Top

Bồi thường đất tại TP.HCM:

Điểm mới trong quy định bồi thường đất

Cập nhật 07/06/2010 07:30

Nếu tiền bồi thường nhà ở, đất ở bị thu hồi thấp hơn giá trị một suất tái định cư tối thiểu thì dân được hưởng khoản chênh lệch.

Hôm nay (7-6), Quyết định 35/2010 của UBND TP.HCM về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP.HCM có hiệu lực thi hành. Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với bà Đào Thị Hương, Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM, về các nội dung mới của quyết định.

Khỏi bù tiền khi nhận nhà 30 m2


* So với quy định cũ, Quyết định 35/2010 có nhiều quy định có lợi hơn cho dân trong việc hỗ trợ suất tái định cư. Bà có thể giải thích rõ hơn việc này?


Theo Quyết định 35/2010, hộ gia đình, cá nhân đủ điều kiện tái định cư và có yêu cầu nhận đất ở, nhà ở tái định cư mà số tiền được bồi thường, hỗ trợ nhỏ hơn giá trị một suất tái định cư tối thiểu thì được hỗ trợ khoản chênh lệch đó. Trường hợp không nhận đất ở, nhà ở tại khu tái định cư thì được nhận tiền tương đương với khoản chênh lệch đó.

Giả sử hộ ông A bị giải tỏa căn nhà 20 m2 với tổng số tiền bồi thường là 200 triệu đồng, trong khi đó một căn hộ tái định cư tối thiểu 30 m2 (theo Nghị quyết 34/2007 của Chính phủ) lại có giá 300 triệu đồng. Như vậy, hộ ông A sẽ được nhà nước hỗ trợ khoản chênh lệch 100 triệu đồng, ông A được nhận nhà tái định cư có diện tích 30 m2 thì không phải trả thêm tiền. Nếu nhận căn hộ tái định cư có diện tích lớn hơn 30 m2 thì phải trả thêm tiền cho phần diện tích chênh lệch lớn hơn. Trong trường hợp hộ ông A không nhận suất tái định cư thì ông A được nhận số tiền chênh lệch là 100 triệu đồng cộng với số tiền bồi thường là 200 triệu đồng, tổng cộng 300 triệu đồng.


Với quyết định mới, người bị thu hồi đất sẽ có lợi hơn trong việc tái định cư. Ảnh: HTD

* Việc nhận chênh lệch từ suất tái định cư chỉ có lợi khi diện tích nhà ở, đất ở bị thu hồi tương đối nhỏ. Trường hợp nhà đất bị thu hồi có diện tích lớn thì được giải quyết thế nào?

Quyết định 35/2010 có quy định về việc hỗ trợ để tự lo nơi ở mới. Nếu hộ gia đình, cá nhân đủ điều kiện tái định cư mà tự lo chỗ ở thì được hỗ trợ một khoản tiền bằng chi phí đầu tư hạ tầng/m2 do Bộ Xây dựng công bố. Diện tích để tính hỗ trợ là diện tích đất ở thực tế bị thu hồi nhưng không vượt hạn mức giao đất ở. Những trường hợp này không được hưởng khoản chênh lệch từ suất tái định cư và giá trị nhà đất bị thu hồi như đã nói trên.

UBND TP đã giao Sở Xây dựng cập nhật chi phí đầu tư hạ tầng/m2 do Bộ Xây dựng công bố để hướng dẫn UBND quận, huyện thực hiện.

Nhiều mức hỗ trợ mới


* Mức hỗ trợ ổn định đời sống cho hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất nông nghiệp tăng thế nào so với mức cũ và thời gian hỗ trợ có thể kéo dài trong bao nhiêu năm?

Theo Quyết định 17/2008, mức hỗ trợ ổn định đời sống tối thiểu là 500.000 đồng/nhân khẩu, tối đa là 2 triệu đồng/nhân khẩu (trường hợp bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp trồng cây lâu năm).

Nay Quyết định 35/2010 có mức hỗ trợ 300.000 đồng/tháng/nhân khẩu với thời gian hỗ trợ tối thiểu như sau: hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi từ 30% đến 70% diện tích đất nông nghiệp được hỗ trợ ổn định đời sống trong thời gian sáu tháng (nếu không phải di chuyển chỗ ở) và hỗ trợ trong thời gian 12 tháng (nếu phải di chuyển chỗ ở). Trường hợp di chuyển chỗ ở đến các địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn thì thời gian hỗ trợ tối đa 24 tháng.

Nếu bị thu hồi trên 70% diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng thì hộ gia đình, cá nhân được hỗ trợ ổn định đời sống trong thời gian 12 tháng (nếu không phải di chuyển chỗ ở) và trong 24 tháng nếu phải di chuyển chỗ ở. Trường hợp phải di chuyển đến các địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn hoặc có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn thì thời gian hỗ trợ tối đa là 36 tháng. Như vậy, mức hỗ trợ tối đa theo Quyết định 35/2010 lên đến 10,8 triệu đồng, cao hơn năm lần so với mức cũ.

* Thực tế cho thấy nhiều nông dân sau khi bị thu hồi đất nông nghiệp đã gặp khó khăn trong việc tìm nghề nghiệp khác thay thế. Quyết định 35/2010 giải quyết vấn đề này ra sao?

Thành phố quy định hỗ trợ cho nông dân chuyển đổi nghề nghiệp và việc làm theo các hình thức bằng tiền hoặc bằng đất ở và nhà ở. Trường hợp nhận hỗ trợ bằng tiền: mức hỗ trợ 1,5-5 lần giá đất nông nghiệp (theo bảng giá đất). Diện tích được hỗ trợ là diện tích đang sử dụng thực tế bị thu hồi nhưng không quá 10.000 m2/hộ. Nếu người dân có nhu cầu nhận suất nhà ở, đất ở thì chỉ được giải quyết trong trường hợp mức hỗ trợ bằng tiền nêu trên lớn hơn hoặc bằng suất đất ở, nhà ở.

Nếu người bị thu hồi đất nông nghiệp có nhu cầu được đào tạo, học nghề thì được nhận vào các cơ sở đào tạo nghề và được miễn học phí đào tạo cho một khóa học đối với các đối tượng trong độ tuổi lao động.

Xin cảm ơn bà.

Không hồi tố cho những dự án trước đó

Đối với những dự án, hạng mục đã chi trả xong bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trước ngày 1-10-2009 (ngày Nghị định số 69/2009 của Chính phủ có hiệu lực thi hành) thì không áp dụng hoặc không điều chỉnh theo Quyết định 35.

Đối với những dự án, hạng mục đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hoặc đang thực hiện chi trả bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo phương án đã được phê duyệt hoặc đang thực hiện chi trả bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư do UBND TP ban hành trước ngày 1-10-2009 thì thực hiện theo chính sách, phương án đã phê duyệt. Trường hợp thực hiện bồi thường chậm thì giá đất để thực hiện bồi thường, hỗ trợ được thực hiện theo khoản 2 Điều 9 Quyết định 35 (bồi thường theo giá đất tại thời điểm trả tiền bồi thường nếu giá đất tại thời điểm này do UBND TP công bố cao hơn giá đất tại thời điểm có quyết định thu hồi; bồi thường theo giá đất tại thời điểm có quyết định thu hồi nếu giá đất tại thời điểm bồi thường thấp hơn giá đất tại thời điểm có quyết định thu hồi).


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP