Top

Lo đô thị Huế biến dạng

Cập nhật 08/05/2019 13:00

Đồ án thiết kế đô thị 3 tuyến đường trung tâm TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế đang gây ra nhiều tranh luận mà theo giới chuyên gia là sẽ làm cho Huế bị biến dạng

Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết hồ sơ tổng hợp ý kiến góp ý đồ án thiết kế đô thị (TKĐT) các trục đường Lê Lợi - Hùng Vương - Nguyễn Huệ nằm ở trung tâm TP Huế với tổng chiều dài 5,8 km, đang được đơn vị tư vấn hoàn chỉnh để báo cáo UBND tỉnh.

Xây dựng "tam giác" sầm uất

Đồ án trên do Viện Nghiên cứu thiết kế đô thị thuộc Viện Quy hoạch đô thị và Nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) thực hiện. Ông Hoàng Hải Minh, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết mục tiêu và ý nghĩa của đồ án nhằm cụ thể hóa đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch phân khu trung tâm phía Nam TP Huế.

Theo đồ án, tuyến đường Lê Lợi sẽ hình thành trung tâm dịch vụ du lịch đáp ứng tiêu chuẩn khi TP Huế trở thành trung tâm giao lưu kinh tế và thành phố lễ hội. Theo đó, sẽ tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan khu vực cửa ngõ hấp dẫn, ấn tượng. Cụ thể, ở đoạn giao nhau từ đường Phan Bội Châu đến đường Hà Nội có tính chất văn hóa, giáo dục, y tế, thiết kế sẽ dựa trên cơ sở bảo tồn, tôn tạo các công trình kiến trúc có giá trị. Trong đó, đáng chú ý là trụ sở của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ trở thành bảo tàng nghệ thuật.

Đoạn từ đường Hà Nội - Đội Cung có tính chất dịch vụ - du lịch, giáo dục với việc biến 6 trụ sở làm việc của các hội, ngành tại đây thành các khối khách sạn 5 sao, cao 9 tầng. Còn đoạn từ đường Đội Cung đến Đập Đá, mục tiêu là tạo dựng hình ảnh đoạn phố sầm uất với các hoạt động dịch vụ du lịch đa dạng. Đối với khách sạn Hương Giang, Century nằm bên sông Hương, có 2 phương án kiến trúc, trong đó phương án thứ nhất là tạo hình công trình hợp khối, cao từ 10 - 12 tầng.

Đường Hùng Vương cũng được đưa ra 2 phương án thiết kế, trong đó phương án 1 có tính chất tổ hợp dịch vụ, thương mại văn phòng, nhà ở nhằm biến nó trở thành tuyến phố năng động, hiện đại. Đường Nguyễn Huệ chia ra làm 4 phân đoạn để trở thành tuyến phố thương mại, dịch vụ sôi động, ấn tượng, hấp dẫn. Một số trụ sở làm việc ở đường này sẽ được di dời, nhường đất xây dựng các khách sạn 4-5 sao, nhà phố thương mại phục vụ du lịch hoặc tổ hợp dịch vụ - thương mại - văn phòng với hình thức kiến trúc hiện đại.

Theo đồ án, trụ sở UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ thành bảo tàng nghệ thuật

"Họ chẳng hiểu gì cả!"

Theo đánh giá của Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế, đồ án đang trong giai đoạn xây dựng ý tưởng sơ bộ nhưng chất lượng khá tốt, mang nhiều ý tưởng đột phá. Sau khi được phê duyệt, đồ án sẽ là căn cứ để xây dựng chỉnh trang, phát triển đô thị và sớm phát triển các trục đường trở thành địa điểm du lịch, thương mại sầm uất của TP Huế.

Dù vậy, giới chuyên gia lại lo ngại đồ án này sẽ làm cho Huế bị biến dạng. KTS Huỳnh Quang, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế, đánh giá đồ án này chưa được nghiên cứu thấu đáo. "Xem đồ án thấy họ thay đổi, yêu cầu hiện đại, hoành tráng, chứng tỏ họ chẳng hiểu gì cả về đô thị Huế. Họ không hiểu về quy hoạch. Thay đổi quy hoạch đã khống chế rồi là không thể, phải tuân thủ quy hoạch phía Nam TP Huế mà Thủ tướng đã phê duyệt. Trước đây, việc cho phép nâng chiều cao khách sạn Century từ 4 tầng lên 6 tầng đã bị phản ứng, bây giờ muốn nâng khách sạn này với khách sạn Hương Giang lên 10-12 tầng, hình khối là không đúng với quy hoạch đã được duyệt" - ông Quang thẳng thắn.

Mặt khác, ông Quang cho rằng ở 3 tuyến đường này quỹ đất cũng không nhiều, đặc biệt là ở đường Lê Lợi với chỉ vài trụ sở nhà nước có diện tích hẹp. "Quỹ đất hẹp nên tôi cho rằng nên thu hút những loại hình kinh doanh đẳng cấp nhất mới có hiệu quả. Nhà tư vấn cũng chỉ nên gợi ý thôi, đừng đi vào cụ thể mà hãy để nhà đầu tư tự có định hướng kinh doanh" - KTS Huỳnh Quang lưu ý thêm.

Di dời 111 trụ sở công để tạo quỹ đất

HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa thông qua nghị quyết về phương án "Bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất" đối với 111 trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp dôi dư sau khi sắp xếp lại, xử lý tài sản công. Trong đó có 24 cơ sở nhà, đất thuộc quyền quản lý cấp tỉnh được đưa vào phương án bán, chuyển nhượng lần này với 5.478 m2 đất và 30.835 m2 nhà nằm ở các khu "đất vàng" đường Lê Lợi, Lê Quý Đôn, Hùng Vương, Nguyễn Huệ... thuộc trung tâm TP Huế. Ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, khẳng định tỉnh muốn tạo những vị trí thuận lợi nhất từ các khu "đất vàng" này nhằm thu hút đầu tư.
 

DiaOcOnline.vn – Theo Người lao động