Top

Công bố và bàn giao quy hoạch phân khu đô thị GS, tỷ lệ 1/5000

Cập nhật 01/12/2015 09:07

Ngày 30/11, Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội phối hợp với UBND các quận: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Hoàng Mai; các huyện: Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Trì, Thanh Oai, Thường Tín tổ chức Hội nghị công bố và bàn giao hồ sơ quy hoạch phân khu đô thị GS, tỷ lệ 1/5000.


Khu vực nghiên cứu quy hoạch phân khu đô thị GS, tỷ lệ 1/5000 thuộc địa giới hành chính các quận: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Hoàng Mai; các huyện: Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Trì, Thanh Oai, Thường Tín - thành phố Hà Nội.

Quy hoạch phân khu đô thị GS, tỷ lệ 1/5000 bao gồm khu vực vành đai xanh sông Nhuệ và các nêm xanh phía Nam sông Hồng có tổng diện tích đất nghiên cứu quy hoạch khoảng 6.660,55ha với quy mô dân số dự báo tối đa đến năm 2050 khoảng 289.400 người. Phân khu đô thị GS có phía Bắc là đê sông Hồng; phía Đông là sông Nhuệ và một phần nhánh sông Tô Lịch; phía Tây và Nam giáp các phân khu đô thị từ S1 đến S5.

Phân khu đô thị GS có tổng diện tích khoảng 6.660,55 ha, được chia thành 11 khu quy hoạch (GS1, GS11), với 48 ô quy hoạch (GS1-1, GS1-5; GS2-1, GS2-6; GS3-1, GS3-7; GS4-1; GS4-2a; GS4-2b; GS4-2c; GS4-3; GS4-4; GS5-1, GS5-3; GS6; GS7; GS8-1, GS8-7; GS9-1, GS9-4, GS10-1, GS10-4; GS11-1, GS11-4) và đường giao thông cấp đô thị để kiểm soát phát triển, trong đó các ô quy hoạch tương đương các đơn vị ở, nhóm ở độc lập và ô đất chức năng.

Ranh giới các khu quy hoạch được giới hạn bởi các tuyến đường giao thông đối ngoại (đường Vành đai 4), đường cấp đô thị (đường hướng tâm, đường 70, đường Vành đai 3,5), phân chia các khu vực đặc trưng trong vành đai xanh, nêm xanh theo định hướng của QHCXD Thủ đô.

Ranh giới các ô quy hoạch được giới hạn bởi các tuyến đường giao thông đối ngoại, đường cấp đô thị, trong ô quy hoạch gồm các khu đất chức năng đô thị và đường giao thông cấp khu vực; các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất của từng ô quy hoạch được xác lập tại bản vẽ là các chỉ tiêu "bruto" của đơn vị ở nhằm kiểm soát phát triển chung.

Các khu đất chức năng bao gồm: Công cộng đô thị, cây xanh đô thị (ngoài đơn vị ở), trường trung học phổ thông; công cộng đơn vị ở, trường tiểu học, trung học cơ sở, trường mầm non, cây xanh TDTT đơn vị ở; đất dành cho địa phương; đất ở (đô thị, sinh thái, làng xóm, dân cư hiện có); bãi đỗ xe, đất hỗn hợp, cơ quan, viện nghiên cứu, trường đào tạo, di tích, tôn tạo, quốc phòng an ninh, đất đầu mối hạ tầng kỹ thuật, đất cây xanh cảnh quan, cây xanh cách ly, cây xanh nông nghiệp.

Phát triển không gian đô thị dựa vào cảnh quan thiên nhiên hiện có, bao gồm hệ thống mặt nước, sông, hồ hiện có, tạo sự kết nối không gian xanh với khu vực vành đai xanh và mặt nước sông Hồng.

Tổ chức không gian đô thị được xác lập chủ yếu là không gian cây xanh, mặt nước, các công trình thấp tầng và các không gian mở, kết nối không gian xanh với các công viên đô thị trong các phân khu lân cận thành hệ thống, hình thành các công viên chuyên đề đa dạng gắn với văn hóa, truyền thống và nhu cầu của đô thị.

