Hạ tầng kìm hãm dịch vụ phát triển

Cập nhật 07/07/2019 16:30

TP.HCM là một siêu đô thị, đóng góp cho ngân sách, tăng trưởng, dân số nhiều nhất nước... nhưng hạ tầng giao thông, hạ tầng dịch vụ phát triển không tương xứng đã kìm chân TP phát triển.

Hệ thống hạ tầng được đầu tư sẽ giúp các ngành dịch vụ phát triển - ẢNH: ĐỘC LẬP

Đó là những ý kiến đưa ra tại hội thảo quốc tế “Phát triển dịch vụ của TP.HCM và định hướng quy hoạch, phát triển hạ tầng dịch vụ của TP giai đoạn 2020 - 2030” do UBND TP.HCM tổ chức ngày 3.7. Quá tải hạ tầng

Là ngành chịu tác động của hệ thống hạ tầng, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch dự báo đến 2020 TP.HCM sẽ nằm trong top 3 TP bùng nổ về du lịch. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông và kết nối hiện rất khó khăn. Điển hình là 85% khách du lịch đến TP.HCM bằng đường hàng không nhưng sân bay Tân Sơn Nhất thì kẹt cứng trong khi sân bay Long Thành chậm được triển khai. Nhiều hãng hàng không xin mở đường bay đến TP nhưng không được đáp ứng vì hạ tầng không đảm bảo. Kênh rạch TP.HCM rất nhiều, nhưng không khai thác được do không có quy hoạch bến đậu, cầu cảng... Hiện ngành du lịch hội nghị đang bùng nổ, TP.HCM được xem là một điểm đến nhưng TP không có địa điểm tổ chức.

TP.HCM chưa đặt quy hoạch hạ tầng dịch vụ đúng mức để giúp chủ động trong tăng trưởng kinh tế

"Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân"


Đại diện Sở Công thương cho biết số lượng về chợ, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi của TP.HCM dẫn đầu cả nước. Hiện 75% đơn vị cung cấp dịch vụ logistics của VN đặt tại TP.HCM, khối lượng vận chuyển hàng hóa của TP chiếm 40% của vùng, đóng góp 35% doanh thu vận tải kho bãi của cả nước. Thế nhưng đến nay TP vẫn chưa có trung tâm logistics đáp ứng các tiêu chí và phương án quy hoạch theo quy hoạch của TP cũng như của cả nước. Mỗi năm TP tổ chức 600 hội chợ, triển lãm thương mại nhưng chỉ có 1 trung tâm triển lãm ở Q.7 đạt yêu cầu 10.000 m2, còn lại phải tận dụng mặt bằng khắp nơi để tổ chức. Do vậy, để có hệ thống hạ tầng phục vụ thương mại, TP cần dành tối thiểu hơn 1,8 triệu m2 đất, với tổng số vốn đầu tư 300.000 tỉ đồng.

Bài học từ các nước

Từng thành công trong quy hoạch, phát triển đô thị, trong đó có hạ tầng dịch vụ, nhiều chuyên gia trên thế giới đã chia sẻ kinh nghiệm, hiến kế cho TP.HCM. Ông Zhiyu Jerry Chen, chuyên gia cao cấp Ngân hàng Thế giới, cho rằng phát triển của TP vượt ra ngoài địa giới hành chính mà “lan” sang các tỉnh lân cận. Mặc dù vậy, hệ thống hạ tầng, nhất là đường sá tại TP.HCM rất ít so với các TP khác như Bangkok (Thái Lan) hay Seoul (Hàn Quốc). Đây là nút thắt cổ chai làm hạn chế phát triển kinh tế của TP. Chính vì vậy, cần đầu tư hạ tầng cứng và mềm. Hạ tầng cứng là đường sá, hạ tầng mềm là cơ chế điều phối và hợp tác ở cấp độ các tỉnh thành.

Ông Halvard Dalheim, Giám đốc quy hoạch chiến lược, Bộ Quy hoạch, Công nghiệp và Môi trường bang New South Wales (Úc), dẫn chứng kinh nghiệm tại hai TP lớn của Úc là Sydney, Melbourne đã xây dựng hệ thống đường sắt đô thị, metro, sân bay... Dọc các tuyến metro, sân bay, chính quyền các TP này xây dựng khu đô thị, trường đại học, trung tâm y tế, công nghiệp, cơ sở nghiên cứu để khai thác quỹ đất, làm dịch vụ. “TP.HCM thu hút nhân tài khắp nơi về nên phải tạo môi trường đáng sống tốt bằng các trường học, bệnh viện, các khu đô thị chất lượng”, vị này hiến kế.

GS Gyeng Chul-kim, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giao thông Hàn Quốc, cũng cho biết TP.HCM hiện nay cũng giống như Seoul mấy chục năm về trước. Để giải quyết bài toán này, hệ thống metro đã được xây dựng, với hơn 300 km. Nước này còn ứng dụng công nghệ thông tin vào trong quản lý, điều hành hoạt động hạ tầng, giao thông công cộng. “Seoul tạo ra các con đường không có xe. Những con đường ô tô cũ chạy vào TP phải trả thêm tiền vì đã thải khói gây ô nhiễm”, ông Kim cho hay và nói thêm kinh nghiệm gọi vốn đầu tư từ nguồn thu thuế phí nhiên liệu, các loại phí khác nhau... Nhưng điều tiên quyết là “Công nghệ thông tin, chuyển dịch tư duy, ngân sách đầy đủ, ý chí chính trị và tầm nhìn là 5 yếu tố để thành công”, ông Kim nói.

TS Nguyễn Ngọc Hiếu, Đại học Việt Đức, nói rằng để có kinh phí đầu tư hạ tầng, TP cần xin cơ chế để lại nguồn thu ngân sách trong 10 năm, mỗi năm 40.000 - 50.000 tỉ đồng. Khi đó TP sẽ có đủ nguồn tiền để xây dựng được nhiều hệ thống đường sắt, đường bộ...

Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết sắp tới TP sẽ xã hội hóa để huy động nguồn lực trong dân, các doanh nghiệp trong và ngoài nước để tham gia đầu tư phát triển hạ tầng dịch vụ theo hướng đầu tư phát triển lâu dài.

Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân nói rằng hơn 30 năm qua, dịch vụ luôn là ngành kinh tế lớn nhất trong cơ cấu kinh tế TP, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế TP và sắp tới sẽ như vậy. “Với nhu cầu phát triển dịch vụ trong thời gian tới, đặc biệt với xu hướng phát triển công nghiệp lần thứ 4, vấn đề đặt ra là dịch vụ tiếp tục tăng trưởng cao thì chúng ta chuẩn bị gì để khuyến khích sự phát triển này? TP chưa đặt quy hoạch hạ tầng dịch vụ đúng mức để giúp chủ động trong tăng trưởng kinh tế”, Bí thư Thành ủy đặt vấn đề.

DiaOcOnline.vn – Theo Thanh niên