Top

TP HCM tính toán điều chỉnh quy hoạch chung

Cập nhật 31/10/2018 10:57

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến nhìn nhận hạn chế và yếu kém lớn nhất của TP vẫn là vấn đề quy hoạch

Ngày 30-10, Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) TP HCM tổ chức hội thảo Quy hoạch TP HCM: Thực tiễn và cơ hội đầu tư, nhằm tìm kiếm những mô hình đô thị phù hợp với điều kiện và thách thức mà TP HCM đang gặp.

Không thể giữ nguyên

Ông Lý Khánh Tâm Thảo, quyền Trưởng Phòng Hạ tầng Kỹ thuật Sở QH-KT TP, cho biết đồ án quy hoạch chung TP HCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2010 và sau gần 8 năm thực hiện, TP đang có chủ trương điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế. Cấu trúc đô thị hiện hữu của TP vẫn theo hướng lan tỏa từ trung tâm chứ chưa thể hiện mô hình tập trung đa cực của quy hoạch chung. Kế đến, đô thị chủ yếu là nhà đất riêng lẻ nên việc sử dụng đất chưa hiệu quả, gây áp lực lớn lên hạ tầng như kẹt xe, ngập nước và ô nhiễm không khí. Chính vì vậy, quy hoạch sắp tới mà TP chuẩn bị thực hiện, ngoài kế thừa những nội dung của quy hoạch chung hiện hành, sẽ có những định hướng quan trọng như xây dựng TP trở thành đô thị thông minh, phát triển khu đô thị sáng tạo phía Đông, khu đô thị du lịch biển Cần Giờ quy mô 2.800 ha… Bản quy hoạch lần này không điều chỉnh mọi thứ, giải quyết mọi thứ mà xác định thứ tự ưu tiên và chọn lọc những mục tiêu có giá trị từng giai đoạn. "Việc phát triển TP phải đặt trong mối liên kết với các tỉnh - thành trong vùng về hạ tầng kỹ thuật, các khu vực chức năng, chia sẻ nhu cầu giải quyết về nhà ở, lao động" - ông Thảo thông tin.

TP HCM cần sự giám sát của cộng đồng trong việc lập quy hoạch chung để thông tin được cập nhật chính xác Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Ông Michel Fanni, Giám đốc Phát triển và Cải tiến đô thị mới Marne La Vallee (Pháp), cho rằng quy hoạch tổng thể giúp người dân thấy khát vọng, định hướng của TP trong tương lai. Ông cũng đề xuất cho quy hoạch chung TP là xây dựng chiến lược phát triển chia sẻ, huy động trí tuệ tập thể với chính sách quản trị đặc thù, hình thành một nhóm làm việc đa ngành… Quy hoạch chung phải tạo thương hiệu cho TP về chất lượng đời sống, khẳng định đặc trưng đô thị, xây dựng di sản cho tương lai. "Quy hoạch phải có tham vọng về một siêu đô thị bền vững - thích ứng như giải quyết vấn đề tắc nghẽn giao thông, đối diện với nguy cơ ngập nước, chống chịu - thích ứng với biến đổi khí hậu" - ông Michel Fanni nhấn mạnh. Ông cũng cho rằng điểm khởi đầu của một TP, một khu đô thị mới là quy hoạch tổng thể, nó thể hiện ý chí chính trị, định hướng rõ ràng của lãnh đạo TP, đặc biệt là phải quản trị tốt, nghĩa là khi cần phải đưa ra quyết định ngay chứ không chần chừ. "Làm sao giải quyết được kẹt xe mà vẫn gia tăng được dân số, làm sao giải quyết ngập nước (chống hay sống chung)? Điều quan trọng là chúng ta phải đặt câu hỏi đúng ngay từ sớm để có câu trả lời thích hợp" - ông Michel Fanni góp ý.

Còn ông KC Ho, đại diện Tập đoàn AutoDesk châu Á, thì khuyến cáo TP nên ứng dụng công nghệ vào khâu lập quy hoạch để mô phỏng các kịch bản sẽ ứng phó với những vấn đề có thể gặp phải trong tương lai.

Những cam kết mạnh mẽ

Ông Jimmy Chan, Tổng Giám đốc Công ty Phát triển Bất động sản Alpha King, đánh giá quy hoạch đô thị TP HCM là thách thức cũng là cơ hội lớn nếu chính quyền có những định hướng và cách làm hay. Theo ông, TP cần có gốc rễ chắc là hạ tầng, chính sách và nguồn vốn thu hút được.

Chia sẻ với các đại biểu, ông Hoàng Tùng, Phó Giám đốc Sở QH-KT TP, nói sở này rất chú trọng việc ứng dụng công nghệ trong lập quy hoạch và quản lý quy hoạch. Đặc biệt, luôn cố gắng phát huy trí tuệ tập thể để tìm ra giải pháp tốt nhất, vì vậy sự tham gia của các bên trong quá trình lập quy hoạch luôn được đề cao. Từ đây, ông Tùng mong muốn nhận được sự giám sát của cộng đồng để thông tin được cập nhật một cách chính xác nhất.

Tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh TP HCM là đô thị đặc biệt của Việt Nam và đòi hỏi phải phát triển để đóng góp cho sự phát triển chung của cả nước, phát triển bền vững theo yêu cầu của xã hội một cách toàn diện. "Tuy nhiên, TP nhận thấy hạn chế và yếu kém lớn nhất của TP vẫn là vấn đề quy hoạch" - ông Tuyến thẳng thắn thừa nhận. Bởi ông cho rằng quy hoạch có 3 khâu là xây dựng, quản lý quy hoạch và tổ chức thực hiện nhưng cả 3 khâu này đều bộc lộ những hạn chế. Về mặt pháp lý thì cứ 5 năm Chính phủ xem xét điều chỉnh quy hoạch một lần nhưng nếu quy hoạch tốt như ở các nước châu Âu thì quy hoạch cả 100 năm vẫn không thay đổi. Do đây là vấn đề thuộc về chất lượng quy hoạch nên trong những năm tới, TP tính toán để làm sao khả năng điều chỉnh bổ sung ít nhất là phải 10 năm.

Nhìn nhận quy hoạch tổng thể phải trở thành khát vọng của lãnh đạo và người dân TP, trở thành cơ hội của nhà đầu tư, ông Trần Vĩnh Tuyến cho biết quy hoạch tổng thể trong giai đoạn tới, TP sẽ rà soát nhiều vấn đề như chính sách cho nhà đầu tư, giải quyết quyền lợi cho người dân…

Kêu gọi đầu tư vào 253 dự án

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM, tổng vốn đầu tư toàn xã hội cho TP giai đoạn 2016-2020 là rất lớn, nguồn lực từ ngân sách không kham được nên TP đặt ra là phải có sự tham gia từ các nguồn khác của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Theo đó, TP đang kêu gọi các nhà đầu tư đầu tư vào 253 dự án (tập trung chủ yếu là các dự án trong 7 chương trình đột phá) với tổng vốn khoảng 870.000 tỉ đồng.

DiaOcOnline.vn - Theo NLĐ