Top

Điều chỉnh quy hoạch các khu đô thị mới:

Ai lợi, ai thiệt ?

Cập nhật 01/03/2010 09:10

Hầu hết dự án khu đô thị mới (KĐTM) đều có sự điều chỉnh quy hoạch theo hướng có lợi cho chủ đầu tư. Nhưng, nghịch lý là các công trình hạ tầng xã hội như trường học, cơ sở y tế, công trình công cộng lại không được chủ đầu tư quan tâm. Qua kiểm tra đợt 1, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu các quận, huyện rà soát lại các dự án, đề xuất ngay địa điểm xây dựng trường công lập phù hợp quy mô diện tích, dân số của khu dân cư.

Tất cả cùng điều chỉnh quy hoạch


Hầu hết các dự án đầu tư khu ĐTM, đều có sự điều chỉnh so với quy hoạch ban đầu. Ảnh: Bá Hoạt

Qua kiểm tra cho thấy, hầu hết các dự án đầu tư KĐTM, nhà ở đều có sự điều chỉnh so với quy hoạch ban đầu. Việc điều chỉnh chủ yếu tăng mật độ xây dựng, chiều cao công trình, chuyển chức năng sử dụng đất từ dịch vụ công cộng sang công trình hỗn hợp có chức năng nhà ở… Điển hình như KĐTM Cổ Nhuế - Xuân Đỉnh, Văn Quán - Yên Phúc (Hà Đông) hay Đông nam Trần Duy Hưng...

Việc điều chỉnh quy hoạch được thực hiện nhiều lần, làm hạn chế mục tiêu ban đầu của dự án, làm chậm tiến độ và thiếu đồng bộ trong đầu tư. Tại KĐTM Văn Quán - Yên Phúc, nhiều ô quy hoạch chỉ tiêu sau điều chỉnh có đột biến lớn. Ví dụ, ô đất ký hiệu CQ1 và CC2 có chiều cao theo quy hoạch ban đầu 6 tầng, sau khi điều chỉnh đã tăng lên 27 và 36 tầng. Ô đất ký hiệu CX2 ban đầu được xác định là cây xanh, chủ đầu tư đã xây dựng thêm công trình công cộng như câu lạc bộ, nhà hàng. Cùng với chủ đầu tư, người sử dụng công trình thấp tầng nhà vườn, biệt thự cũng tự ý thay đổi thiết kế, quy mô công trình, dẫn đến sự sai khác so với quy hoạch, kiến trúc được phê duyệt.

Theo báo cáo của Ban cán sự Đảng UBND TP Hà Nội, việc phát triển nhanh các KĐTM, khu nhà ở nhưng thiếu quy hoạch đồng bộ dẫn đến việc giữa các dự án chưa có sự khớp nối về không gian, cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật... Hậu quả, mạnh ai nấy làm, gây ra úng ngập cục bộ, ùn tắc giao thông... cho chính KĐTM và khu dân cư lân cận.

Bảy dự án kiểm tra đợt 1 gồm các KĐTM: Sài Đồng do Công ty CP XD số 3 Hà Nội làm chủ đầu tư; Cổ Nhuế - Xuân Đỉnh do Công ty TNHH NN MTV Kinh doanh dịch vụ nhà Hà Nội làm chủ đầu tư; Đặng Xá (Gia Lâm) do Tổng Công ty Viglacera làm chủ đầu tư; Văn Quán - Yên Phúc do Tổng Công ty HUD làm chủ đầu tư; Nam Thăng Long (Tây Hồ) do Công ty TNHH Phát triển KĐT Nam Thăng Long làm chủ đầu tư; Khu nhà ở Đồng Me (Từ Liêm) do Công ty CP ĐTPT đô thị và KCN Sông Đà làm chủ đầu tư; dự án hạ tầng kỹ thuật KĐT Đông nam Trần Duy Hưng do Công ty XD công nghiệp làm chủ đầu tư.

