Sultan Omar Ali Saifuddin - niềm tự hào Brunei

Cập nhật 03/12/2009 15:50

Có một địa điểm du lịch mà bất kỳ du khách nào khi đến Vương quốc Brunei cũng không thể bỏ qua. Đó chính là đại thánh đường Sultan Omar Ali Saifuddin - nhà thờ Hồi giáo hoàng gia được đặt tên theo vị vua trị vì thứ 28 tọa lạc tại thủ đô Bandar Seri Begawan.

Có một địa điểm du lịch mà bất kỳ du khách nào khi đến Vương quốc Brunei cũng không thể bỏ qua. Đó chính là đại thánh đường Sultan Omar Ali Saifuddin - nhà thờ Hồi giáo hoàng gia được đặt tên theo vị vua trị vì thứ 28 tọa lạc tại thủ đô Bandar Seri Begawan.

 

Đại thánh đường Sultan Omar Ali Saifuddin

 

Hoàn tất vào ngày 26 - 9 - 1958 sau bốn năm thi công, đây được xem là hình mẫu biểu trưng nhất cho kiến trúc Hồi giáo hiện đại thế kỷ 20. Vào thời điểm đó, tổng kinh phí xây dựng công trình ước tính khoảng 9,9 triệu USD.

 

Cấu trúc là sự kết hợp cách tân của phong cách Phục hưng Ý, Mughal Ấn Độ và cả kiến trúc truyền thống Hồi giáo

 

Toàn bộ khuôn viên đại thánh đường rộng khoảng 2 mẫu

 

Các tháp chính và mái vòm

 

Các tháp với kiến trúc phương Tây, điều vốn rất hiếm gặp ở các nhà thờ Hồi giáo

 

Kiến trúc của nhà thờ chịu ảnh hưởng sâu sắc phong cách kiến trúc Phục hưng của Ý, Mughal của Ấn Độ và cả kiến trúc truyền thống Hồi giáo. Được thiết kế bởi kiến trúc sư người Ý Cavalieri R.Nolli, đại thánh đường được xây dựng trên một phá nhân tạo gần dải đất dọc theo bờ sông Kampong Ayer với diện tích toàn bộ khuôn viên khoảng 2 ha.
 

Đại thánh đường này được đánh giá là nhà thờ Hồi giáo kỳ vĩ nhất trong toàn khu vực Viễn Đông và châu Á - Thái Bình Dương, là danh thắng nổi trội và trọng điểm trong tất cả các điểm du lịch tại Brunei. Riêng với người dân Brunei, đây còn là biểu tượng tôn giáo có sức ảnh hưởng to lớn nhất đến đời sống tâm linh của họ.

Đại thánh đường cao 52m có thể được nhìn thấy từ bất kỳ nơi nào ở thủ đô Bandar Seri Begawan với những tháp cao bằng cẩm thạch và mái vòm tròn. Cấu trúc của các tháp là sự kết hợp của dòng phong cách kiến trúc thời kỳ Phục hưng của Ý, điều vốn rất hiếm gặp ở các nhà thờ Hồi giáo trên thế giới. Tháp cao nhất cũng là tháp chính với chiều cao hơn 44m.

Bên trong các tháp cẩm thạch này được gắn hệ thống thang máy hiện đại dẫn lên đỉnh tháp, nơi du khách có thể phóng tầm nhìn bao quát toàn cảnh thủ đô bên ngoài. Riêng phần mái vòm chính lại được xem là điểm đặc trưng dễ nhận biết nhất của nhà thờ với lớp vàng ròng được dát bên ngoài được cấu trúc theo kiểu kiến trúc truyền thống của Hồi giáo.

 

Mái vòm dát vàng ròng, điểm đặc trưng dễ nhận biết của thánh đường

 

Quảng trường bên ngoài nhà thờ với toàn cảnh kiến trúc công trình mang phong cách Mughal của Ấn Độ

 

Khuôn viên bên trong

 

Lối vào nhà nguyện, khu vực chỉ dành riêng cho tín đồ Hồi giáo

 

Kiểu mái vòm mang phong cách kiến trúc Phục hưng

 

Đài phun nước và rất nhiều loại hoa được trồng bên trong khuôn viên nhà thờ

 

Trong khuôn viên nhà thờ rất nhiều đài phun nước cũng như cây xanh và hoa cỏ được bài trí như chốn thiên đường theo tín ngưỡng Hồi giáo. Phía trước thánh đường còn có một cây cầu uốn khúc băng qua phá dẫn dài đến cuối làng Kampong Ayer, nơi bắt nguồn con sông.

Ngoài ra còn có một cây cầu cẩm thạch khác được xây dựng sau đó vào năm 1967, nối liền công trình với hồ nước mang hình dáng mô phỏng một chiếc thuyền rồng truyền thống nổi tiếng của Vương quốc Brunei.

Nguyên bản của chiếc thuyền rồng này có tên gọi Sultan Bolkiah, vốn được xây dựng vào thế kỷ thứ 16. Chi phí cho cây cầu thuyền rồng này lên đến 250.000USD.

 

Mái vòm khảm kính màu

 

Bên trong nhà thờ là nơi chỉ dành cho những tín đồ Hồi giáo, dù vậy nơi đây vẫn tráng lệ, lộng lẫy với tường khảm kính màu, các mái vòm chạm trổ hoa văn tinh xảo, cột trụ dát cẩm thạch viền quanh.

Hầu hết nguyên vật liệu sử dụng cho công trình đều được chuyên chở theo đường hàng hải từ các quốc gia khác đến: cẩm thạch của Ý, đá granite Thượng Hải, khoảng 4 tấn chùm đèn treo và kính màu của Anh cùng thảm đỏ nhập từ Bỉ và Ả Rập Saudi.

Một trong những nguyên liệu bản địa hiếm hoi góp mặt vào công trình kiến trúc vĩ đại này là “kalat”, một loại dây thừng rất dày và bền, được dùng quấn vòng lớp bên ngoài tất cả các cột trụ nhằm gia tăng độ kiên cố.

Ngày nay đại thánh đường Sultan Omar Ali Saifuddien là địa điểm nổi tiếng nhất Vương quốc Brunei. Có thể nói nếu chưa từng đến nơi đây, nghĩa là bạn chưa từng đặt chân đến đất nước Hồi giáo Brunei vốn được nằm trong danh sách dẫn đầu các quốc gia có mức GDP bình quân theo đầu người cao nhất thế giới hiện nay.

 

Tráng lệ dưới ánh đèn đêm

 

Được xem là một sự kết hợp đột phá táo bạo của nhiều phong cách kiến trúc có ảnh hưởng nhất trên thế giới, Brunei thật sự rất tự hào về một di sản quốc gia mang tầm cỡ lịch sử như thế.

 

DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi Trẻ