Nhà chung cư: Thiếu không gian sinh hoạt

Cập nhật 13/10/2019 09:00

Ngày nay, với mật độ dân số ngày càng tăng ở các đô thị lớn thì việc xây dựng mới các khu chung cư, các nhà cao tầng ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, hầu hết các chủ đầu tư đều chỉ chú trọng đến diện tích xây căn hộ để bán mà ít chú trọng đến không gian sinh hoạt chung cho cư dân.



Hiện nay, khái niệm nhà chung cư và nhà cao tầng tại Việt Nam đã được thể hiện rõ tại hai văn bản quy phạm pháp luật là Luật Nhà ở số 65/014/QH13 và TCVN 9363:2012 về Khảo sát cho xây dựng – khảo sát địa kỹ thuật cho nhà cao tầng. Trong đó định nghĩa: “Nhà chung cư là nhà ở từ 2 tầng trở lên, có nhiều căn hộ, có lối đi, cầu thang chung, có phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung và hệ thống công trình hạ tầng sử dụng chung cho các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức, bao gồm nhà chung cư được xây dựng với mục đích để ở và nhà chung cư được xây dựng có mục đích sử dụng hỗn hợp để ở và kinh doanh” và “Nhà cao tầng là nhà ở và các công trình công cộng có số tầng lớn hơn 9”. Từ xa xưa, sự ra đời của nhà chung cư, nhà cao tầng nhằm giải quyết vấn đề khan hiếm đất đai và giảm chi phí xây dựng, khống chế sự phát triển theo chiều dọc và kiểm soát sự mở rộng nhanh chóng của đô thị.

Khi một số khu đô thị cao tầng được xây dựng, với sự hấp dẫn của nó đã khiến trào lưu xây dựng các công trình cao tầng phát triển mạnh mẽ ở các nước đã và đang phát triển. Hiện nay, nhà cao tầng kết hợp trung tâm thương mại và nhà ở là giải pháp hữu hiệu cho việc giải quyết vấn đề nhà ở tại các đô thị lớn và đồng thời thể hiện cảnh quan cũng như sự phát triển của một đô thị.

Trong quy hoạch đô thị, các nhà cao tầng, tòa chung cư là phương án hữu ích để giải quyết tình trạng “đất chật, người đông”. Hơn nữa, nhiều nhà cao tầng được quy hoạch đồng bộ sẽ đem lại diện mạo mới cho đô thị, quy hoạch mô hình đô thị tập trung với nhiều tiện ích, cơ sở vật chất, giảm tối đa khoảng cách đi lại cũng như giải quyết được nhiều nhu cầu của khách hàng.

Mặc dù những lợi ích mà nhà cao tầng, chung cư đem lại cho một đô thị nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều bất cập vẫn còn tồn tại đó chính là không gian sinh hoạt chung cho cư dân.

Sân chơi cho trẻ em thiếu hụt đôi khi người lớn muốn có chỗ đi bộ cũng không có mà nhường vào đó là chỗ đỗ xe máy, ô tô hoặc là những quán café, quán ăn, mua sắm…. của các hộ kinh doanh đã được chủ đầu tư cho thuê.

Bên cạnh những công trình nhà cao tầng thành công thì rất nhiều công trình chạy theo lợi nhuận không chú ý đến chất lượng cuộc sống, môi trường, khí hậu... Nghiêm trọng hơn, việc xây dựng vượt quá tầng cao so với thiết kế để tăng lợi nhuận đã khiến khu chung cư cao tầng thành những cỗ máy tiêu thụ năng lượng và đặc biệt hơn gây nguy hiểm chính kết cấu móng cùng công trình cũng như sự an toàn của người dân sống xung quanh. Nhiều nhà cao tầng tại các đô thị Việt Nam chưa đáp ứng đầy đủ như sự đi lại, giao lưu trong cộng đồng, các hoạt động giải trí, thể thao... khiến cho con người sống trong đó bị có cảm giác thiếu thốn, ngột ngạt... Vấn đề vi khí hậu cho các căn hộ cũng chưa giải quyết tốt, mảng công trình xanh giữa con người với thiên nhiên ngày càng ít dần và bị thay thế bởi những bức tường bê tông.

Việc những tòa nhà cao tầng xây chen chúc nhau, bổ sung quá đông người cư trú tại một số địa điểm cũng là nguyên nhân gây ách tắc giao thông vào những giờ cao điểm khi những đoạn đường nhỏ, tuyên phố chật hẹp, những ngõ bé nhưng lại có hàng chục chung cư, tòa nhà cao tầng ở đó.

Vẫn biết, việc xây dựng tòa nhà chung cư là giải pháp nhằm giải quyết chỗ ở cho nhiều người dân, góp phần tiết kiệm quỹ đất và làm tăng diện tích cây xanh cũng như công trình công cộng. Song một trong những vấn đề tồn tại trong quy hoạch kiến trúc và xây dựng nhà cao tầng ở các đô thị lớn Việt Nam vẫn là thiếu không gian chung cho sinh hoạt cộng đồng. Thực tế là những không gian trống này thường được thiết kế ở ngách giữa hai tòa nhà hoặc trước các sảnh của tòa nhà nên diện tích hầu như không lớn, chủ đầu tư "không thèm quan tâm" đến phần diện tích này.

DiaOcOnline.vn – Theo Petrotimes