Quy định cốt nền xây dựng: Chỉ là một trong nhiều giải pháp chống ngập

Cập nhật 16/12/2008 10:55

Đồ án quy hoạch vùng đô thị TPHCM vừa mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó quy định cốt xây dựng khống chế (cốt nền xây dựng tối thiểu) của TPHCM là 2,05m. Vấn đề này đang làm rất nhiều người dân thành phố băn khoăn. Vậy, như thế nào là cốt nền xây dựng? Nếu nhà xây dựng “lỡ” dưới 2,05m có sao không?... Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này với bà Phạm Thị Thanh Hải, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch thuộc Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM.

Khống chế có tính đến khả năng thoát nước

* Thưa bà, phải hiểu như thế nào về cốt nền xây dựng của TPHCM là 2,05m?

Quy hoạch chiều cao nền xây dựng hay còn gọi là quy hoạch cốt nền xây dựng là một phần trong nội dung “chuẩn bị kỹ thuật” của ngành quy hoạch xây dựng. Sản phẩm nghiên cứu của chuyên ngành này chính là hệ thống cốt nền xây dựng mà trong quy hoạch chung gọi là cốt xây dựng khống chế, còn trong quy hoạch chi tiết gọi là cốt xây dựng.

Nên hiểu và nói cho đúng là cốt nền xây dựng chứ không nên nói một cách chung chung là cốt san nền; vì cũng là hệ thống cốt nền xây dựng nhưng ở mức cốt khống chế xây dựng thì không mang ý nghĩa là cốt san nền, mà chỉ là định hướng khống chế cho việc tính toán hệ thống cốt xây dựng ở các đồ án quy hoạch chi tiết và các công trình xây dựng.

Như vậy, cốt xây dựng khống chế chính là mực nước thiết kế trung bình cao cộng với 0,5m đối với khu vực được quy hoạch phát triển công nghiệp và cộng với 0,3m đối với quy hoạch khu dân cư. Cốt xây dựng khống chế phải lấy mực nước thiết kế trung bình làm căn cứ tính toán, bởi vì điều này sẽ đảm bảo cho công trình không bị ngập. Còn cốt xây dựng hay là cốt san nền chính là cốt xây dựng khống chế có tính đến đặc điểm từng khu vực và hướng thoát nước cụ thể của khu vực đó. Quy hoạch chung vùng đô thị TPHCM có quy định cốt xây dựng là 2,05m, thì có nghĩa các công trình xây dựng ở TPHCM tối thiểu phải theo cao độ này. Nếu có những chọn lựa khác thì phải có các giải pháp để chống ngập.

* Những chọn lựa khác ở đây là những việc gì, thưa bà?

Đó là, ví dụ như có những khu vực vì lý do tôn tạo cảnh quan, người ta có thể muốn tôn nền cao hơn cao độ xây dựng khống chế, thì phải tính toán đến việc thoát nước sao cho không ảnh hưởng xấu đến các khu vực xung quanh, cụ thể là phải có giải pháp thoát nước phù hợp để nước không tràn xuống gây ngập các khu vực lân cận. Ngược lại, có những khu vực đô thị hiện hữu có cao độ thấp hơn cao độ này, thì có thể phải chọn giải pháp xây dựng đê bao hoặc trạm bơm… Việc tính toán hướng thoát nước còn phải căn cứ vào hướng thoát nước chung của cả khu vực.

Chủ yếu là để chống ngập

* Như vậy, quy định cốt xây dựng chủ yếu là để chống ngập?

Về cơ bản là thế, nhưng như tôi đã nói ở trên, việc chống ngập còn phải được tính toán trên cơ sở hướng thoát nước chung của cả khu vực.

* Thưa bà, nếu xây dựng nhà ở với cao trình từ 2,05m trở lên thì chắc chắn không bị ngập?

Đúng vậy, trừ tình huống nhà của bạn bị những công trình lân cận xây ở cao trình cao hơn, nhưng lại không có cách giải quyết thoát nước hợp lý làm “đổ nước” đến ngôi nhà của bạn.

* Hiện nay, rất nhiều khu vực ở TPHCM thấp hơn 2,05m. Vì vậy, để chống ngập, người dân nơi đây phải làm đê, đặt bơm… nếu không muốn tôn nền lên tới cao trình 2,05m?

Những khu dân cư thấp hơn cốt xây dựng mà chưa hoặc không thể có điều kiện tôn nền cao lên, thì có thể chống ngập bằng giải pháp đê bao hoặc bơm nước. Tất nhiên, điều này khó có thể thực hiện được ở từng nhà dân riêng lẻ, mà phải được thực hiện đồng bộ ở từng khu dân cư và chính quyền địa phương chủ trì thực hiện.

* Tại sao cốt xây dựng trong quy hoạch chung vùng đô thị TPHCM lại cao đến như vậy, thưa bà?

Tôi không thể trả lời thay tác giả đồ án. Tuy nhiên, tôi nghĩ trước đây trong đồ án quy hoạch chung và quy hoạch tổng thể thoát nước của TPHCM đến năm 2020, cốt xây dựng thành phố cũng đã là 2.0m rồi, và trước nguy cơ trái đất nóng lên, mực nước biển dâng cao, thì quy định cốt xây dựng như vậy là hợp lý để chống ngập cho TPHCM.

* Thưa bà, trước đây TPHCM đã có cốt xây dựng hay chưa?

Hệ thống cốt nền xây dựng khống chế đã được nghiên cứu trong các đồ án quy hoạch chung của thành phố và các quận-huyện được duyệt từ năm 1998-2000 và mới đây được thực hiện thí điểm tại 3 quận: Tân Bình, Tân Phú và quận 2. Tuy nhiên, hiện nay việc áp dụng cốt xây dựng khống chế này còn nhiều bất cập. Hy vọng, có cốt xây dựng được quy định trong quy hoạch vùng đô thị TPHCM, cũng như sắp tới trong điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM và các quận-huyện đến năm 2025 mọi việc sẽ tốt hơn.

* Cảm ơn bà.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng