Top

TP.HCM “đau đầu” với kế hoạch di dời nhà ven kênh, rạch

Cập nhật 10/08/2018 09:40

Đặt mục tiêu tới năm 2020 sẽ hoàn thành việc di dời nhà ven kênh theo Chương trình “chỉnh trang phát triển đô thị” mà lãnh đạo TP.HCM đặt ra từ năm 2016, nhưng đã quá nửa thời gian trôi qua, chương trình này vẫn đang dậm chân tại chỗ.

TP.HCM hiện đang có khoảng 22.000 căn nhà trên và ven kênh, rạch cần di dời. Ảnh: Gia Huy

Dậm chân tại chỗ

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, hiện trên địa bàn Thành phố có khoảng 57 tuyến kênh, rạch cần thực hiện công tác cải tạo môi trường. Các dự án cải tạo, di dời khoảng 22.000 căn nhà trên và ven 57 tuyến kênh, rạch này là một phần của chương trình chỉnh trang đô thị giai đoạn 2016-2020.

Tuy nhiên, áp lực về nguồn vốn đầu tư cho các dự án cải tạo, di dời hàng chục căn nhà lụp xụp ven kênh, rạch cũng không phải nhỏ.

Thống kê của ngành xây dựng TP.HCM cho thấy, số tiền cần để bồi thường giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư cải tạo và di dời nhà trên và ven kênh, rạch lên đến 50.000 tỷ đồng và sẽ được chia làm 3 nhóm triển khai.

Nhóm 1 gồm 52 dự án với khoảng 14.400 căn, kinh phí bồi thường, tái định cư gần 22.400 tỷ đồng. Nhóm 2 được thực hiện bằng nguồn vốn doanh nghiệp, tập trung tại 3 tuyến kênh, di dời khoảng 1.800 căn, kinh phí dự kiến hơn 2.700 tỷ đồng.

Ông Lê Trần Kiên, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, hiện nay, chương trình di dời chủ yếu thực hiện bằng vốn ngân sách nhà nước, các khoản hỗ trợ tài chính, vốn vay ODA từ Ngân hàng Thế giới.

Riêng nhóm 3 thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (PPP) với 6 dự án tại quận Bình Thạnh, quận 8 và quận 7, di dời hơn 6.200 căn, kinh phí khoảng 19.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tới nay dù đã đi qua nửa chặng đường dự kiến, nhưng kế hoạch di dời nhà trên và ven kênh, rạch của TP.HCM vẫn chưa có chuyển động nào đáng kể. Nguyên nhân khiến kế hoạch này gặp khó là do quỹ đất xây dựng nhà tái định cư của TP.HCM hiện đang thiếu nghiêm trọng. Ngoài ra, còn do vướng mắc về phương án giải tỏa, di dời và tái định cư.

Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, một trong những vướng mắc lớn nhất là số tiền hỗ trợ cho người dân trong các trường hợp này thường rất ít, không đảm bảo để người dân có thể tìm kiếm chỗ ở mới, trong khi nhiều dự án tái định cư lại nằm quá xa trung tâm Thành phố, chất lượng không đảm bảo, nên phần lớn người dân không đồng thuận với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Để đảm bảo kịp tiến độ, ngày 24/7/2018 vừa qua, Sở Xây dựng TP.HCM, với vai trò là cơ quan thường trực, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch của các sở, ngành, quận, huyện, đã có văn bản đề nghị UBND các quận, huyện phải nêu cao tinh thần chủ động, phối hợp các sở, ngành liên quan, khẩn trương chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ được UBND TP.HCM đã giao trước đó.

Tương tự, theo đánh giá của Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, việc di dời nhà ở trên và ven kênh rạch trên địa bàn TP.HCM là một bài toán khó. Sở này cũng đã yêu cầu các quận, huyện cần phải chủ động đề xuất giải pháp cụ thể đề Thành phố tính toán, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc nhằm đảm bảo giải quyết có hiệu quả công tác giải tỏa, bồi thường, ổn định cuộc sống cho người dân.

Cần cơ chế đặc biệt

Báo cáo với Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tại cuộc họp báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm vừa được tổ chức tuần qua, ông Trần Trọng Tuấn cho biết, tiếp tục tổ chức thực hiện chương trình đột phá “Chỉnh trang và phát triển đô thị”, trong đó tập trung triển khai thực hiện Đề án Tổ chức thực hiện chỉnh trang đô thị dọc các tuyến kênh, rạch trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2016 - 2020. Tuy nhiên, kế hoạch thực hiện cụ thể thế nào thì không thấy nhắc tới.

Trước đó, tại cuộc họp nghe báo cáo sơ kết hơn 2 năm thực hiện Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2016-2020 được tổ chức giữa tháng 5 vừa qua, Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh, chỉnh trang đô thị có 3 nội dung là di dời nhà ở trên và ven kênh, rạch để tổ chức cuộc sống người dân tốt hơn; xây dựng mới, thay thế chung cư cũ, hư hỏng xuống cấp, chỉnh trang nâng cấp khu dân cư hiện hữu; xây dựng các khu đô thị mới trên địa bàn Thành phố.

Đối với việc tái định cư và bồi thường giải phóng mặt bằng, ông Phong yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện vận dụng đơn giá bồi thường, hỗ trợ hợp lý; tính toán đồng bộ việc bố trí tái định cư.

“Giải bài toán di dời nhà ven kênh, rạch phải làm cho khéo và không được vi phạm pháp luật. Vì trên 22.000 căn nhà phải di dời, có những căn nhà thiếu tính pháp lý, nên phải khảo sát thật kỹ để có giải pháp hài hòa. Đặc biệt, giải tỏa rồi nhưng tái định cư rất quan trọng cho đời sống người dân", ông Phong chỉ đạo.

Tuy nhiên, giới phân tích và chuyên gia về xây dượng cho rằng, nếu không có giải pháp, cơ chế cụ thể và sự chỉ đạo quyết liệt, TP.HCM sẽ không thể giải được bài toán di dời nhà trên và ven kênh, rạch. Các giải pháp mà các sở, ngành đưa ra hiện nay đang như ném đá ao bèo. Đơn cử, tháng 5 vừa qua, TP.HCM kêu gọi các doanh nghiệp Nhật Bản tới khảo sát, tham gia vào chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị của Thành phố, nhưng các doanh nghiệp này không có bất cứ hồi âm nào.

Chính vì vậy, theo các chuyên gia xây dựng, Thành phố phải có cơ chế đặc biệt trong bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư các dự án có nhà ven và trên kênh, rạch. Theo đó, phải hỗ trợ thêm 30% giá trị đất để tạo ra sự đồng thuận của người dân, như vậy mới có thể di dời, tạo cuộc sống cho những hộ dân có nhà diện tích nhỏ.

Ngoài ra, cần có biện pháp mạnh với chương trình này, bởi nếu chỉ có động viên, thuyết phục người dân di dời là không đủ.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư BĐS