Top

3 giải pháp của Bộ Xây dựng xử lý condotel

Cập nhật 03/12/2019 13:45

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều 2-12, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết Chính phủ, Bộ Xây dựng đã có hàng loạt động thái cảnh báo về sự phát triển nóng và rủi ro của loại hình bất động sản (BĐS) condotel.

Hệ thống condotel Cocobay Đà Nẵng vừa tuyên bố không thể chi trả lợi nhuận như cam kết. Ảnh: TẤN VIỆT

Thứ trưởng Hùng cho biết cả nước có hơn 30.000 căn hộ condotel. Loại hình căn hộ du lịch phát triển từ năm 2015, cao trào là năm 2016-2017, sau đó thì giảm mạnh. Các dự án condotel tới năm 2019 giảm khoảng 80% so với lúc cao điểm, giao dịch giảm một nửa.

Condotel là căn hộ khách sạn, phục vụ du lịch, nghỉ dưỡng nhưng có đặc điểm là sở hữu của một chủ thể (chủ đầu tư thứ cấp) trong tổng thể của một khách sạn thuộc sở hữu của một chủ đầu tư. Loại hình này hiện có một số vướng mắc về mặt pháp lý. Cụ thể, hiện chỉ có Luật Du lịch quy định các loại hình cơ sở lưu trú du lịch, bao gồm biệt thự du lịch, căn hộ du lịch, nhà ở/văn phòng cho khách du lịch thuê. Còn các luật có liên quan như Luật Kinh doanh BĐS, Luật Nhà ở, Luật Đất đai lại chưa có quy định.

“Đến nay quy định cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng cho condotel cũng chưa có, dẫn đến chúng ta chưa triển khai việc cấp quyền sở hữu cho loại hình này. Bên cạnh đó, việc vận hành, quản lý condotel trong Luật Kinh doanh BĐS cũng chưa quy định rõ… dẫn đến việc quản lý, sử dụng chưa có quy định điều chỉnh” - ông Hùng nói.

Từ năm 2017, Bộ Xây dựng và các tỉnh, thành đã có báo cáo về việc phát triển quá nóng của thị trường này và đề nghị phải siết chặt quản lý. Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi 63 tỉnh, thành, đặc biệt là những tỉnh, thành có nhiều condotel, lưu ý trong việc thẩm định chất lượng, chủ trương đầu tư, chú ý vấn đề chỉ tiêu dân số, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật để tránh việc biến condotel thành nhà ở… “Việc này khiến từ năm 2018 đã giảm hẳn việc xem xét chủ trương đầu tư condotel” - ông Hùng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó Chính phủ, Thủ tướng đã có nhiều chỉ đạo đối với vấn đề condotel, đặc biệt là Chỉ thị 11 vào tháng 4-2019 về việc phát triển thị trường BĐS lành mạnh, trong đó có condotel. Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng nghiên cứu, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy chế vận hành condotel… Giao Bộ TN&MT ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về chế độ sử dụng đất đối với condotel và cấp quyền sở hữu đối với condotel. “Tất cả văn bản này được yêu cầu phải xong trong tháng 12-2019 để tạo hành lang pháp lý hoàn chỉnh cho loại hình condotel” - ông Hùng nói.

Theo ông Hùng, việc chủ đầu tư dự án phá vỡ cam kết lợi nhuận với nhà đầu tư thứ cấp “là quan hệ thị trường, quan hệ dân sự”. Tuy vậy, trước tình hình hiện nay, Bộ Xây dựng đề xuất một số giải pháp để thị trường này phát triển một cách lành mạnh.

Thứ nhất, cần minh bạch hóa thông tin về tình hình triển khai condotel, nguy cơ đổ vỡ các cam kết lợi nhuận… để nhà đầu tư thứ cấp nắm được. Thứ hai, thông qua các hiệp hội đưa ra cảnh báo đối với các nhà đầu tư. “Ví dụ, Hiệp hội BĐS vừa qua đã có cảnh báo lợi nhuận condotel tối đa chỉ nên trên lãi suất gửi tiết kiệm, còn lên đến 12% (tức là gấp đôi, gấp ba) thì khó” - ông Hùng nói.

Thứ ba, đề nghị ngân hàng dự kiến có kiểm soát chặt nguồn đầu tư tín dụng cho các dự án BĐS, trong đó có loại hình condotel. “Cuối cùng, chúng tôi dự kiến kiến nghị ban hành mẫu hợp đồng giữa chủ đầu tư và các nhà đầu tư thứ cấp về condotel, tại đó quy định rõ quyền và nghĩa vụ của người bán, người mua, mức lợi nhuận…” - Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết.

DiaOcOnline.vn – Theo PLO