Top

Có cần di dời sân bay Đà Nẵng và lời giải khác!

Cập nhật 13/09/2018 10:00

 Các lập luận cho việc Đà Nẵng cần thiết phải di dời sân bay có thực sự thuyết phục?

LTS: Liên quan đến đề xuất xây dựng sân bay Đà Nẵng mới trên một mỏm núi của bán đảo Sơn Trà, KTS Bùi Huy Trí - Trưởng phòng Quản lý quy hoạch và Phát triển đô thị - Sở Xây dựng Đà Nẵng đã có những ý kiến, quan điểm riêng về vấn đề này. Đất Việt xin đăng tải nguyên văn ý kiến của ông!

Tại hội thảo “Định hướng quy hoạch phát triển trung tâm các khu vực đô thị TP Đà Nẵng” do Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam tổ chức sáng 8/9, vấn đề có nên di dời sân bay Đà Nẵng rất được dư luận quan tâm những ngày qua.

Với người Đà Nẵng, sân bay không chỉ đơn giản là một cơ sở hạ tầng kỹ thuật mà còn là cái gì đó rất thân quen mang hơi hướng tinh thần nên chuyện xôn xao là dễ hiểu.

Thực ra đây không phải là vấn đề mới mà đã được đặt ra bởi nhiều chuyên gia tại nhiều thời điểm khác nhau trước đây, nhất là trong giai đoạn điều chỉnh Quy hoạch chung năm 2013.

Tại một số hội thảo chuyên ngành, vấn đề này cũng được đề cập, tuy nhiên không nhận được nhiều sự quan tâm lắm. Khi ấy sức ép của đô thị chưa hiển hiện nên phần đông coi đó là chuyện ... cứ từ từ. Đấy cũng là trở ngại thường gặp phải đối với những ý tưởng xuất phát hơi sớm so với thực tiễn.

Những được mất khi có sân bay trong đô thị

Khi có sân bay dĩ nhiên đô thị phải chịu tác động của tiếng ồn, nhất là hoạt động của các máy bay quân sự. Các khu vực dưới đường cất, hạ cánh của máy bay chịu ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của người dân và các hoạt động xã hội.

Trên thực tế Đà Nẵng đã từng phải xử lý kiến nghị của người dân về ảnh hưởng của tiếng ồn hay việc chọn địa điểm thay thế cho Trường PTTH Hòa Vang nằm ngay dưới phễu bay.

Có sân bay trong đô thị cũng hạn chế đến chiều cao xây dựng công trình. Trước đây, quy định về tĩnh không sân bay rất ngặt nghèo đến nỗi nếu chiếu theo quy định ấy thì có cách là dời sân bay đi nơi khác.

KTS Bùi Huy Trí, Trưởng phòng Quản lý quy hoạch và Phát triển đô thị - Sở Xây dựng Đà Nẵng.

Năm 2013, trên cơ sở ý kiến của Bộ Quốc phòng, UBNDTP Đà Nẵng đã ban hành Quyết định 1769/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chung tỉ lệ 1:25000 "Quy hoạch bề mặt giới hạn độ cao chướng ngại vật hàng không khu vực TP Đà Nẵng", thường gọi tắt là phễu bay.

Theo đó các công trình nằm dọc theo hướng phễu bay chiều Bắc - Nam chịu nhiều ảnh hưởng. Thí dụ khu vực dân cư tiếp giáp tường rào sân bay 2 đầu Bắc, Nam chỉ được xây dựng 2 tầng, khu vực khách sạn One Opera đường Nguyễn Văn Linh được xây dựng dưới 90m, đến đường Võ Nguyên Giáp giới hạn 150m.

Về mặt thuận lợi thì quá rõ và người dân Đà Nẵng vốn rất hài lòng với việc có một “sân bay nhà”. Với khách du lịch, việc có sân bay là một yếu tố ưu tiên cho việc lựa chọn điểm đến. Với các nhà nhà đầu tư đi lại như con thoi thì đối tác gần sân bay là điều ưa thích.

Từ sân bay Quốc tế Đà Nẵng, khách du lịch chỉ mất chừng 10 phút đi ô tô để ra tới biển,các đại gia nước ngoài mất 15 phút để đến sòng bài Crowne Plaza, các golf thủ mất 20 phút để tới sân golf Vina Capital giáp Quảng Nam. Trong thời đại mà thời gian chính là kinh tế thì điều mà Đà Nẵng có được chính là mơ ước của nhiều đô thị khác.

Có cần thiết phải di dời?

Có một số lý do mà các diễn giả đưa ra tại Hội thảo để minh chứng cho việc Đà Nẵng cần thiết phải di dời sân bay, tuy nhiên các lập luận có thực sự thuyết phục?

Lý do thứ nhất được đưa ra là Đà Nẵng thiếu quỹ đất để phát triển đô thị.Thực tế đó chỉ là biểu hiện ở một số góc nhìn nào đó còn về tổng thể thì không phải vậy. Hiện nay chỉ tính riêng đất đô thị đã có hạ tầng, Đà Nẵng có khoảng 18.000 ha.

Với dân số 1 triệu người thì bình quân 180m2/người đã là con số khá cao, cỡ gấp rưỡi Singapore tính chung cả lãnh thổ gồm đồi núi, vùng ngập. Theo quy hoạch chung năm 2013 thì quỹ đất đã quy hoạch phát triển đô thị là 37.500 ha đảm bảo cho 2.5 triệu dân sử dụng rộng rãi.

Việc Đà Nẵng còn thiếu quảng trường chỗ này, thiếu công viên chỗ kia là vấn đề sử dụng đất chưa hiệu quả chứ không phải thiếu đất.

Lý do thứ hai được đưa ra là sân bay tạo sự chia cắt trong đô thị. Thực tế là việc chia cắt đô thị lớn nhất ở Đà Nẵng chính là tuyến đường sắt chứ không phải sân bay. Chiều dài sân bay chỉ chưa đầy 5 km so với hơn 30 km đường sắt.

Dĩ nhiên nếu không có sân bay thì kết nối đô thị sẽ tốt hơn nhưng điều đó có thể khắc phục được bằng việc quản lý và điều phối giao thông đô thị.

Một góc sân bay Đà Nẵng hiện tại. Ảnh Báo Đà Nẵng

Lý do thứ 3 được đưa ra là sân bay sẽ đến lúc quá tải khi cần tăng công suất lên 4-5 lần so với 6 triệu lượt khách/năm của hiện tại.Việc sân bay quá tải rồi cũng sẽ đến trong tương lai xa và nhưng điều đó không có nghĩa là nhất thiết phải di dời sân bay. Sẽ là tốt hơn nếu lựa chọn phương án phát triển sân bay thay vì di dời nó.

Các phương án phát triển

Đó có thể là dự án của thời điểm sau năm 2050 nhưng là tầm nhìn của ngày hôm nay. Khi đó có khả năng dân số đã tăng đến 3-4 triệu dân và Đà Nẵng đã trở thành một đô thị tầm cỡ quốc tế. Với kịch bản ấy, có thể nhìn thấy 2 hướng giải quyết.

Một là, nâng công suất tại chỗ đồng thời với việc xây dựng sân bay mới. Hai là, dân sự hóa toàn bộ sân bay Đà Nẵng, đồng nghĩa với việc xây dựng sân bay quân sự tại địa điểm khác.

DiaOcOnline.vn - Theo Đất Việt