Chuẩn bị di dời 523 hộ dân ra khỏi khu vực 1 Kinh thành Huế

Cập nhật 24/03/2019 10:30

Nhiều người dân sống tại khu vực 1 Kinh thành Huế kiến nghị về thực hiện một số chính sách di dời, tái định cư cũng như sinh kế sau di dời.

Ngày 22/3, Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế gặp gỡ các hộ dân khu vực Thượng thành thuộc dự án đầu tư bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế.

Tại đây, Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế thông báo, đối với những trường hợp sử dụng đất trước ngày 19/5/1976 và các trường hợp có giấy tờ hợp lệ sẽ được bồi thường theo quy định hiện hành. Những trường hợp sử dụng đất do lấn chiếm từ 15/10/1993 về trước sẽ được hỗ trợ 100% theo hiện trạng, không vượt quá 200m2, phần còn lại được hỗ trợ theo đất nông nghiệp; Trường hợp từ 15/10/1993 đến 1/7/2004 được hỗ trợ 50% theo hiện trạng không vượt quá 200 m2...

Nhà dân sống nhếch nhác trên Kinh Thành Huế phải di dời trong năm nay.

Nhiều người dân sống tại khu vực 1 Kinh thành Huế kiến nghị về thực hiện một số chính sách di dời, tái định cư cũng như sinh kế sau di dời. Các ý kiến của người dân đã được cơ quan chức năng của thành phố Huế trả lời thấu đáo. Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND thành phố Huế yêu cầu UBND các phường phân công người tiếp dân tại trụ sở ủy ban phường để hướng dẫn giải quyết những thủ tục cho người dân.
Tại buổi gặp gỡ các hộ dân sống trên khu vực 1 Kinh thành Huế.

Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng, việc di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 hệ thống di tích Kinh thành Huế là chủ trương lớn. Theo ông Thọ, lâu nay tỉnh không thực hiện được việc di dời dân là do chưa có khung chính sách phù hợp.

Vừa qua, tỉnh đã xây dựng khung chính sách và được Chính phủ phê duyệt, kịp thời giải quyết những vướng mắc về pháp lý trong công tác giải phóng mặt bằng. Ông Phan Ngọc Thọ cho biết, trong năm 2019, tỉnh bố trí khoảng 250 tỷ đồng, di dời 523 hộ dân sinh sống ở khu vực 1 Thượng thành trong tổng số hơn 4.200 hộ dân sống ở khu vực I Kinh thành Huế.

“Phần lớn bà con ở khu vực 1 Kinh thành này thuộc hộ cận nghèo, một số hộ nghèo, đời sống hết sức khó khăn. Tỉnh triển khai nhiều giải pháp để chuẩn bị cho cộc dời dời mang tính chất lịch sử này. Một trong những phương án là tạo việc làm, tạo sinh kế cho bà con, đào tạo nghề để họ có thể làm việc tại các cở sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố Huế, để người dân có thu nhập, sớm ổn định trên mảnh đất họ di dời đến”- ông Thọ cho biết./.

DiaOcOnline.vn – Theo VOV Miền Trung