Top

Sony, McDonald's: Vì đâu có nguy cơ xóa sổ?

Cập nhật 19/09/2014 16:26

Vì nhiều lý do khác nhau mà những "người khổng lồ" một thời như McDonald's, Sony, Radio Shack hay Sears đang đứng trước nguy cơ bị "xóa sổ".

Sony từng dẫn đầu trong lĩnh vực điện tử dân dụng. Thương hiệu Sony nổi tiếng đến nỗi người ta dễ dàng tìm thấy những sản phẩm của hãng trong mọi ngôi nhà, từ TV màu Trinitron, máy nghe nhạc Walkman, Discman, đến máy tính cá nhân Vaio. Nhưng trong 4 năm trở lại đây, Sony liên tiếp thua lỗ. Các lãnh đạo cấp cao của họ thừa nhận công ty sẽ mất hơn 2 tỷ USD và rất có thể sẽ không trả cổ tức cho cổ đông năm nay.

McDonald's đã tạo ra thứ mà ngày nay chúng ta vẫn gọi là "fast food" - đồ ăn nhanh. Cả một thế hệ người tiêu dùng gần như "nghiện" các sản phẩm như Big Mac, Quarter Pounder hay Happy Meal và hết lòng yêu thích phát ngôn viên luôn vui vẻ, hài hước – Ronald McDonald. Tuy nhiên, McDonald's hiện đang xuống dốc. Việc doanh số bán hàng giảm và các sản phẩm không còn được thế hệ trẻ ưa chuộng khiến tương lai của hãng trở nên bấp bênh.


Radio Shack từng là cái tên hàng đầu trong ngành điện tử, trước cả khi khái niệm điện tử dân dụng thực sự ra đời. Thời đó, người ta vẫn mua đèn chân không để sửa đài và TV, đôi khi còn mày mò tự chế những chiếc máy tính hay trò chơi điện tử sơ khai. Và nếu cần mua các thiết bị điện tử thì Radio Shack chính là lựa chọn lý tưởng. Thế nhưng tất cả đã trở thành quá khứ. Hiện tại, Radio Shack đang đứng ngay trên bờ vực phá sản.

Sears đã mở ra khả năng mua hàng mà không cần đến tận nơi với những catalog nổi tiếng của mình. Họ dần trở thành công ty lớn được tính vào chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones và là hãng bán lẻ hàng đầu nước Mỹ, sở hữu những nhãn hiệu quyền lực như Kenmore, Diehard và Craftsman. Hiện tại mức nợ của Sears được đánh giá là rất xấu và trong 3 năm liền công ty làm ăn không có lãi, doanh số bán hàng cũng giảm trong khi nhiều cửa hàng phải đóng cửa.

Tại sao những cái tên từng là người tiên phong xuất chúng lại gặp phải vấn đề trầm trọng như vậy?

Biến động thị trường

Thế giới thay đổi không ngừng. Một ý tưởng kinh doanh tuyệt vời sẽ mất dần giá trị khi những đối thủ cạnh tranh xuất hiện, tạo ra các giải pháp và công nghệ mới khiến người tiêu dùng ưa chuộng sản phẩm của họ hơn là sản phẩm nguyên gốc. Điều này khiến công ty ban đầu không còn phù hợp và cuối cùng trở nên lỗi thời.

Mô hình quản trị hiệu quả chưa đủ để thành công

Phần lớn các lãnh đạo ngày nay đều có nền tảng tài chính tốt và có thể phân tích báo cáo lãi lỗ và bảng cân đối kế toán của công ty một cách chi tiết. Họ hiểu rõ hệ thống điều hành nội bộ và cách để cải tiến. Khả năng dẫn dắt doanh nghiệp và tạo lợi nhuận ngắn hạn cho công ty của họ cũng rất đáng khâm phục.

Nhưng điều đó chẳng là gì một khi thị trường thay đổi. Khi những thứ ngoài tầm kiểm soát của công ty xảy ra, mọi nỗ lực làm việc, cắt giảm chi phí, phân tích tài chính hay tính toán đều trở nên vô ích.

