Hà Nội: Điều chỉnh giá đất ở nơi có đầu tư nâng cấp hạ tầng tốt hơn

Cập nhật 05/12/2013 08:24

Hôm qua (4/12), HĐND TP.Hà Nội đã xem xét, thông qua Nghị quyết về việc ban hành giá đất năm 2014 và Nghị quyết về ban hành, sửa đổi, bổ sung một số loại phí, lệ phí trên địa bàn thành phố (TP).

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Nguồn Internet

Cơ bản giữ ổn định giá đất

Theo UBND TP, năm 2013 giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trên thị trường  so với năm 2012 thấp hơn khoảng 10-15% và có xu hướng tiếp tục giảm, chưa có dấu hiệu phục hồi. Mức giá giao dịch trên thị trường vẫn cao hơn Bảng giá năm 2013 do UBND TP qui định vì giá đất được ban hành dù đã bằng mức vượt khung tối đa của Chính phủ qui định nhưng so với giá đất trên thị trường thì vẫn thấp hơn.
Tuy nhiên, đánh giá chung thì Bảng giá đất năm 2013 đã “góp phần bình ổn về giá nói chung, đảm bảo nguyên tắc tiếp cận dần với giá đất trên thị trường trong điều kiện bình thường, đảm bảo sự cân đối về giá giữa các vùng, miền, địa phương trên địa bàn TP”.

Vì vậy, giá các loại đất năm 2014 do UBND TP trình cơ bản giữ ổn định như năm 2013, có điều chỉnh cục bộ giá đất thấp nhất tại một số vị trí, đường phố, khu vực có đầu tư nâng cấp hạ tầng tốt hơn và 5 xã vùng trung du thuộc huyện Sóc Sơn; điều chỉnh tương quan giá đất ở giữa các khu vực, tuyến đường vùng giáp ranh và khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhưng không vượt quá tỷ lệ mức khung giá Chính phủ quy định.

Tăng phí phải đi cùng chất lượng dịch vụ

Cũng tại kỳ họp này, UBND đã đề xuất HĐND xem xét ban hành, sửa đổi, bổ sung một số phí, lệ phí trên địa bàn TP theo thẩm quyền. Theo đó, mức thu cấp mới (đăng ký lần đầu tại Việt Nam) giấy đăng ký kèm theo biển số đối với ô tô, sơmi rơ-moóc, xe máy từ 500 nghìn đồng đến 20 triệu đồng (tùy loại phương tiện); phí vệ sinh được đề nghị điều chỉnh tăng 2 lần, lên 3.000 đồng/tháng/người cư trú tại xã, thị trấn và 6.000 đồng/tháng/người cư trú tại các phường và điều chỉnh tăng mức thu phí trông giữ phương tiện.

Tuy nhiên, hiện TP đang thiếu các điểm, bến, bãi trông giữ phương tiện giao thông nên vẫn phải dùng một diện tích đáng kể vỉa hè, lề đường ở những nơi có điều kiện để trông giữ phương tiện giao thông. Tình trạng trông giữ không phép, sai phép không sử dụng vé theo quy định, không công khai mức phí trông giữ và thu cao hơn quy định vẫn là hiện tượng khá phổ biến tại các điểm trông giữ trên vỉa hè, lề đường, tại các bệnh viện, trường học trong khu vực nội thành, nhất là trong các dịp lễ, Tết...

Vì vậy, cùng với việc điều chỉnh tăng mức phí trông giữ xe đạp, xe máy, Ban Kinh tế và Ngân sách đề nghị HĐND giao UBND TP khảo sát cụ thể mức chi phí trông giữ xe đạp, xe máy tại các vỉa hè, lòng đường để điều chỉnh tăng mức phí sử dụng, đảm bảo tính đồng bộ; chỉ đạo thực hiện đẩy nhanh tiến độ xây dựng các bãi trông giữ phương tiện công cộng theo quy hoạch, tiếp tục rà soát sắp xếp lại các điểm trông giữ phương tiện giao thông trên vỉa hè, lòng đường để đảm bảo diện tích giao thông, hè cho người đi bộ, nhất là các tuyến phố chính và các tuyến phố có nhiều người đi bộ theo đúng chỉ đạo của Chính phủ; kiên quyết xử lý, thu hồi giấy phép đối với các tổ chức trông giữ xảy ra nhiều sai phạm kéo dài, hạn chế cấp phép trông giữ phương tiện một cách tràn lan và quá nhiều điểm như hiện nay.

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật VN