễn sau khi đã bị đình chỉ thi công. Tiến độ rà soát, điều chỉnh cục bộ các đồ án quy hoạch phân khu 1/2.000 chậm…

Về việc này, ông Trần Lưu Quang - phó bí thư thường thực Thành ủy - đề nghị Sở Quy hoạch - kiến trúc phải nhanh chóng rà soát các dự án "treo" để không đẩy người dân vào tình thế buộc phải xây dựng trái phép.

Ông Quang chỉ rõ hai dự án treo là khu đô thị Tây Bắc đã "treo" 16 năm và khu E thuộc khu Nam TP đã "treo" 23 năm làm ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi về nhà đất của người dân nơi đây. "Nếu khu vực nào xóa treo được thì Sở Quy hoạch - kiến trúc phải kiến nghị xóa sớm", ông Quang đề nghị.

Ông Trần Văn Bảy, chủ tịch UBND quận 9, cho rằng nguyên nhân lớn nhất dẫn đến xây dựng trái phép là vướng mắc trong quá trình chuyển mục đích sử dụng đất. Nếu tháo gỡ được điểm này thì số vụ việc vi phạm xây dựng sẽ giảm nhiều.

Giám đốc Sở Xây dựng Lê Hòa Bình hứa: trong tháng 10, Sở Xây dựng sẽ phối hợp với các công ty cấp điện, cấp nước để hướng dẫn việc cắt điện, nước công trình vi phạm xây dựng. "Sở cũng đã dự thảo trình UBND TP ban hành chỉ thị quy trình xử lý công trình xây dựng trái phép, trường hợp nào xử lý trong vòng 10 ngày, trường hợp nào 30 ngày", ông Bình nói.

Theo thống kê của UBND TP, từ khi thực hiện Luật đất đai năm 2013 (từ 1-7-2014) đến nay, các quận huyện đã đề xuất xác định giá đất để tính bồi thường 490 dự án, UBND TP đã duyệt được 259 dự án (52%). Theo đó, việc xây dựng hệ số điều chỉnh giá đất để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong các dự án có thu hồi đất bị kéo dài.

Đại diện Sở TN-MT cho biết đã trình UBND TP dự thảo về việc ủy quyền cho UBND các quận, huyện phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường đối với các dự án nhóm C, có diện tích đất thu hồi dưới 1ha và dưới 10 hộ dân bị ảnh hưởng. Việc này sẽ rút ngắn thời gian duyệt giá bồi thường cho các dự án này, giúp việc bồi thường giải phóng mặt bằng nhanh hơn.
 

DiaOcOnline.vn – Theo Tuổi trẻ