Top

Giáng sinh Phương Đông

Cập nhật 15/12/2009 16:30

Ở Nhật Bản, người dân không được nghỉ lễ Giáng sinh, nhưng họ lại ăn Tết theo Dương lịch. Mọi người được nghỉ làm trong ngày sinh nhật Nhật Hoàng, nhưng lại vẫn đến công sở vào ngày tết Nguyên đán. Chính tinh thần giao thoa cũ - mới, Đông - Tây, hiện đại và truyền thống đó đã làm nên nét đặc biệt trong phong cách bài trí nội thất của người Nhật Bản nhân dịp đón Noel và năm mới.

Sáng tạo xanh và đỏ

Trước Noel chừng 2 tuần, phố phường và các cửa hiệu tại Nhật Bản cũng tưng bừng đèn đóm như ở bất cứ một nơi nào khác, tuy rằng chỉ có khoảng 05,% dân số theo Công giáo. Người ta nói rằng Giáng sinh chỉ là cái cớ để các cửa hiệu thi bán hàng, còn người dân thì trang hoàng, sửa sang nhà cửa đón năm mới. Ngày trước, người ta phải tự tay đi tìm những gốc tre, những cành thông... để trang trí cho ngôi nhà. Nhưng ngày nay thì các cửa hiệu đã bán sẵn các chi tiết decor này theo cả phong cách truyền thống lẫn hiện đại, hoặc chí ít thì bàn các nguyên liệu để mỗi gia chủ có thể tự tạo style riêng cho tổ ấm của mình. 
 


Cũng vẫn là màu xanh lá và đỏ tươi đặc trưng cho ngày Giáng sinh, nhưng người Nhật vẫn biết cách để các món đồ trang trí mang đậm chất Zen và hòa hợp với phong cách kiến trúc Nhật. Thử tưởng tượng, nếu bạn có một ngôi nhà theo phong cách tối giản, đồ đạc vuông vức và ít chi tiết, màu sơn trầm và hiện diện nhiều vật liệu tự nhiên như gỗ, giấy... thì bạn sẽ đặt cây thông Noel vào đâu, treo vòng nguyệt quế lên cửa như thế nào, để vẫn có không khí Giáng sinh mà lại không "chướng mắt"? Cách của người Nhật là thế này: đem màu xanh lá và đỏ tươi ấy ứng dụng vào nghệ thuật... cắm hoa Ikebana.

Đẹp mà hợp phong thủy

 


Đón năm mới, người Nhật thường trang trí hai bên cửa ngõ bằng cây thông để đón may mắn vào nhà. Tục lệ này có tên là Kadomatsu. Có nhà thêm cả cây tre và cành mai. Dưới vòm cửa ra vào không thể thiếu Shimenawa - một loại trang trí bắt nguồn từ Thần đạo (Shinto), hình cái nùn rơm có cuốn băng giấy chữ chi - để ngăn không cho quỷ lai vãng vào địa phận nhà, tương tự như phong tục cắm cây nêu ngày Tết của ta vậy. Để tăng sắc màu vui tươi cho nùn rơm và những nhánh dương xỉ, giờ đây người Nhật thường gắn vào Shimenawa các vật phẩm như đồ đan bằng lá màu trắng, quả quýt, thừng bện bằng cỏ, dải giấy trắng... Quả quýt màu da cam, có âm đọc giống như "đời đời" trong tiếng Nhật, tượng trưng cho muôn đời thịnh vượng; thừng bện bằng cỏ như lời kính dâng lên thần linh cầu tài lộc; lá cây dương xỉ màu trắng bạc nói lên sự trinh bạch không tì vết; còn dải giấy trắng mang ý nghĩa tẩy sạch vết nhơ và xua đuổi tà ma...
 


Chính những gam màu trung gian của giấy (trắng), của dẫy thừng (ngà), rơm (vàng) đã làm cầu nối cho sắc xanh, đỏ, cam... không quá "chọi" với màu nâu, đen, xám của đồ gỗ và nột thất. Cành thông, vòng nguyệt quế khi kết hợp với quạt giấy, hoa mận, hay nùn rơm... sẽ mang sắc thái mới lạ mà vẫn rất Noel, rất hội hè. Thêm một bàn trà với ấm và chén sơn mài màu đỏ cam là đủ để những chiếc khay đen và đôi đũa bạc trong mâm cơm ngày Tết bớt đơn điệu. Bên cạnh bát mỳ truyền thống, thêm một chú tôm hùm gia tăng sắc đỏ, vừa kết nối những món ăn nguội và lạnh với hương vị của rượu vang, vừa đồng thời thay cho lời chúc làm đồ trang sức giàu sang phú quý, cả nhà trường thọ (vì người Nhật cho rằng tôm hùm có hình dạng giống như cụ già khom lưng)...
 


Đẹp mắt mà lại giản đơn, sáng tạo mà lại không cầu kỳ, dễ bắt chước, cái "động trong tĩnh" của tinh thần Zen là ở chỗ: bất kỳ ai cũng có thể ứng dụng cái khuôn mẫu vào bản thân mình, biến nó thành cái của mình. Với những mẫu decor theo chủ đề Giáng sinh này, bạn hoàn toàn có thể áp dụng để đem lại không khí phương Đông truyền thống cho ngôi nhà trong dịp Giáng sinh, năm mới. Với tính chất đơn giản, chọn lọc chi tiết, không cầu kỳ, các chi tiết decor này phù hợp với các dạng nhà phố và căn hộ ở nước ta, vì nó tiết kiệm được chi phí, ít bị lỗi thời, đồng thời lại phù hợp với những người cảm nhận được vẻ đẹp của nó và thích sự trầm tĩnh.
 


Hơn nữa, bài trí nhà theo phong cách Zen thường tạo cảm giác yên tĩnh nên phù hợp với cuộc sống đô thị ồn ào. Khi bước vào nhà là có thể cảm nhận được sự bình yên. Cách thiết kế, trình bày các chi tiết decor cũng không quá phức tạp. Điều quan trọng là người sử dụng nắm được tinh thần của phong cách này là đơn giản, cô đọng và tinh tế để ứng dụng một cách linh hoạt.

 

DiaOcOnline.vn - Theo Tiêu Dùng