Không gian trong các đơn vị ở được tổ chức theo cấu trúc sinh thái, gần gũi với thiên nhiên, thân thiện với môi trường. Tổ chức hệ thống mặt nước, cây xanh đơn vị ở, nhóm ở, đường giao thông nội bộ và các tiện ích khác thành một thể thống nhất, hài hòa và gắn kết với không gian xanh đô thị.

Đối với các công trình làng xóm cũ cải tạo theo hướng tăng cường hệ thống hạ tầng kỹ thuật, giao thông, cây xanh, hạ tầng xã hội, gìn giữ cấu trúc làng xóm cũ: Mật độ xây dựng thấp, nhiều sân vườn, hình thức công trình kiến trúc truyền thống.

Khu vực cao tầng hình thành trên cơ sở hiện trạng các cụm công trình đã đầu tư xây dựng hoặc trên những tuyến giao thông chính kết nối với các phân khu lân cận như khu vực Đông Nam ga Phú Diễn, hai bên tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài, khu vực Xa La - đường 70.

Đối với các khu chức năng khác tổ chức không gian thấp tầng, tăng cường hệ thống sân vườn, cây xanh đảm bảo hài hòa với cảnh quan xung quanh.

Ngoài các tuyến đường chính đô thị cắt qua khu vực nghiên cứu, các tuyến quan trọng nhất trong phân khu là tuyến xanh được hình thành từ mạng lưới dòng chảy tự nhiên từ Tây sang Đông, kết nối hệ thống công viên, hồ điều hòa trong khu vực.

Các tuyến, trục không gian quan trọng khác gắn với các dải cây xanh, đường giao thông, đường đi bộ như tuyến đường 40m từ Khu công nghệ cao sinh học đi Xuân Phương (trục cảnh quan), đại lộ Thăng Long, đường Vành đai 3,5... kết nối khu vực với các công trình công cộng cấp đô thị và quốc gia, thành phố.

Vị trí nằm trên các trục không gian quan trọng có điểm nhìn quy mô hoặc tổ hợp quần thể các công trình lớn, đồng thời là vùng trọng tâm trong phân vùng thiết kế đô thị, cụ thể:

Cụm công trình công cộng không gian mở ven trục Tây Thăng Long gồm: Khu công nghệ cao sinh học (cụm công trình hỗn hợp - công viên mở - trung tâm đào tạo - công nghệ cao), cụm công nghiệp Phú Minh (sau chuyển đổi), khu vực trung tâm hành chính, công cộng dịch vụ quận Bắc Từ Liêm.

Khu vực thuộc ô quy hoạch GS3-1: Nằm trên trục Hồ Tây - Ba Vì bố trí Tổ hợp công trình văn hóa, dịch vụ thương mại cấp đô thị gắn với công viên trung tâm và tuyến xanh hai bên trục hình thành không gian đi bộ với các công trình nhà hát, bảo tàng, cung văn hóa, trung tâm hội nghị, trung tâm thương mại, các khu mua sắm, cửa hàng truyền thống...

Khu vực thuộc ô quy hoạch GS3-7: Nằm trên đại lộ Thăng Long bố trí công trình văn hóa lịch sử tiếp giáp với không gian sông Nhuệ và tuyến xanh hai bên đại lộ Thăng Long với chức năng là Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam và trụ sở các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng: Khu vực cụm trường trung học chuyên nghiệp.

Cụm công trình hai bên tuyến đường Phan Trọng Tuệ - Phùng Hưng: khu đô thị mới Xa La, khu đô thị mới Cầu Bươu, khu chức năng đô thị Đại Thành (bệnh viện, trung tâm thương mại, dịch vụ)...

Cung thể thao và sân vận động trung tâm tại khu vực công viên thể thao, vui chơi giải trí.

