Giao thông miền Tây bao giờ thông thoáng?

Cập nhật 25/03/2019 15:30

Hạ tầng giao thông ở miền Tây còn rất nhiều nút thắt, điểm nghẽn cần được tháo gỡ ngay.



Tình trạng kẹt xe nghiêm trọng tại nhiều tuyến đường huyết mạch từ miền Tây về TP.HCM, nhất là các dịp lễ, Tết cho thấy nhu cầu cấp bách về việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông tại vựa lúa, trái cây, thủy sản… của cả nước.

Kẹt xe gần 11 giờ, dân vất vả

Tại hội nghị triển khai hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương vừa diễn ra, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Trần Quốc Trung nhấn mạnh rằng nếu muốn ĐBSCL phát triển, đi lên thì cần phải giải quyết được vấn đề hạ tầng giao thông. Bí thư Thành ủy Cần Thơ kể câu chuyện từ Cần Thơ đi TP.HCM chưa đến 200 km nhưng phải mất 3-4 tiếng đồng hồ. Bản thân ông vào mùng 6 Tết vừa qua đi TP.HCM đã chứng kiến cảnh tượng kẹt xe kinh khủng.

“Đoàn người vừa ô tô vừa xe tải, xe hai bánh… đi như kiến đổ về TP.HCM từ cầu Cần Thơ đến gần tới cầu Mỹ Thuận, CSGT phải đi phân phát nước suối. Đường thủy thì chỉ có một đường duy nhất đi ra biển là từ sông Hậu. đường hàng không thì khai thác hết hiệu quả. Hạ tầng giao thông như thế thì làm sao nhà đầu tư nào dám vào” - bí thư Thành ủy Cần Thơ trăn trở.

Câu chuyện của bí thư Thành ủy Cần Thơ về cảnh tượng kẹt xe kinh khủng cũng là chuyện xảy ra như cơm bữa tại miền Tây. Đặc biệt vào những kỳ nghỉ lễ, Tết, giao thông tại khu vực này luôn rơi vào cảnh: Quá tải, kẹt xe, ùn ứ kéo dài hàng cây số, thậm chí có khi bị tê liệt gần như hoàn toàn.

Điển hình là mùng 6 Tết nguyên đán vừa qua, từng dòng người từ các tỉnh miền Tây đổ về TP.HCM khiến giao thông đoạn từ Vĩnh Long đến Tiền Giang, Long An bị tắc nghẽn nghiêm trọng. Từng đoàn xe chen chúc, nối đuôi nhau dày đặc, nhích từng chút một, có lúc cao điểm gần như kẹt cứng.

Trong báo cáo vừa gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình ùn tắc giao thông cầu Rạch Miễu trên tuyến quốc lộ (QL) 60, ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho biết thời gian qua tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trên tuyến, đặc biệt là tại khu vực cầu Rạch Miễu. Tuy nhiên, tình trạng ùn tắc ngày càng nghiêm trọng vào những ngày cuối tuần, đặc biệt là những ngày lễ, Tết tình trạng kẹt xe lại càng nghiêm trọng hơn.

“Ví dụ, vào dịp Tết nguyên đán, từ ngày 25-1 (20 tháng Chạp) đến ngày 10-2 (mùng 6 Tết) trên tuyến đã xảy ra tám lần ùn tắc với thời gian dài nhất là 10 giờ 40 phút, ngắn nhất bốn giờ 14 phút. Cũng trong dịp Tết vừa qua, từ ngày 25-1 đến ngày 10-2, trạm BOT cầu Rạch Miễu đã phải xả trạm 13 lần, tổng thời gian xả trạm 1.026 phút” - UBND tỉnh Bến tre dẫn chứng.

Việc tắc nghẽn giao thông triền miên đang trở thành nỗi ám ảnh của người dân. Chú Trần Công Bình (60 tuổi, ngụ phường Hưng Phú, quận Cái Răng, TP Cần Thơ) cho biết 10 năm trước người dân đi từ Cần Thơ lên TP.HCM bằng xe đò mất khoảng bốn tiếng, giờ đây đi TP.HCM cũng mất chừng ấy thời gian ngồi xe, thậm chí còn nhiều hơn nữa nếu gặp cảnh kẹt xe ở Vĩnh Long, Tiền Giang,... Điều đó cho thấy giao thông ở ĐBSCL không thay đổi nhiều trong những năm qua.

