Top

Đà Nẵng cưỡng chế công trình vi phạm của Mường Thanh: Dân cư bức xúc vì không thấy ông Thản

Cập nhật 17/12/2019 08:15

TP Đà Nẵng đã thông báo triển khai quyết định cưỡng chế công trình vi phạm của Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên - chủ đầu tư tổ hợp khách sạn Mường Thanh và căn hộ cao cấp Sơn Trà, Đà Nẵng do ông Lê Thanh Thản làm chủ.

Tổ hợp khách sạn Mường Thanh và căn hộ cao cấp Sơn Trà, Đà Nẵng - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Tuy nhiên những ngày qua, cư dân ở các căn hộ vi phạm này đã phản ứng mạnh mẽ, đòi phải có cuộc đối thoại với chủ đầu tư và chính quyền...

Người dân nhiều bức xúc...

Ông Nguyễn Đức Việt - phó chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn - cho biết ngày 9-12 đã có thông báo gửi Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên và các tổ chức, cá nhân có liên quan về việc chấp hành quyết định cưỡng chế của chủ tịch UBND TP Đà Nẵng buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả xây dựng trái phép tại dự án. Yêu cầu chủ đầu tư và các tổ chức, cá nhân có liên quan đang sử dụng các căn hộ xây dựng trái phép phải di chuyển người và toàn bộ tài sản trong thời gian từ ngày 10-12-2019 đến 10-1-2020.

Theo kế hoạch, ngày 14-12, các cư dân ở đây được mời đến UBND phường Mỹ An để nghe thông báo triển khai quyết định cưỡng chế. Tuy nhiên, buổi thông báo phải hoãn. Đồng thời diễn ra buổi làm việc của tổ tư vấn pháp lý TP Đà Nẵng với các cư dân đã mua chung cư vi phạm của Mường Thanh Đà Nẵng. Tại đây, nhiều người đã có phản ứng dữ dội với việc chủ đầu tư không hợp tác để giải quyết sự việc.

Ông Đức Hưng - chủ căn hộ ở tầng 2 - cho rằng việc ra quyết định cưỡng chế là do sai phạm của Mường Thanh. Sai phạm này là có trước và có cả trách nhiệm của chính quyền. "Tại sao không có giải pháp là chính quyền - chủ đầu tư và chúng tôi gặp nhau để thỏa thuận, giải quyết, bồi thường?" - ông Hưng đặt câu hỏi và nói chính quyền gọi chủ đầu tư còn không đến, huống hồ là người dân.

Trong khi đó, bà Đào Thị Mỹ Hạnh - ở căn hộ 210 - nêu ý kiến: "Tại sao khi Mường Thanh đang xây dựng vi phạm chính quyền không xử lý, để khi người dân bán nhà cửa từ địa phương khác đến Đà Nẵng mua căn hộ Mường Thanh để ở thì mới "té ngửa"? Chính quyền cần đồng hành với chúng tôi bằng việc yêu cầu chủ đầu tư mà trực tiếp là ông Thản phải ra mặt để làm việc chứ không thể ủy quyền cho người không đủ quyền quyết định".

Cần đối thoại giữa các bên

Tổ tư vấn pháp lý của TP Đà Nẵng cho biết sẽ ghi nhận, tiếp thu các ý kiến của cư dân và có báo cáo cho UBND TP. Còn lãnh đạo UBND phường Mỹ An cho biết phường cũng như quận đã rất nhiều lần mời ông Thản nhưng chỉ toàn cấp dưới đi dự. "Chúng tôi sẽ có ý kiến tiếp với cấp trên" - đại diện phường này nói.

Còn theo UBND quận Ngũ Hành Sơn, việc di dời người và tài sản ở các căn hộ của dự án sẽ được thực hiện theo quyết định của UBND TP Đà Nẵng. Tiến độ thực hiện sẽ căn cứ vào tình hình thực tiễn. UBND quận Ngũ Hành Sơn cũng cho biết suốt thời gian qua, UBND TP Đà Nẵng đã lập tổ tư vấn pháp lý làm việc tại UBND phường Mỹ An và thường xuyên tư vấn, hỗ trợ các vấn đề pháp lý cho người dân vào thứ bảy hằng tuần.

Bà Nguyễn Thị Anh Thi - chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn - cho biết thêm đến nay quận đã làm đúng trình tự, hết khả năng của mình. Bà Thi cũng nói rằng khi UBND quận công bố các quyết định cưỡng chế thì ông Lê Thanh Thản không hề có mặt. Bà Thi nói quận cũng mong muốn có một cuộc đối thoại với nhau nhưng người chủ của Mường Thanh không xuất hiện.

Phải di chuyển khỏi căn hộ vi phạm

UBND quận Ngũ Hành Sơn đã có thông báo về việc chấp hành quyết định cưỡng chế của chủ tịch UBND TP Đà Nẵng. Cụ thể, chủ đầu tư và các tổ chức, cá nhân có liên quan đang sử dụng các căn hộ tại các tầng 2, 3, 4, 5, 35, 41, 42 của khối chung cư phải di chuyển người và toàn bộ tài sản của mình ra khỏi các căn hộ vi phạm để lực lượng cưỡng chế tiến hành thực hiện công tác tháo dỡ công trình vi phạm tại các tầng nêu trên.

Sau ngày 10-1-2020, nếu không chấp hành, UBND quận sẽ cưỡng chế theo quy định. Kể từ ngày 12-1-2020 sẽ ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước... tại các tầng, căn hộ vi phạm.

Từ ngày 24-2-2020 sẽ tổ chức cưỡng chế tháo dỡ các hạng mục công trình vi phạm, gồm cả 2 tầng kỹ thuật, tầng mái. Chế độ hỗ trợ liên quan đối với các căn hộ bị cưỡng chế, di dời: hỗ trợ tiền thuê nhà ở tạm với mức 5 triệu đồng/tháng/căn hộ trong 4 tháng; di chuyển tài sản với mức 5 triệu đồng/căn hộ cho 2 lần di chuyển.

Tại cuộc họp HĐND TP Đà Nẵng vừa qua, ông Nguyễn Nho Trung - chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng - đề nghị phải thực hiện tháo dỡ các hạng mục vi phạm tại dự án trên theo đúng quy định và đề nghị các đại biểu HĐND giám sát việc này.

Cưỡng chế Mường Thanh nhưng dân chịu!

Ông Nguyễn Hồng Hải - chủ căn hộ 328 - cho biết nếu chủ đầu tư vẫn không ra mặt thì sẽ có đơn tố cáo về hành vi lừa đảo của chủ đầu tư đến cơ quan công an thay vì khởi kiện ra tòa.

Ông Hải cho biết cư dân ở đây hoàn toàn ủng hộ việc cưỡng chế các công trình vi phạm, không chỉ Mường Thanh mà bất cứ công trình nào cũng vậy. Tuy nhiên, mỗi công trình có một điều kiện khác nhau nên phải có cách xử lý phù hợp thực tế. Với Mường Thanh, ở các căn hộ vi phạm thì chủ đầu tư đã không còn quyền hạn gì vì đã bán hết cho người dân, người dân đã đóng đủ tiền, bao gồm cả tiền phí ra sổ đỏ.

Ông Hải đề nghị chủ đầu tư phải đền bù một cách thỏa đáng cho người dân. Khi đó, người dân sẽ tự nguyện di chuyển. Còn bây giờ nói cưỡng chế Mường Thanh nhưng thực chất là cưỡng chế căn hộ của người dân.
 

DiaOcOnline.vn – Theo Tuổi trẻ