Thu hồi đất vàng để làm trường học

Cập nhật 23/05/2019 08:00

Trong vòng năm năm với nhiều lần bị nhắc nhở, xử lý, Công ty Giày Sài Gòn vẫn không thực hiện đúng bản hợp đồng thuê đất vàng với Nhà nước.

Khu đất vàng tại địa chỉ 419 Lê Hồng Phong, phường 2, quận 10, TP.HCM sẽ bị thu hồi để xây trường THCS đạt chuẩn sau khi hợp đồng cho thuê của Công ty Giày Sài Gòn hết hạn vào cuối năm 2020. Thiếu đất xây trường học đạt chuẩn

Mới đây, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã chủ trì cuộc họp Thường trực UBND TP. Nội dung cuộc họp về điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2.000 khu dân cư liên phường tại khu đất 419 Lê Hồng Phong, phường 2, quận 10.

Dịp này, lãnh đạo các ban, ngành liên quan đều cho rằng thực trạng quỹ đất dành cho giáo dục trên địa bàn quận 10 đang rất khan hiếm, quỹ đất dành cho trường THCS còn thấp, không đủ phục vụ chỗ học cho học sinh trên địa bàn trong thời gian tới.

Trong khi đó, trên địa bàn quận có khu đất vàng ở 419 Lê Hồng Phong, diện tích khoảng 13.000 m2, đang cho Công ty CP Giày Sài Gòn (GSG) thuê. Theo hợp đồng, công ty này được thuê đất để phục vụ sản xuất nhưng lại tự ý cho doanh nghiệp khác thuê lại, hưởng chênh lệch.

Ghi nhận ý kiến các sở, ngành và UBND quận 10, Chủ tịch TP kết luận chỉ đạo: “TP đồng ý chủ trương sau thời hạn cho thuê khu đất 419 Lê Hồng Phong sẽ thu hồi và bàn giao toàn bộ khu này cho quận 10 để đầu tư xây dựng trường THCS đạt chuẩn”.

Lãnh đạo TP yêu cầu quận 10 phối hợp với Sở QH-KT, Sở TN&MT, Sở GD&ĐT và các đơn vị liên quan lập điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2.000 tại khu đất trên, trình thẩm định, phê duyệt theo quy định.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bà Nguyễn Thị Thu Nga, Phó Chủ tịch phụ trách đô thị UBND quận 10, cho biết: “Hiện quận vẫn chờ chủ trương của TP về diện tích cho xây là bao nhiêu, chức năng quy hoạch tại khu đất này ra làm sao... Chúng tôi cũng rất mong toàn bộ diện tích khu đất này sẽ được xây trường học, phục vụ nhu cầu rất lớn của dân cư trên địa bàn”.

Khu đất 419 Lê Hồng Phong, quận 10, TP.HCM đang được GSG cho Công ty Thành Bưởi thuê lại. Ảnh: HTD

Bốn lần sai phạm trong năm năm của GSG

Từ năm 2017, UBND TP đã nhiều lần chỉ đạo GSG phải chấm dứt ngay hành vi cho thuê mặt bằng 419 Lê Hồng Phong và phải sử dụng khu đất này đúng mục đích sản xuất, kinh doanh. Thế nhưng hoạt động cho thuê đất trái phép của GSG vẫn tiếp diễn đến hôm nay.

Lần đầu tiên là vào cuối năm 2015, UBND quận 10 phát hiện GSG ký hợp đồng cho thuê đất năm năm với Công ty Thành Bưởi, mục đích cho doanh nghiệp này kinh doanh bãi xe, vận chuyển khách và hàng hóa. Việc này được xác định là sai phạm và cơ quan chức năng buộc GSG chấm dứt hợp đồng cho thuê.

Tuy nhiên, sau đó công ty này đã chuyển hợp đồng thuê thành hợp tác kinh doanh với Thành Bưởi. UBND quận khẳng định hợp đồng này thực chất vẫn là hợp đồng cho thuê nhà, xưởng thu tiền hằng tháng. Tháng 6-2017, Thanh tra Sở TN&MT đã vào cuộc và xử phạt GSG hơn 720 triệu đồng do sử dụng đất sai mục đích.

Lần ba, cũng trong năm 2017, UBND TP đã ra văn bản yêu cầu GSG phải chấm dứt ngay hành vi cho thuê đất trái phép. Trường hợp tiếp tục sử dụng đất không đúng mục đích hoặc giảm nhu cầu sử dụng đất sẽ bị thu hồi. Sau lệnh xử phạt và công văn chỉ đạo của TP, GSG vẫn bất chấp.

Lần bốn, năm 2018, khi các báo đưa tin việc GSG cho thuê trái phép khu đất công, UBND quận và Sở TN&MT lại vào cuộc kiểm tra và xác nhận thực trạng trên.

Đến nay, theo tìm hiểu của chúng tôi, Công ty Giày Sài Gòn vẫn tiếp tục gia hạn hợp đồng cho Thành Bưởi thuê đất từ 16-10-2018 đến 15-10-2019 với số tiền 440 triệu đồng/tháng. Điều đó cho thấy GSG suốt từ năm 2015 đến nay chưa khi nào ngừng cho thuê đất trái phép, trục lợi từ chính sách của Nhà nước, gây lãng phí, thất thoát nguồn tài nguyên.

Nhận định về trường hợp này, luật sư Huỳnh Đức Hữu, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho rằng TP cho GSG thuê khu đất 419 Lê Hồng Phong là để sản xuất, kinh doanh và không được quyền cho thuê lại hoặc cho bên thứ ba thuê nếu không có sự đồng ý của UBND TP. Do đó, việc GSG lấy đất cho bên thứ ba thuê là sai.

Thứ hai, khu đất này GSG thuê đất của Nhà nước với giá 1,3 tỉ đồng/năm nhưng cho thuê lại tới gần 5,3 tỉ đồng/năm. Như vậy, số tiền chênh lệch này GSG dùng vào việc gì? Nếu số tiền chênh lệch này không được trả về ngân sách mà dùng vào mục đích nào đó thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngay cả khi thời hạn cho thuê chưa hết nhưng doanh nghiệp không sử dụng đúng mục đích, cộng với yêu cầu quy hoạch thì TP có quyền thu hồi đất để phục vụ mục đích công cộng.
 

DiaOcOnline.vn – Theo PLO