Không chỉ đi lại khó khăn mà hàng hóa nông sản của bà con ở vùng nông thôn muốn bán ra thị trường gặp rất nhiều trắc trở. “Chúng tôi mong nhà nước đầu tư hơn nữa về giao thông cho đồng bằng để người dân thuận tiện đi lại, tiếp cận hòa nhập và phát triển”.
Mỗi dịp lễ, Tết, QL60 và cầu Rạch Miễu ùn tắc nghiêm trọng - Ảnh: Đông Hà

Doanh nghiệp thiệt hại nặng nề

Ông Trần Văn Tiến, chủ một chành xe vận chuyển hàng hóa tuyến Cà Mau - TP.HCM, cho biết trước đây chuyên vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy nhưng do điều kiện đường sông khó khăn nên chuyển lên vận tải đường bộ. Tưởng đường bộ sẽ nhanh hơn, thuận tiện hơn nhưng cũng chẳng khá hơn mấy so với đường sông. Hạ tầng giao thông quá yếu kém dẫn đến kẹt đường làm hao tốn rất nhiều thời gian, kinh phí.

“Chẳng hạn muốn thoát qua khu vực An Sương, hay đường dẫn vào cao tốc rất khó khăn, phải mất mấy tiếng đồng hồ. Không những vậy, hiện tuyến QL 1 từ Long An vào Tiền Giang lại bị cấm vào giờ cao điểm, xe đổ xô vào cao tốc nên hiện nay cao tốc cũng ùn ứ, nói là cao tốc nhưng xe toàn… bò. Thời gian đi từ TP.HCM về Cà Mau khoảng 7-8 tiếng, còn kẹt xe thì mất hết 10 tiếng” - ông Tiến lấy ví dụ.

Còn theo ông Nguyễn Văn Kịch, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Cafatex (Hậu Giang), ở ĐBSCL khi vận chuyển hàng thủy sản đông lạnh đi TP.HCM và các vùng miền khác chủ yếu qua đường bộ vì đường thủy rất chậm và rủi ro cao do là hàng đông lạnh. Nhưng đường bộ tại miền Tây lại không được đầu tư như vùng khác và đầu tư không đồng bộ khiến nhiều mặt đều phát triển thua kém. Không chỉ vận chuyển hàng hóa và đi lại, giao lưu văn hóa, du lịch, y tế, giáo dục cũng hạn chế.

Ông Nguyễn Văn Kịch nhấn mạnh: “Không đầu tư tốt cho hạ tầng giao thông thì không thể phát triển được trong cả hiện tại và tương lai. QL1 là con đường độc đạo kết nối các tỉnh miền Tây, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được đầu tư đúng mức, chưa có các đoạn tuyến cao tốc như kế hoạch. Bài toán thiệt hại kinh tế do hạ tầng giao thông thì nhà nước đã biết, người dân biết nhưng vẫn chưa giải quyết được qua năm này đến năm khác. Dân ở đồng bằng đa phần là sản xuất nông nghiệp, sản xuất thì phải có thị tường tiêu thụ nhưng không có đường đi thì làm sao đi ra thị trường được”.

Tán đồng với quan điểm này, nhiều ý kiến cho rằng thực tế những năm gần đây, kẹt xe không chỉ xảy ra ở các tuyến đường mà còn tại các cây cầu như Mỹ Thuận, Rạch Miễu, Cần Thơ... Nguyên nhân do mặt cầu hẹp, không đáp ứng đủ lượng xe tăng cao, nhất là trong dịp lễ, Tết.

Trong khi đó các tỉnh ĐBSCL có rất nhiều người lao động tập trung về TP.HCM làm việc, hơn nữa việc giao thương hàng hóa cũng rất lớn nhưng kết nối với TP.HCM và miền Đông Nam bộ chỉ có độc đạo tuyến QL1A với những đoạn hẹp, cầu nhỏ. Với lưu lượng xe cộ như hiện nay thì xảy ra ùn ứ là điều tất yếu.

Chính vì vậy người dân mong muốn đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến cao tốc mới; mở rộng và làm thêm cầu, đường. Điều mong mỏi của người dân cũng là nỗi băn khoăn, trăn trở của lãnh đạo các địa phương ở vùng ĐBSCL. Ông Trần Quốc Trung, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, nói: “Đầu tư hạ tầng giao thông là nhu cầu hết sức bức thiết và thực tiễn để phát triển ĐBSCL đi lên, đi lại không được thì không phát triển được”.

Nhanh làm đường cao tốc để dân bớt khổ

TS Chung Thành Tiến, chuyên gia kinh tế, nói: “Cần phải nhìn nhận từ gốc, miền Tây là vựa lúa, thủy sản… nhưng giao thương bằng đường thủy chưa đáp ứng xứng tầm, vẫn phải trông chờ vào đường bộ. Việc bức xúc kẹt xe về miền Tây là chuyện lâu nay vẫn tồn tại, như tôi vừa mới bị kẹt hôm kia”.

Theo ông Tiến, việc đầu tư đường cao tốc và phát triển mạng lưới giao thông nhằm giải cứu miền Tây là quá cần thiết, bên cạnh việc lưu ý phát triển đồng bộ giao thông thủy.

“So với khu vực miền Bắc và miền Trung, miền Tây chưa có tàu hỏa, vẫn dựa nhiều vào đường thủy nên khu vực này là nơi cần cao tốc hơn cả. Nếu chúng ta không đẩy mạnh, làm nhanh các tuyến cao tốc thì kiểu gì cũng kẹt” - ông Tiến nói.

Tương tự, ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa TP.HCM, cho rằng chuyện giao thông về miền Tây quá tải là điều không mới và ai cũng biết.

“Khi quá tải, thời gian di chuyển nhiều ảnh hưởng đến giá thành vận chuyển, chi phí tăng và tác động xấu đến nền kinh tế nên mong muốn phát triển cao tốc về miền Tây là bức xúc của xã hội” - ông Quản đánh giá.

Còn theo quan điểm của Phó Chủ tịch Hiệp hội ô tô Việt Nam Đinh Nam Dinh thì giao thông về miền Tây cần cao tốc để đường sá thông thoáng. “Tôi nghĩ nếu có thêm các tuyến cao tốc, rồi các cầu sắp hoàn thiện như cầu Vàm Cống; tương lai nếu có thêm đường sắt cao tốc TP.HCM - Cần Thơ… thì giao thông miền Tây sẽ bớt khó khăn” - ông Dinh chia sẻ.

ĐINH CƯỜNG

Giải cứu gấp cầu Rạch Miễu

Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể mới đây, ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Bến Tre, nhấn mạnh rằng việc xây cầu Rạch Miễu 2 trên tuyến QL60 là rất cấp thiết. Bởi thực tế hiện nay lưu lượng giao thông qua tuyến QL60 và cầu Rạch Miễu tăng 25% so với ngày thường.
Kẹt xe thường xuyên diễn ra trên QL1. Sắp tới đây, kỳ nghỉ lễ 30-4, 1-5 kéo dài nhiều ngày, viễn cảnh kẹt, ùn tắc có thể lại tiếp diễn - Ảnh: Đông Hà

Cùng với sự phát triển mật độ giao thông như hiện nay thì dự báo khoảng ba năm tới lưu lượng giao thông qua cầu Rạch Miễu ngày nào cũng như ngày Tết. Theo ông Mãi, việc xây cầu Rạch Miễu 2 có ý nghĩa rất lớn không chỉ cho riêng Bến Tre mà còn cho các tỉnh duyên hải phía Đông vùng ĐBSCL. Do vậy lãnh đạo tỉnh Bến Tre kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho chủ trương xây cầu Rạch Miễu 2.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết sau khi hoàn chỉnh các báo cáo, Bộ GTVT sẽ trình Chính phủ và quốc hội xem xét phương án sử dụng vốn ngân sách cho cầu Rạch Miễu 2.


DiaOcOnline.vn – Theo PLO