Diện mạo mới nào cho Công viên 23-9?

Cập nhật 08/04/2019 17:00

TP.HCM vừa yêu cầu di dời hàng loạt công trình như trạm xe buýt, trung tâm thương mại, sân khấu… để chỉnh trang Công viên 23-9 và giao Sở QH-KT thi tuyển ý tưởng thiết kế quy hoạch. Bên cạnh đó, các chuyên gia, người dân và du khách cũng đưa ra nhiều ý kiến đóng góp cho diện mạo mới của công viên này.

Khu vực lối vào chợ ngầm tại Công viên 23-9 - Ảnh: P.CƯỜNG

Cần có bãi giữ xe ngầm

Công viên 23-9 rộng khoảng 10 ha nằm tại trung tâm TP. Khu vực này đang là nơi quen thuộc đối với người dân và khách du lịch nước ngoài do có nhiều nhà trọ rẻ, khách sạn mini, cùng với các dịch vụ tiện ích khác.

Tuy nhiên, bãi giữ xe ngầm tạm tại công viên lại không đủ cho nhu cầu của người dân và du khách, đặc biệt vào dịp cuối tuần.

Về vấn đề trên, TS Phạm Văn Hùng, Phó Phân viện trưởng Phân viện Khoa học công nghệ GTVT phía Nam, nhận định: “Có thể thấy TP.HCM đang rất thiếu bãi đậu xe nói chung và bãi đậu xe ngầm nói riêng, mà đã thiếu thì cần phải xây cái mới. Cá nhân tôi thấy khu vực Công viên 23-9 rất cần bãi đỗ xe để phục vụ nhu cầu xung quanh và cho khu Bùi Viện - Đề Thám”.

Tuy nhiên, theo ông Hùng, dù nhu cầu là có nhưng phải dựa vào quy hoạch bãi đỗ xe của TP và các phân tích về dòng xe, lưu lượng… để xây dựng bãi đỗ xe và cần lưu ý các chức năng về dịch vụ đi kèm để kết hợp với bãi đỗ xe đó.

Góp ý cho quy hoạch Công viên 23-9, PGS-TS Nguyễn Minh Hòa, Ủy viên Hội đồng QH-KT TP.HCM, cho hay: “Chúng ta thấy các tuyến đường hiện nay đang cắt công viên thành từng mảnh nên việc di dời các công trình tại công viên là cần thiết vì nếu không mảng xanh này sẽ bị vụn và không có tính đồng bộ”.

Dù đồng tình với việc di dời các công trình nhưng theo ông Hòa, TP nên cân nhắc giữ các không gian ngầm tại công viên để phục vụ việc gửi xe và làm trung tâm thương mại để đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách.

Cân nhắc giữ chợ ngầm

Nói về khu chợ ngầm tại công viên, TS Hòa nhận xét: “Tôi đã từng xuống khu tầng hầm giữ xe và khu ăn uống, có thể thấy việc quản lý khá tốt. Nếu các khu vực ngầm này không gây ảnh hưởng gì trong việc quy hoạch thì nên cân nhắc giữ lại”.

Ghi nhận tại khu vực chợ ngầm dưới lòng đất ở Công viên 23-9 ngày cuối tuần, dễ dàng nhận thấy đây là nơi thu hút rất nhiều du khách đến tham quan, mua sắm và thưởng thức các món ăn.

“Ở TP của tôi, trong công viên một tuần có một ngày gọi là ngày mở bán các loại thực phẩm, thức ăn, rau củ… để mọi người tới mua sắm. Đến Việt Nam, tôi rất thích tham quan các khu chợ, nó mang nhiều màu sắc địa phương nên tôi nghĩ không nên phá bỏ chợ ngầm này” - chị Steffi, du khách đến từ TP Stuttgart (Đức), chia sẻ.

Đứng ở góc độ tiểu thương, anh Phan Thanh Lộc, chủ cửa hàng Fhooty ở khu chợ ngầm, cho biết: “Khu này nếu bỏ đi thì uổng lắm, cuối tuần rất đông, thậm chí không còn chỗ, đặc biệt khách nước ngoài rất nhiều. Tôi cũng chưa nghe ban quản lý thông báo phải di dời hay như thế nào, họ chỉ nói sau ngày 30-4 thì có chỉnh trang, sửa chữa lại”.

Anh Tommy, một du khách Đức, rất hay đến Việt Nam du lịch thì cho rằng chợ ngầm dưới lòng đất hay sân khấu Sen Hồng là một nét thú vị của Công viên 23-9.

“Nếu đến công viên chỉ để tản bộ, tập thể dục thì hơi chán. Tôi nghĩ các khu vực giải trí, dịch vụ tại công viên cũng được xem là điểm nhấn văn hóa của vùng miền. Vì vậy, công viên này nên giữ gìn khu chợ ngầm thay vì phá bỏ” - anh Tommy chia sẻ.

Về vấn đề này, TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, thì nêu quan điểm khi TP muốn di dời công trình nào thì cũng đã cân nhắc những cái lợi và cái hại của nó.

“Tất cả đều là do nhu cầu. Chúng ta cần xem lại nhu cầu công viên đơn thuần hay công viên giải trí. Công viên đơn thuần thì không có kinh doanh ăn uống, không có chợ, còn công viên giải trí thì có các dịch vụ. Nếu là công viên đơn thuần thì hầu như các nhu cầu về giải trí, ăn uống, sân khấu đã được thỏa mãn ở các khu vực khác hoặc xung quanh công viên” - ông Cương lý giải.

Năm công trình phải di dời

Trong chỉ đạo mới nhất Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu các sở, ngành nhanh chóng di dời các công trình tại đây và giao mặt bằng trước ngày 30-4 để chỉnh trang công viên theo quy hoạch.

Theo đó, năm công trình bị di dời gồm: Bến xe buýt, chợ ngầm dưới lòng đất (Sense Market), trung tâm phát triển quỹ đất, bãi giữ xe hai bánh và sân khấu Sen Hồng.

Về trạm xe buýt ở Công viên 23-9, qua trao đổi với nhân viên hướng dẫn tại trạm này thì hiện chưa có thông báo từ cơ quan chức năng về nơi trạm sẽ dời.

Sense Market là khu chợ dưới lòng đất đầu tiên của TP.HCM được đưa vào hoạt động đầu năm 2017. Tại đây có khu ẩm thực châu Á với gần 100 cửa hàng bán các món ăn Việt Nam, Lào, Campuchia, Nhật Bản... và khu mua sắm Taka Plaza có hơn 400 gian hàng lớn nhỏ.

Sân khấu Sen Hồng bắt đầu phục vụ người dân, đặc biệt là trẻ em TP vào dịp Tết 2013. Bên cạnh hoạt động sân khấu chính còn có các công trình phụ phục vụ người dân như phòng đọc sách dành cho thiếu nhi, khu vực trò chơi trẻ em…


DiaOcOnline.vn – Theo PLO