Chú trọng nhà ở, xem nhẹ hạ tầng xã hội

Đa số các chủ đầu tư KĐTM, khu nhà ở chú trọng đầu tư xây dựng nhà ở nhưng xem nhẹ hạ tầng xã hội. Ở hầu hết các dự án, trong khi phần đất kinh doanh mang lại lợi nhuận đã được phủ kín, những ô đất quy hoạch xây dựng nhà trẻ, trường học vẫn để trống cho cỏ mọc. Khu nhà ở Đồng Me, thời điểm kiểm tra, mặc dù dân cư đã vào sinh sống, song điện, nước chưa được hoàn thiện. KĐTM Cổ Nhuế - Xuân Đỉnh, Đặng Xá, nhà ở đã bán, các hộ dân về ở, nhưng công trình công cộng, trường học chưa được đầu tư xây dựng. KĐTM Sài Đồng, UBND quận Long Biên mới xây được 1 trường tiểu học, còn 4 lô xây dựng trường học, nhà trẻ khác theo quy hoạch vẫn bỏ trống.

Được đánh giá có nhiều nỗ lực trong hoàn thiện công trình hạ tầng xã hội, song KĐTM Văn Quán - Yên Phúc cũng mới có 2 trường tiểu học, 1 nhà trẻ; còn 1 trường học, 1 nhà trẻ đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Giới kiến trúc sư nhận xét, các KĐTM, khu nhà ở hiện nay như những phòng ngủ khổng lồ, do thiếu cơ sở hành chính, khám, chữa bệnh, học tập, vui chơi; tạo nên dòng người dịch chuyển gây ra quá tải, ùn tắc giao thông.

Cần quản lý thống nhất các dự án đầu tư

Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Quốc Tuấn, bên cạnh trách nhiệm của chủ đầu tư còn nhiều bất cập trong cơ chế chính sách về quản lý đất đai, đầu tư xây dựng, GPMB. Đơn cử, khu nhà ở Đồng Me là khu dành cho tái định cư, mật độ xây dựng quy định là 48% trong khi diện tích mỗi lô đất chỉ có 50m2. Vì quá bất hợp lý, nên các hộ dân đã tự ý xây không đúng quy hoạch. Hoặc tại KĐTM Sài Đồng, công trình trường học không giao cho chủ đầu tư xây dựng, song cũng chưa xác định cụ thể đơn vị nào chịu trách nhiệm; nguồn vốn theo phương thức xã hội hóa hay từ ngân sách, nên chủ đầu tư lúng túng không biết triển khai thế nào?

Ngoài ra, các quy định quản lý đầu tư, kinh doanh nhà ở, khu đô thị được ban hành năm 2005-2006, trong khi phần lớn dự án đều phê duyệt, triển khai thời điểm trước khi ban hành văn bản quản lý. Mặt khác, từ trước đến nay việc quản lý quá trình đầu tư, vận hành khai thác các dự án phân tán, không có cơ quan đầu mối theo dõi suốt quá trình đầu tư nên các KĐTM phát triển thiếu kế hoạch và không có sự kết nối đồng bộ.

Sở Xây dựng Hà Nội đang thành lập đơn vị quản lý nhà nước về phát triển KĐTM, khu nhà ở và kinh doanh bất động sản. Đơn vị này sẽ là đầu mối trong việc khớp nối hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào dự án, theo dõi tiến độ cũng như trách nhiệm hoàn thiện hạ tầng xã hội theo dự án của chủ đầu tư. Cùng với Sở Xây dựng, UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở Quy hoạch - Kiến trúc và UBND các quận, huyện rà soát các dự án chưa có đầy đủ hạ tầng xã hội; đề xuất xây trường công lập, bảo đảm tiêu chuẩn của ngành giáo dục trên quy mô diện tích, dân số. Sắp tới, Hà Nội tiếp tục kiểm tra đợt 2 các dự án KĐTM, khu nhà ở trên địa bàn, nếu dự án thực hiện chậm quá 24 tháng so với tiến độ mà không có lý do chính đáng, thành phố sẽ thu hồi giao nhà đầu tư khác.

DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới