Top

Quy hoạch khu kinh tế Thanh Thủy

Cập nhật 10/07/2010 14:10


Quy hoạch KKT Thanh Thủy trở thành một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, du lịch có hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại
Khu kinh tế (KKT) cửa khẩu Thanh Thủy (Hà Giang) sẽ trở thành KKT tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực bao gồm: Thương mại - Dịch vụ - Du lịch - Công nghiệp - Nông lâm nghiệp, tạo thành khu vực thu hút đầu tư, có sức cạnh tranh và bền vững.

Nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng KKT Thanh Thủy đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1054/QĐ-TTg.

Theo đó, KKT này sẽ là cửa ngõ giao thương quốc tế, đầu mối giao thông, xuất - nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ quan trọng trên trục liên kết quốc lộ 2, góp phần phát triển thương mại dịch vụ giữa miền Bắc - Việt Nam với tỉnh Vân Nam - Trung Quốc và với các nước trong khu vực.

Đây cũng là một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, du lịch có hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại và có vị trí quan trọng về an ninh, quốc phòng.

Được quy hoạch trên phạm vi 7 xã: Thanh Thủy, Phương Tiến, Thanh Đức, Xín Chải, Lao Chải, Phong Quang (huyện Vị Xuyên) và xã Phương Độ (thị xã Hà Giang), quy mô dân số của KKT đến năm 2015 khoảng 17-18 nghìn người và sẽ tăng lên 35-40 nghìn người vào năm 2030 (trong đó lao động khoảng 18-20 nghìn người). Về quy mô đất đai, đến năm 2030 quy hoạch 1,6-1,8 nghìn ha đất xây dựng các khu chức năng, 20-22 nghìn ha đất sinh thái nông lâm nghiệp và 550-600 ha đất dự trữ.

Về tổ chức không gian, Thủ tướng chỉ đạo đề xuất cấu trúc phát triển và cơ cấu phân khu chức năng cụ thể của KKT bao gồm: Khu phi thuế quan, khu chế xuất, khu công nghiệp, khu giải trí, khu du lịch, khu đô thị và các khu dân cư, khu hành chính và các khu chức năng khác.

Thủ tướng chỉ đạo, căn cứ vào quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy phạm ban hành về quy hoạch xây dựng, khả năng quỹ đất cho phép... để lập đồ án Quy hoạch chung KKT theo hướng đồng bộ về kết cấu hạ tầng, hiện đại, bảo đảm phù hợp với điều kiện, tính chất của đô thị loại IV trong tương lai. Đồng thời, xác định các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư phù hợp với dự báo nguồn lực; đề xuất các giải pháp thực hiện quy hoạch chung xây dựng KKT.

Việc lập đồ án quy hoạch sẽ được thực hiện từ nay đến hết năm 2010.

Trước đó, ngày 26/11/2009, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định số 136/2009/QĐ-TTg về việc thành lập KKT cửa khẩu Thanh Thủy.

Có thể nói, với các chính sách ưu tiên, ưu đãi đầu tư theo Nghị định 29/2008/NĐ-CP quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất, KKT; cùng với Quyết định 33/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách tài chính đối với KKT cửa khẩu…, KKT cửa khẩu Thanh Thủy sẽ tháo gỡ được những khó khăn về vốn đầu tư xây dựng.

Bởi lẽ, ngoài nguồn vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng, cấp thiết; vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước... nguồn vốn còn được huy động từ doanh nghiệp và người dân thông qua các dự án đầu tư trực tiếp; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, kể cả việc áp dụng các hình thức đầu tư xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT)…

DiaOcOnline.vn - Theo Website Chính Phủ