Top

Nghị định 71: Doanh nghiệp vẫn còn vướng

Cập nhật 01/09/2010 16:35

Để hoàn thiện Thông tư quy định và hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định 71 về luật nhà ở, ngày 31.8, Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP.HCM tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Thông tư quy định và hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định này. Mặc dù đã có nhiều thay đổi tích cực hỗ trợ cho doanh nghiệp nhưng Nghị định 71 vẫn còn hạn chế gây vướng, cần tháo gỡ.


Một góc Hội thảo góp ý dự thảo Thông tư quy định và hướng dẫn thực hiện một số nội dung Nghị định số 71/CP. Ảnh: T.K

Một trong những điều gây băn khoăn đầu tiên được đề cập đến trong hội thảo là quy định sở hữu "riêng chung". Theo đại diện Công ty Bất động sản Phát Đạt, trong việc xác định sở hữu "riêng chung" thì trong Nghị định sở hữu riêng được tính từ tim tường nhưng dự thảo Thông tư lại quy định tường phân ranh là sở hữu chung. Hướng dẫn trong Thông tư sẽ giúp cho doanh nghiệp đỡ khó khăn hơn nhưng lại dẫn đến lo ngại về giá trị pháp lý. Bởi vì nếu so với Nghị định, Thông tư không có giá trị pháp lý tương đương…

Đại diện Công ty Đất Xanh thì cho rằng vấn đề huy động vốn 20% trước khi qua sàn chỉ đăng ký một lần dễ xảy ra nhiều vấn đề. Như trong tình huống nếu khách hàng nữa chừng rút vốn hoặc không tham gia sau khi đã đăng ký thì xử lý như thế nào? Công ty không thể huy động vốn khác thay thế do phải đăng ký tên hai lần.

Cũng trong buổi hội thảo, PGS. TS Nguyễn Văn Hiệp, Phó giám đốc Sở Xây Dựng TP. HCM cũng đưa ra các kiến nghị, làm rõ nội dung của thông tư như cách thức xử lý chủ đầu tư cấp một đã chuyển nhượng trên 20% sản phẩm tính đến 8.8 và những dự án đã chuyển nhượng cho chủ đầu tư cấp hai, họ có được chuyển 20% số lượng của dự án không? Bán sản phẩm khi thi công xong móng có cho “bán sĩ” không (dù vẫn qua SGD)? Việc ủy quyền quản lý, sử dụng, trông coi, bán, thuê…đã thực hiện trước 8.8 liệu có còn hiệu lực?

Ngoài những phân vân về việc xử lý những vấn đề đã và đang thực hiện trước khi Nghị định có hiệu lực, các đại biểu còn kiến nghị nên hạn chế phần công chứng khi chuyển nhượng hợp đồng huy động vốn. Về việc này, ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Thuduc House, cũng cho rằng không cần thiết thêm phần công chứng trong hợp đồng chuyển nhượng nhà ở hình thành trong tương lai của khách hàng vì chỉ làm phát sinh công việc cho các bên liên quan.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành cũng góp ý việc xin giấy phép xây dựng còn nặng tính xin - cho nên đơn giản hóa thủ tục để dễ dàng cho cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Thêm vào đó, sở hữu riêng chung nên tính hết tường và giao cho người dân kèm theo chế tài là không được đập phá làm hỏng tường… như trường hợp mua xe là sở hữu riêng nhưng chủ xe không được thay đổi màu sơn cũng như biển số…

Trả lời cho những ý kiến và góp ý, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, ghi nhận những ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp. Theo ông Hà, thông tư là phần hướng dẫn thêm để cho doanh nghiệp hiểu hơn về Nghị định. Nghị định 71 đã tháo gỡ nhiều điểm cơ bản giúp doanh nghiệp, cụ thể như vấn đề huy động vốn. Trước đây theo Nghị định 90, Luật Kinh doanh BĐS thì doanh nghiệp chỉ được huy động vốn khi đã xây dựng móng, còn hiện nay doanh nghiệp được huy động 20% trước khi khởi công móng. Phần công chứng vẫn phải thực hiện giữa các cá nhân chuyển nhượng cho nhau để tạo cơ sở pháp lý để cơ quan quản lý dễ quản. Theo ông, những ý kiến đóng góp này sẽ được chọn lọc và đưa vào bảng góp ý dự thảo để trình Bộ trưởng.

Mặc dù có nhiều điểm tiến bộ như gỡ rối về huy động vốn, mong muốn minh bạch hóa mọi thủ tục mua bán nhà đất thông qua hoạt động công chứng đầy đủ, đẩy mạnh vai trò nhà quản lý… Tuy nhiên rõ ràng Nghị định vẫn còn vướng mắc cần tháo gỡ. Thiết nghĩ, cơ quan quản lý cần có những điều chỉnh để gỡ vướng cho doanh nghiệp, tạo đà thúc đẩy thị trường hồi phục và phát triển.

Tuấn Kiệt - DiaOcOnline.vn