Top

Cứ 2 tỉnh lại có 3 sân golf: Lợi ích nào cho nhân dân?

Cập nhật 27/11/2018 14:27

Trong bối cảnh các sai phạm đất đai gây bức xúc cho dư luận thì việc quy hoạch hàng trăm hecta đất làm sân golf được cho là lãng phí, đi ngược lại các lợi ích của người dân.

Chỉ thêm chứ không bớt


Giữa tháng 11 vừa qua, văn phòng UBND TP.HCM cho biết, TP vừa kiến nghị bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung dự án sân golf Cần Giờ vào danh mục Quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020.

Sân golf này thuộc đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 của khu đô thị du lịch biển Cần Giờ với quy mô 2.870ha, vị trí tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ.

Theo TP.HCM, sân golf này dự kiến xây dựng nằm hoàn toàn trên phần đất lấn biển. Đây không phải đất nông nghiệp, không thuộc đất quy hoạch để xây dựng khu công nghiệp, đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ nên phù hợp quy định.

Cũng theo kiến nghị, sân golf Cần Giờ có quy mô hơn 135ha, được thiết kế có 36 lỗ do một công ty tư nhân làm chủ đầu tư với tổng kinh phí dự kiến hơn 900 tỷ đồng (chưa gồm kinh phí giải phóng mặt bằng).

TP.HCM kỳ vọng công trình này sẽ góp phần thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, góp phần hình thành khu du lịch tầm cỡ, tăng quỹ đất thể thao, vui chơi giải trí cho tổng thể khu đô thị du lịch biển Cần Giờ, đồng thời giải quyết việc làm  cho người dân địa phương.

Sân golf Tân Sơn Nhất từng gây tranh cãi về lợi ích đối với người dân. (Ảnh: Hà Nhân).

Điều đáng nói là theo quy hoạch được phê duyệt, TP.HCM sẽ có 5 sân golf đến hết năm 2020, bao gồm sân golf Thủ Đức (266ha), sân golf Tân Sơn Nhất (hơn 157ha), sân golf ở huyện Củ Chi (200ha), sân gol huyện Bình Chánh (hơn 70ha) và sân golf Rạch Chiếc ở quận 2.

Sau khi sân golf Rạch Chiếc bị loại khỏi quy hoạch, chuyển thành khu dân cư thì TP.HCM lại xem xét, đề nghị bổ sung vào quy hoạch một sân golf khác tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè. Như vậy, khi hiệu quả đầu tư của sân golf chưa được khẳng định thì việc quy hoạch cứ ồ ạt, không những không giảm mà còn xin thêm.

Theo Quyết định 1946 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020, cả nước có 89 sân golf. Trong đó, vùng trung du miền núi Bắc Bộ dự kiến có 11 sân golf với tổng diện tích đất 1.456ha; vùng đồng bằng sông Hồng 16 sân golf với hơn 1.909ha; vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Nam Trung Bộ 29 dự án với 2.943ha; vùng Tây Nguyên 8 dự án với tổng diện tích 839ha; vùng Đông Nam Bộ 21 dự án với tổng diện tích đất 2.376ha và vùng đồng bằng sông Cửu Long 4 dự án với 461ha.

Như vậy, trung bình, mỗi tỉnh thành sẽ có 1,4 sân golf. Đây là con số đáng kể đối với một quốc gia có diện tích hẹp, người đông và phụ thuộc vào nông nghiệp như Việt Nam. Thậm chí, nếu các dự án golf mới được chấp thuận, số sân golf tại Việt Nam nhiều khả năng sẽ sớm vượt quá 100.

Chơi golf không phải môn thể thao quần chúng

Thống kê của bộ Kế hoạch – Đầu tư cho biết, có đến hơn một nửa số dự án sân golf chưa đi vào hoạt động, hoạt động không hiệu quả hoặc bị "ế" và là nỗi ám ảnh đối với các nhà đầu tư. Tình trạng này cũng được vị chuyên gia lý giải là vì đầu tư sân golf đòi hỏi chi phí đầu tư ban đầu lớn nhưng khả năng thu hồi vốn chậm, phải trải dài trong nhiều năm.

Chính từ những bất hợp lý trong quy hoạch sân golf mà bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lên ý tưởng loại bỏ quy hoạch để tiến tới quản lý, cấp phép xây dựng sân golf thông qua các điều kiện khắt khe hơn.

