Top

Khu Phan Xích Long, Tạ Uyên sẽ là trung tâm ẩm thực

Cập nhật 19/09/2018 08:27

TP.HCM sẽ có trung tâm ẩm thực, bảo đảm an toàn thực phẩm, đồng thời tạo điểm nhấn thu hút khách về đêm.

“Một trong những trách nhiệm của Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam là tư vấn hỗ trợ giúp cho TP.HCM quy hoạch xây dựng, lại những sản phẩm văn hóa ẩm thực trên địa bàn thành phố. Chúng tôi đã làm việc sơ bộ với Sở Du lịch TP.HCM và đề nghị lấy khu vực Phan Xích Long, Tạ Uyên (Chợ Lớn) hoặc một khu nào đó thích hợp trở thành khu phố ẩm thực chính”  - đây là thông tin ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam, cho biết tại buổi công bố chính thức đi vào hoạt động của hiệp hội này.

Theo ông Kỳ, với sự hình thành khu phố ẩm thực như vậy, TP.HCM có được trung tâm ẩm thực bảo đảm an toàn thực phẩm, một sản phẩm du lịch để các công ty du lịch đưa khách đến. Đồng thời, tạo điểm nhấn thu hút khách về đêm của thành phố trong thúc đẩy phát triển du lịch. Qua đó tạo ra thế mạnh thu hút cạnh tranh du lịch TP.HCM.

Vì sao chọn khu Phan Xích Long hay Tạ Uyên làm khu phố ẩm thực?

Theo ông Kỳ, vấn đề quan trọng là khu Phan Xích Long có sẵn không gian lớn rộng có thể phân thành phân khu, quy hoạch điều chỉnh lại. Hiện nay, đang cho phát triển đại trà, dẫn đến sự phát triển tự phát. Nếu quản lý tốt sẽ phát huy thế mạnh của nó. Vì vậy, hiệp hội mong muốn nhanh chóng làm sớm chuyện này.

Ông Kỳ kể, trong cuộc họp vừa qua, lãnh đạo TP.HCM rất hoan nghênh và chỉ đạo Sở Du lịch phải bàn ngay với hiệp hội để có thể đánh giá, xây dựng quy hoạch lại khu đó. Không nhất thiết khu vực đó cứ là nhà hàng Hoa, nhà hàng Nhật, nhà hàng Việt mà  hãy để nó phát triển một cách đồng bộ nhưng phải có quy hoạch lại để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, an ninh, môi trường kinh doanh trật tự…

Như vậy, các khu ẩm thực này không nhất thiết chỉ có các món ăn Việt?

Ông Kỳ kể tiếp, hôm trước khi đưa cà phê là món uống đặc trưng của Việt Nam để quảng bá, một lãnh đạo của hiệp hội phản ứng quyết liệt. Vị này bảo rằng cà phê là thức uống của Pháp nếu quảng bá là của Việt Nam là ... tầm bậy (!?). Nói đến thức uống của Việt Nam là nước trà, nước vối, nước chè. Tuy nhiên, với sự giao thoa văn hóa hiện nay, việc người nước ngoài chấp nhận món ăn Việt và coi nó như là món ăn bản xứ của họ là chuyện bình thường. Chẳng hạn, hiện nay món phở, do người Hàn Quốc đứng bếp nấu, họ vẫn coi là món ăn hằng ngày. Phở đã được họ chấp nhận đồng hóa với món ăn địa phương. Việt Nam cũng vậy, theo bước chân người nước ngoài vào vô hình trung những văn hóa du nhập từ nước ngoài vào đã được điều chỉnh thành của Việt Nam, thế mạnh của Việt Nam.

“Bánh mì là món ăn đường phố nổi tiếng của Việt Nam nhưng bánh mì là của người Pháp mang vào. Giao thoa văn hóa sẽ tạo ra những sản phẩm mà được địa phương hóa, trở thành những món ăn địa phương nổi tiếng. Do đó, chúng ta không thể nhìn nhận một chiều được” - ông Kỳ nói.

An toàn thực phẩm được quan tâm đối với ẩm thực đường phố

Cần quy hoạch lại ẩm thực đường phố

Ông Kỳ cho rằng văn hóa ẩm thực đường phố rất quan trọng giúp cho du khách khi đến nơi nào đó ở lại lâu hơn, người dân địa phương tham gia hoạt động tích cực tự nguyện, giúp tăng nguồn thu cho địa phương, giúp tiêu thụ được nguồn nông sản Việt. Tuy nhiên, cần phải thận trọng vì nếu không quy hoạch tốt trở, nét văn hóa này trở thành nguồn gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm an toàn an ninh… Cho nên ẩm thực đường phố cần phải quy hoạch phân khu chức năng, sắp xếp thận trọng để vừa đảm bảo an toàn cho du khách, đảm bảo an ninh môi trường, an toàn thực phẩm. Nếu đảm bảo các yếu tố này thì ẩm thực đường phố mới tồn tại phát triển lâu dài.

Ngoài ra, đại diện hiệp hội văn hóa ẩm thực Việt Nam nhìn nhận bề nổi ẩm thực đường phố là nơi phô diễn phong cách, sự khác biệt cũng như đặc sắc về cách thức ăn uống của dân tộc. Nhìn vào đó người ta hiểu được trình độ văn minh của dân tộc như thế nào chứ không chỉ là nơi bán hàng, bán các món ăn vặt. Tầm nhìn là như vậy.

“Vì vậy, qua đó cũng hể hiện mong muốn của hiệp hội là biến văn hóa ẩm thực thành vấn đề thương hiệu quốc gia. Đấy là giá trị lâu dài cơ bản, chính cái đó thể hiện xã hội văn minh, giàu có về phát triển kinh tế. Về giải pháp mà hiệp hội nhấn mạnh đến là xã hội hóa, toàn dân chứ không chỉ dành cho thành viên hiệp hội”  - ông Lê Tân, Phó chủ tịch Hiệp hội văn hóa ẩm thực chia sẻ.

Trong khi đó, TS Nguyễn Nhã, đặt vấn đề vì sao luật đưa ra các quy định về ATTP mà càng ngày thì sự độc hại càng phát triển.

TS Nhã cho rằng Việt Nam có nhiều khác biệt so với các nước trên thế giới, nếu không giải quyết những gì khác biệt đó, sẽ không đi đến đâu.

Thứ nhất ở các nước những gì mua hay bán như hóa chất không phải ai cũng mua ai cũng bán, còn Việt Nam thì tha hồ mua bán.

Thứ hai là Việt Nam qua chiến tranh có nhiều nơi không có đất và nước an toàn. Một loại thực phẩm khi nuôi trồng đảm bảo an toàn mà bản thân nước đó, đất đó không an toàn làm sao có thực phẩm sạch. Việt Nam sẵn sàng bán những gì người ta không ăn và ăn những gì không bán. Nên rằng nhớ hiện nay không phải tất cả thực phẩm là “sạch” hết.

“Theo tôi giải pháp cụ thể là hiệp hội cần làm chuẩn và làm thí điểm. Ví dụ hiệp hội chọn những nhà hàng sạch từ thực phẩm, bếp sạch, có tiêu chuẩn đàng hoàng và được cấp giấy chứng nhận. Ta phải làm từng bước, khi đạt chuẩn rồi, có sự cạnh tranh giữa các DN, những DN làm “sạch” chuẩn sẽ tăng dần lên. Hiệp hội có thể làm được điều này. Vì vậy, tôi từng phát biểu hiệp hội ra đời là bước ngoặt của lich sử, không phải chỉ xây dựng thương hiệu quốc gia mà là vấn đề an toàn có thề giải quyết được” TS Nhã nói.  

Hiệp hội văn hóa ẩm thực thừa nhận vấn đề an toàn thực phẩm rất được quan tâm và phải kiểm soát từ đầu vào. Hiện nay hiệp hội có đa dạng thành viên ngoài các nghệ nhân, nhà sử học… còn có những người sản xuất nông nghiệp hữu cơ, có khả năng cung cấp thực phẩm sạch… Trong quá trình kết nạp hội viên hiệp hội cũng chú ý tiêu chí đầu vào là DN sản xuất, cung cấp thực phẩm “sạch”.

DiaOcOnline.vn - Theo PLO