Top

Giải phóng mặt bằng trở thành điểm nghẽn của đường Vành đai 2

Cập nhật 20/11/2018 14:12

Cơ quan quản lý tại TP.HCM đang lo vỡ kế hoạch khép kín đường vành đai 2 trước năm 2020 vì một số đoạn tuyến thi công chậm. Trong đó, vấn đề bồi thường giải phóng mặt bằng khiến quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn.

Trong buổi họp giao ban báo chí vào sáng 20/11, sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM cho biết, đơn vị vẫn đang gấp rút thực hiện các công trình trọng điểm theo Nghị quyết của HĐND TP.

Trong đó, dự án Đường vành đai 2 đã được UBND TP chấp nhận chủ trương sử dụng nguồn vốn ngân sách để thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, phục vụ kêu gọi PPP phần xây lắp.

Hiện, các đơn vị liên quan đang triển khai thực hiện các nhiệm vụ cần thiết theo ý kiến chỉ đạo của UBND TP.

Đường Vành đai 2 là dự án giao thông quan trọng của TP.HCM.

Trong khi đó, dự án Đường vành đai 3 theo cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM vẫn phải chờ thống nhất phương án thực hiện. Theo báo cáo của sở GTVT TP.HCM, UBND TP đang phối hợp với bộ GTVT thống nhất phương án thực hiện.

Sở GTVT đang tích cực phối hợp với Tổng Công ty đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long, hoàn thiện phương án đầu tư trình bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Nguyễn Văn Tám, Phó Giám đốc sở GTVT TP.HCM cho biết: “Nếu các dự án không vướng mắc về bồi thường giải phóng mặt bằng thì có thể dự kiến thời gian hoàn thành tương đối chính xác. Tuy nhiên, tình hình chung như hiện nay, tiến độ của các dự án là rất khó nói, những mốc thời gian hoàn thành chỉ mang tính dự kiến”.

Theo đơn vị thi công xây dựng Đường vành đai 2, nguồn vốn cho dự án đã được chuẩn bị sẵn sàng nên rất thuận lợi cho các nhà thầu. Tuy nhiên, lo ngại lớn nhất là công tác giải phóng mặt bằng, một số điểm khó giải quyết nên chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án.

Đường vành đai 2 có chiều dài 64km, là tuyến đường quan trọng của TP.HCM. Nhưng hiện tại, tuyến giao thông này vẫn còn 14km chưa được khép kín, bao gồm 8km ở phía quận 9, quận Thủ Đức và 6km ở phía quận 8, huyện Bình Chánh.

Ngoài đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa đang triển khai thi công, TP.HCM vẫn đang tiếp tục kêu gọi đầu tư các đoạn từ vòng xoay An Lạc đến đường Nguyễn Văn Linh, đoạn từ cầu Phú Hữu (quận 9) đến đường Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức). Mục tiêu của thành phố là sẽ khép kín toàn tuyến này trước năm 2020.

Trước đó, UBND TP.HCM đã yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan đề xuất triển khai nhanh các dự án kết nối đồng bộ các đoạn còn lại của Vành đai 2.

Đường Vành đai 2 có ý nghĩa hết sức quan trọng trong công tác hạn chế xe tải vào nội thành cũng như chống ùn tắc giao thông từ xa. Tuyến đường Vành đai 2 trên địa bàn TP.HCM theo quy hoạch đi qua 9 quận, huyện gồm quận 2, quận 7, quận 8, quận 9, quận 12, quận Bình Tân, quận Thủ Đức, huyện Hóc Môn và huyện Bình Chánh.

DiaOcOnline.vn - Theo Người đưa tin