Ngày nay, phần lớn người tiêu dùng không thực sự quan tâm chiếc TV màu hay máy nghe nhạc bạn sản xuất ra tốt đến mức nào, vì họ có thể làm mọi thứ chỉ với một thiết bị di động.

Họ không nghĩ tính đồng đều quan trọng hơn chất lượng, cũng không chấp nhận những thực phẩm đông lạnh nhiều carb (thành phần chính của các loại tinh bột, ngũ cốc, đường, đồ ngọt, bánh kẹo, ...) và chất béo trong khi có thể dễ dàng tìm được những thứ thay thế tươi ngon và thanh đạm hơn.

Người tiêu dùng cũng chẳng cần quan tâm đến những chi tiết trong một sản phẩm điện tử dân dụng. Họ có thể mua hàng tá những sản phẩm khác nhau từ nhiều nhà cung cấp chỉ bằng một cái chạm tay trên màn hình cảm ứng.

Họ cũng không quan tâm cửa hàng bán lẻ của bạn đang bày những gì lên kệ vì họ có thể mua sắm mọi thứ, xem thông tin, các bài đánh giá sản phẩm và giá cả chỉ qua điện thoại.

Nhận định sai và không gì có thể cứu vãn được

Những nhận định mà Sony, McDonald's, Radio Shack hay Sears đưa ra không còn hiệu quả nữa. Điều các lãnh đạo dự đoán từ một hay hai thập kỷ trước, khi những công ty này đang làm ăn phát đạt, không còn chính xác.

Dù tập trung cải tiến hệ thống vận hành doanh nghiệp, cắt giảm chi phí hay phục vụ những khách hàng còn lại, các công ty này vẫn không thể vực dậy được, thậm chí còn thua lỗ nặng hơn.

Đã hơn 80 năm kể từ khi giáo sư Đại học Harvard Joseph Schumpeter dùng khái niệm "sự hủy diệt mang tính sáng tạo" (creative destruction) để diễn tả quá trình những công nghệ mới thay thế cái cũ, sự sáng tạo của các đối thủ cạnh tranh khiến công ty tiên phong sụp đổ.

Đáng buồn là nhiều CEO vẫn còn xa lạ với khái niệm này, lại càng ít người nghĩ chuyện đó sẽ xảy đến với công ty mình. Đa phần đều hy vọng rằng chỉ cần thực hiện vài cải tiến thì công ty sẽ không trở thành lỗi thời, và họ có thể xoay chuyển tình thế xấu mà họ cho là ngắn hạn này.

Đối với các nhân viên, nhà cung cấp và nhà đầu tư, hy vọng như thế chẳng khác nào một điểm tựa mong manh cho công việc, doanh thu và lợi nhuận của họ.

Xu hướng quan trọng hơn lịch sử

Dân số thế giới đang già đi. Gần như tất cả các nước lớn sẽ lâm vào tình trạng dân số giảm trong 20 năm tới do tỷ lệ sinh thấp. Đồng thời, dịch vụ chăm sóc sức khỏe đang ngày càng phát triển và tuổi thọ của con người cũng tăng lên.

Hầu hết mọi sản phẩm và quy trình sản xuất đang được số hóa, bất kỳ quy trình nào có thể thì đều được thực hiện bởi máy tính do chi phí thấp. Bạn có thể liên lạc với mọi nơi trên thế giới miễn phí và băng thông vẫn không ngừng mở rộng. Các bí mật sẽ gần như không thể giữ được, tính minh bạch sẽ trở thành tiêu chuẩn.

Những xu hướng trên tác động đến mọi doanh nghiệp. Nhiều xu hướng sẽ ảnh hưởng ngay đến doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp năm 2015. Đến năm 2020, tất cả sẽ gây ra tác động lớn mà doanh nghiệp của bạn cũng không thể tránh khỏi. Những xu hướng này có khả năng thay đổi nhận định mà các công ty thành lập trước năm 2000 đưa ra.

Bạn có đang thay đổi các nhận định và đổi mới doanh nghiệp của mình để cạnh tranh trong tương lai không? Nếu không, rất có thể công ty của bạn sẽ sớm lâm vào tình trạng giống như Sony, McDonald's, Radio Shack và Sears hiện nay.


DiaOcOnline.vn - Theo Infonet / Forbes