Mặc dù sân golf chỉ phục vụ đối tượng doanh nhân, chiếm thiểu số nhưng được cho là thể hiện đẳng cấp của địa phương và cũng là của chính chủ đầu tư. Theo một doanh nghiệp kinh doanh sân golf, nguồn thu lớn nhất của sân golf là phí gia nhập thành viên và các chi phí dịch vụ đi kèm.

Tuy nhiên, mức phí này không sinh đủ lợi nhuận đáng kể cho chủ đầu tư. Chính vì thế nên các chủ đầu tư phải hướng vào loại sân golf tích hợp khu nghỉ dưỡng, trong đó bao gồm biệt thự, nhà ở cao cấp. Từ đó giá trị bất động sản tăng lên và những tiện ích xung quanh cũng ăn theo. 

Sân golf chiếm quỹ đất rất lớn. (Ảnh: Hoàng Triều).

Dư luận cho rằng, sân gofl không đóng góp bao nhiêu cho tăng trưởng kinh tế, nhưng đất tốt bị mất, lao động mất việc làm, môi trường bị tổn hại...

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng golf là môn thể thao giải trí không phải "quần chúng" vì rất đắt tiền. “Trong khi các vấn đề an sinh xã hội chưa được giải quyết tốt thì việc lấy đất để phục vụ cho một số ít người có điều kiện sẽ gặp phải sự phản ứng của nhiều người dân”, ông Hiếu nói.

TS. Phạm Sĩ Liêm, liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam cho biết, các nước không bao giờ lấy đất tốt để làm sân golf. Thường sân golf phải được xây dựng ở những nơi mà đất không canh tác được, ở vùng đồi núi, thậm chí trong sa mạc.

“Còn nước ta, việc cấp phép đầu tư sân golf lại hoàn toàn thuộc thẩm quyền của các địa phương. Để có thành tích thu hút đầu tư, thậm chí vì mục đích riêng nên khi các doanh nghiệp xin làm sân golf (xây biệt thự, kinh doanh bất động sản) thì được địa phương chấp nhận với sự nhiệt tình. Mật độ sân golf ngày càng dày đặc nhưng lợi ích mang về cho dân, cho nước được bao nhiêu?”, ông Liêm đặt câu hỏi.

Câu hỏi này cũng được T.S Đinh Thế Hiển đồng tình. “Điều cốt lõi khi cấp phép đầu tư sân golf là phải chứng minh được sự cần thiết của nó. Trong hồ sơ xin phép dự án, chính quyền và chủ đầu tư phải nói rõ dự án đó sẽ đem lại cho địa phương lợi ích vượt trội cụ thể ra sao chứ không thể nhân danh thu hút đầu tư để làm sân golf mà không có gì chứng minh”, ông Hiển đánh giá.

Trong khi đó, PGS.TS Lê Cao Đoàn, viện Nghiên cứu kinh tế Việt Nam cho rằng, khi sân golf trong nước còn đang ế mà lại bổ sung thêm nhiều dự án mới là một động thái kỳ lạ và đi ngược với quy luật kinh tế.

“Tôi không thấy ngạc nhiên vì những nghịch lý kiểu "dự án dẫn dắt quy hoạch" trên thực tế vẫn đang diễn ra, nhất là những thành phố lớn. Từ việc chạy theo lợi ích nên quy hoạch luôn bị điều chỉnh, luôn bị thay đổi theo đề xuất của nhà đầu tư. Tình trạng bùng nổ sân golf có thể sẽ xảy ra, nếu việc bổ sung quy hoạch không được tính toán và quản lý một cách chặt chẽ, hiệu quả”, PGS.TS Lê Cao Đoàn nhận định.

Ông Đoàn còn nhắc nhở: “Chúng ta đã có nhiều bài học từ việc bùng nổ sân bay, cảng biển. Nhiều dự án phải đắp chiếu vì thua lỗ, không hiệu quả. Không nên để lặp lại tình trạng này với sân golf. Tâm lý nơi này có, nơi khác cũng phải có, có dự án là địa phương có tăng trưởng sẽ phá vỡ quy hoạch chung, gây lãng phí nguồn lực”.

DiaOcOnline.vn - Theo Người đưa tin