Khai thác triệt để các tuyến sông, mương, ao, hồ tạo mối liên kết giữa các khu công viên cây xanh tập trung. Đảm bảo quy mô, diện tích hồ điều hòa phục vụ tiêu thoát nước cho khu vực và các phân khu đô thị lân cận.

Đảm bảo tính kết nối và liên tục của hệ thống công viên cây xanh, mặt nước, hình thành các tuyến, trục cây xanh, đi bộ và các trục không gian. Kiểm soát và quản lý xây dựng trong khu vực, đặc biệt là khu vực dọc hai bên sông Nhuệ, không xây dựng các công trình lấn chiếm mặt nước.

Đối với các chức năng đất công cộng, hỗn hợp có quy mô lớn, cần tạo không gian cây xanh, mặt nước tập trung, liên kết với hệ thống công viên cây xanh đô thị.

Cảnh quan đô thị khu vực quảng trường, không gian mở, các công trình trọng điểm:

Đảm bảo hài hòa, thống nhất về hình khối, màu sắc, ánh sáng, hình thức kiến trúc chủ đạo của các công trình kiến trúc; hệ thống cây xanh, mặt nước, quảng trường phải phù hợp với không gian chung và tính chất sử dụng của công trình.

Khu vực quảng trường, không gian mở: tạo lập các không gian xanh, công viên, vườn hoa kết nối với hệ thống cây xanh, mặt nước khu vực... tăng cường hệ thống cây xanh dọc hai bên các tuyến đường và hai bên hệ thống sông, mương.

Đối với khu vực dân cư hiện có: Cải tạo chỉnh trang các khu vực làng xóm giữ được đặc trưng truyền thống, bảo tồn các công trình di tích lịch sử, văn hóa tôn giáo. Khu vực dân cư làng xóm hiện có hai bên sông Nhuệ khuyến khích xây dựng có sân trước, trồng cây xanh cải tạo cảnh quan cho khu vực.

Đối với các công trình công cộng, hỗn hợp, cơ quan... Đảm bảo khoảng lùi tối thiểu 6m so với chỉ giới đường hai bên sông Nhuệ, khuyến khích tạo lập hệ thống cây xanh lớn hơn theo quy định và nghiên cứu xây dựng công trình theo hướng xanh, sinh thái, hài hòa và không gian mặt nước khu vực.

Đối với các dự án phát triển đô thị xây dựng theo mô hình sinh thái, xanh, ưu tiên yếu tố cảnh quan, không gian cây xanh, mặt nước.

Quy định kiểm soát về tầng cao và mật độ xây dựng, khoảng lùi xây dựng: Đối với đất công cộng đô thị, hỗn hợp, cơ quan - viện nghiên cứu - trường đào tạo: Mật độ xây dựng tối đa 30%, tầng cao tối đa 3 tầng.

Đối với công trình nằm trong khu vực trọng tâm, trọng điểm: mật độ xây dựng tối đa 30%, tầng cao cụ thể được thực hiện theo dự án riêng được cấp thẩm quyền chấp thuận trên nguyên tắc không xây dựng cao tầng.

Khoảng lùi: tối thiểu 6m đối với đường cấp đô thị, tối thiểu 3m đối với đường cấp khu vực (trừ trường hợp có chức năng sử dụng đặc thù).

Đất công cộng đơn vị ở, trường học, mầm non: Mật độ xây dựng tối đa 40% (tuân thủ Quy chuẩn xây dựng Việt Nam); tầng cao tối đa 3 tầng. Khoảng lùi tối thiểu 3m so với chỉ giới đường đỏ.

Công viên thực vật - vườn ươm, công viên nông nghiệp: Tầng cao 01 tầng (chỉ xây dựng các công trình phục vụ cho sản xuất, không xây dựng các công trình để khai thác các hoạt động kinh doanh, dịch vụ không phù hợp với chức năng). Mật độ xây dựng được xác định theo từng dự án riêng, được cấp thẩm quyền chấp thuận.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây dựng