Top

Nhà lưu trú cho công nhân, khó trăm bề nhưng phải làm vì... rất cần thiết

Cập nhật 23/05/2019 14:00

Hoạt động của nhà lưu trú cho công nhân không có lãi, thời gian thu hồi vốn kéo dài, hiệu quả đầu tư thấp... khiến các nhà đầu tư không mấy mặn mà. Tuy nhiên, việc xây nhà lưu trú cho công nhân là cần thiết nên dù khó khăn trăm bề vẫn phải làm.

Khó… trăm bề


Chia sẻ tại tại hội thảo "Nhà ở cho công nhân tại khu công nghiệp, khu chế xuất" vừa được tổ chức ở TPHCM, ông Trần Công Khanh, Trưởng phòng Quản lý lao động, Ban quản lý các khu công nghiệp TPHCM (Hepza) cho biết, nhu cầu chỗ ở của công nhân trên địa bàn thành phố rất lớn.

Ông Trần Công Khanh cho rằng việc xây dựng các NLTCN tại các KCN là cần thiết

Hiện TPHCM có tới khoảng 260.000 công nhân đang làm việc trong các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) nhưng mới chỉ có 12 khu nhà lưu trú công nhân (NLTCN) nên hầu hết phải ở trọ với điều kiện sống chưa bảo đảm.

Ông Khanh cho rằng, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng NLTCN còn diễn tiến chậm, thậm chí nhiều đơn vị đã đầu tư thì lắc đầu ngao ngán vì gặp quá nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện. Nguyên nhân là do hoạt động của NLTCN không có lãi, thời gian thu hồi vốn kéo dài, hiệu quả đầu tư thấp do mục đích của dự án là hỗ trợ công nhân nên giá cho thuê thấp.

Không chỉ vậy, công tác quản lý NLTCN cũng khá khắt khe nên các nhà đầu tư không thể “giải phóng” được số căn hộ đã xây dựng một cách nhanh chóng. Cụ thể, việc hạn chế đối tượng cho thuê chỉ là công nhân đang làm việc tại KCX, KCN của thành phố dẫn đến tỷ lệ lấp đầy chậm. Trong khi đó, công nhân đang làm việc trong các KCN lân cận khu NLTCN lại có nhu cầu cao về chỗ ở.

Đáng chú ý, theo ông Khanh, công tác giải phóng mặt bằng (trong đó có đất bố trí để xây dựng NLTCN) còn chậm, chưa hoàn thành dẫn đến việc triển khai xây dựng NLTCN chưa kịp thời.

“Việc đăng ký tạm trú hiện nay tại công an phường khó khăn làm cho công nhân không muốn thực hiện nghĩa vụ này tại địa phương. Hiện nay, lượng công nhân đăng ký vào ở tại NLTCN ít do công ty giảm lao động và chế độ chỉ cho công nhân nữ ở tại NLTCN làm cho 1 khối nhà vẫn chưa được khai thác, dẫn đến lãng phí (trường hợp ở Công ty Nissei – KCX Linh Trung I, Thủ Đức)”, ông Khanh dẫn ra một số khó khăn trong thực hiện NLTCN.

“Giải khó” bằng cách nào?

Nhằm “tháo gỡ” khó khăn, thúc đẩy việc thực hiện NLTCN, ông Khanh cũng kiến nghị các cơ quan chức năng cần tiếp tục rà soát, ưu tiên bố trí các quỹ đất sạch, quỹ đất phù hợp quy hoạch xây dựng NLTCN. Đồng thời, cần đảm bảo tính khả thi trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và có vị trí gần KCN tập trung, thuận lợi giao thông và kết nối hạ tầng.

Mặt khác, để thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng NLTCN, TPHCM cần tiếp tục hỗ trợ vốn vay kích cầu với thời hạn cho vay dài hạn từ 10 năm trở lên. Quan trọng hơn, cần ưu tiên bố trí ngân sách Nhà nước để thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng thu hồi đất do Nhà nước quản lý, kể cả đầu tư hạ tầng kỹ thuật, nhằm tạo quỹ đất sạch để kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng NLTCN thông qua hình thức đấu thầu chọn nhà đầu tư.

Để đảm bảo cải thiện mội trường sống nói chung cho công nhân, ông Khanh đề nghị cần quan tâm đúng mức đến việc đầu tư xây dựng nhà ở song song với các công trình phúc lợi xã hội khác cho người lao động, cơ sở khám chữa bệnh, nhà trẻ, trường học, khu vui chơi, giải trí, khu thể thao…

“Việc xây dựng các NLTCN tại các KCN là cần thiết. Các NLTCN cần tạo ra sức ép cạnh tranh làm cho các nhà trọ trong khu dân cư và cả chủ đầu tư xây dựng NLTCN phải nâng cao chất lượng dịch vụ. Có như vậy, việc phát triển các NLTCN tại các KCN mới mang tính bền vững”, ông Khanh nói.
Nếu được cơ quan chức năng hỗ trợ thì nhiều công ty sẽ mạnh dạn đầu tư nhà lưu trú cho công nhân

Cũng tại hội thảo, ông Trần Đức Vinh, Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản Trần Anh Long An (Trần Anh Group) cho biết, tại Long An có KCN quy hoạch 1.800 ha, nhưng lại không có chỗ nào quy hoạch để xây nhà ở cho công nhân. Điều này dẫn đến “thiếu vắng” các nhà đầu tư đổ về các KCN, KCX.

Qua đó, ông Vinh bày tỏ mong muốn được cơ quan chức năng tại TPHCM cũng như ở Long An có một cách nào đó để giúp đỡ những doanh nghiệp bất động sản đầu tư nhà ở xã hội được tốt hơn.

Ông Vinh cũng hứa hẹn, nếu được cơ quan chức năng hỗ trợ thì công ty ông sẽ mạnh dạn đầu tư 10.000 căn hộ giáp ranh với các khu công nghiệp hiện hữu tại Long An chứ không phải chỉ dừng lại ở con số 800 căn như thời gian qua.

DiaOcOnline.vn – Theo Dân trí