Top

Dự án Sài Gòn Safari: Dân mong sớm giải quyết thỏa đáng

Cập nhật 03/04/2019 14:30

15 năm qua, dự án Thảo cầm viên mới Sài Gòn Safari (huyện Củ Chi, TP.HCM) bỏ hoang thì cũng chừng ấy năm nhiều hộ dân có nhà đất bị giải tỏa tại dự án này khổ sở đi khiếu nại, không có chỗ tái định cư.

Ông Nguyễn Văn Sơn trước căn nhà tình nghĩa đã xuống cấp nặng trên phần đất bị giải tỏa để làm dự án sở thú mới - Ảnh: N.X.

Hiện còn 171 hộ dân khiếu nại. Sau khi Tuổi Trẻ đăng thông tin kết luận của Thanh tra Chính phủ về sai phạm tại dự án này, tiếp chúng tôi, các hộ dân đều bày tỏ bức xúc về việc áp giá đền bù, tái định cư của dự án...

Người tứ tán, người bám đất chờ

Ông Nguyễn Văn Sơn (ấp Bàu Đưng, xã An Nhơn Tây, H.Củ Chi) kể hộ ông bị thu hồi đất phục vụ dự án, thuộc diện được tái định cư. Ông có 8 người con cùng sống trong căn nhà đã xuống cấp từ lâu, có thể đổ sụp bất cứ lúc nào.

Gia cảnh nghèo khó, cả nhà đều làm thuê, trồng trọt mưu sinh nên từ khi bị giải tỏa đến nay và không có chỗ tái định cư, cả nhà ông Sơn vẫn ở lại trên đất cũ, không có tiền thuê chỗ ở.

Trên khu đất cũ, cả nhà ông Sơn dựng tạm bợ vài căn chòi để ở.

Chỉ tay về phía các chòi, ông Sơn nói: "Nhiều năm nay cả nhà tôi không ai dám ở trong căn nhà cũ của mình vì sợ bị sập, mà xây dựng lại thì cũng không được phép vì đây là đất làm dự án. Không biết bao giờ hoàn cảnh chúng tôi mới được chính quyền giải quyết...".

Tương tự, ông Đoàn Văn Lanh (ấp Bàu Đưng, xã An Nhơn Tây) bị thu hồi hết đất, cả nhà không còn đất canh tác nên vợ chồng con cái tứ tán đi làm thuê. Gia đình ông Lanh cũng phải ở tạm bợ trên đất cũ, nhà cửa đã rách nát mà không thể sửa sang, xây dựng gì được.

Lý giải thêm về việc chịu khổ, bám đất khiếu nại, các hộ dân cho hay thời điểm thu hồi đất năm 2004, H.Củ Chi đưa ra nhiều mức giá đền bù cho các loại đất trồng cây hằng năm và đất trồng cây lâu năm, từ 60.000 - 150.000 đồng/m2, nhưng việc kiểm kê để áp giá chưa công bằng.

Ông Nguyễn Văn Ấn (82 tuổi, ấp Bàu Đưng) cho biết có khu đất gần bên đất của ông được bồi thường "hết khung" là 150.000 đồng/m2, còn đất của ông lại không được bồi thường như vậy.

Về việc này, kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng đã chỉ ra có đến 578/705 hồ sơ đền bù được áp giá không chính xác, khiến số tiền đền bù chi tăng thêm đến hơn 104 tỉ đồng.

Dự án Thảo cầm viên mới có hơn 300 hộ dân thuộc diện tái định cư, theo phương án phải xây khu tái định cư cùng lúc với việc thu hồi đất. Các hộ dân tự thu xếp nơi tạm cư thì được hỗ trợ mức 120.000 đồng/người/tháng hoặc 500.000 đồng/tháng với hộ có 5 nhân khẩu trở lên.

"Thế nhưng người dân không được sắp xếp tạm cư hoặc chi một đồng nào tiền tạm cư suốt 15 năm qua. Chúng tôi tứ tán khắp nơi hoặc ở lại bám đất thì ăn ở tạm bợ" - ông Đoàn Văn Xuân, một người dân ở đây, bức xúc.

Dân muốn đền bù chứ không "hỗ trợ"

Về việc chưa triển khai xây dựng khu tái định cư 18ha đã được phê duyệt trong dự án nói trên, giải trình với đoàn Thanh tra Chính phủ, UBND huyện Củ Chi đưa ra lý do: "Thời điểm khởi công dự án có một số hộ dân ngăn cản không cho đơn vị thi công tập kết vật tư, không cho xe máy vào công trình, không cho lắp đặt biển báo công khai dự án, mặc dù huyện đã vận động, thuyết phục nhưng không đạt kết quả".

Trong khi đó, kết luận thanh tra chỉ ra rằng dù TP đã chỉ đạo phải khởi công xây dựng khu tái định cư vào tháng 8-2014 và hoàn thành chậm nhất vào tháng 8-2015, nhưng đến giữa tháng 10-2014, Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình huyện mới có quyết định khởi công.

Thực tế đến đầu tháng 11-2014 mới khởi công và cuối cùng cũng không khởi công được.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, thời điểm tháng 12-2016, Thanh tra TP và Ban Tiếp công dân trung ương đã đối thoại với 144 hộ dân khiếu nại thuộc dự án. Theo đó, người dân đòi tính toán đền bù lại theo đúng quy định chứ không chấp nhận chính sách "hỗ trợ".

Đến thời điểm đoàn Thanh tra Chính phủ đi thanh tra từ tháng 2 đến tháng 5-2017, ghi nhận có 171 hộ khiếu nại với 235 nội dung. Trong đó có 171 trường hợp yêu cầu phân loại đất để nâng giá đền bù; 27 trường hợp yêu cầu đền bù theo giá thị trường; các trường hợp còn lại yêu cầu hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ chuyển nhà...

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một đại diện Thanh tra TP.HCM cho biết thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra TP đã tham mưu cho TP kế hoạch rà soát, giải quyết khiếu nại của người dân thuộc dự án nói trên.

Theo đó, các giải pháp giải quyết khiếu nại, tháo gỡ các vấn đề còn tồn tại của dự án gắn với trách nhiệm của từng sở, ngành cũng như UBND huyện Củ Chi.

Giám sát dự án Thảo cầm viên mới

Ông Phan Nguyễn Như Khuê, phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, cho rằng bức xúc của cử tri xoay quanh dự án Sài Gòn Safari đã kéo dài nhiều năm. Đây là một trong những việc mà TP.HCM phải chỉ đạo tập trung để giải quyết.

"Không để TP phát triển mà tình hình khiếu nại cũng phát triển theo, như vậy là không bình thường. Chúng tôi đã có kế hoạch và chuẩn bị đi giám sát liên quan dự án này" - ông Khuê khẳng định.


DiaOcOnline.vn – Theo Tuổi trẻ